10:02 18/06/2009

Kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm đều giảm mạnh

Mạnh Chung

Số liệu thống kê xuất nhập khẩu của Việt Nam 6 tháng đầu năm vừa được Bộ Công Thương công bố

Theo Bộ Công Thương, để đạt được mục tiêu xuất nhập khẩu cả năm 2009, những tháng còn lại phải có các giải pháp rất quyết liệt mới thực hiện được.
Theo Bộ Công Thương, để đạt được mục tiêu xuất nhập khẩu cả năm 2009, những tháng còn lại phải có các giải pháp rất quyết liệt mới thực hiện được.
Sáu tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 27,57 tỷ USD, giảm 10% so cùng kỳ 2008. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 30,64 tỷ USD, giảm khoảng 31,6% so với cùng kỳ.

Số liệu trên vừa được Bộ Công Thương công bố ngày 17/6.

Theo báo cáo của Bộ, hầu hết các mặt hàng đều giảm cả lượng và kim ngạch, trong đó các mặt hàng chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu giảm 10- 20%. Tổng cộng, mức nhập siêu sáu tháng đầu năm 2009 ước khoảng 3 tỷ USD, chiếm 11% kim ngạch xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Bùi Xuân Khu cho biết, nguyên nhân trực tiếp tác động tới kim ngạch xuất khẩu 6 tháng qua là do giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị giảm trên thị trường thế giới. Đồng thời, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp mạnh, như Hoa Kỳ giảm khoảng 7%, EU khoảng 10% và ASEAN khoảng 6%.

Mục tiêu xuất khẩu đặt ra cho cả năm 2009 (đã điều chỉnh theo chỉ tiêu kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDP là 5%) là tăng trưởng 3% so với năm 2008, tương đương đạt 64,57 tỷ USD.

Như vậy, do kim ngạch 6 tháng đầu năm ước đạt 42,7%, nên 6 tháng còn lại xuất khẩu phải đạt 57,3% kế hoạch năm. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, căn cứ vào tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm của 8 năm trở lại đây thường chiếm từ 53- 55% kế hoạch năm nên, để đạt được mục tiêu trên phải có các giải pháp rất quyết liệt mới thực hiện được.

“Mục tiêu này còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới có khả năng phục hồi hoặc phục hồi chậm, và giá cả hàng hóa trên thế giới không có yếu tố bất lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam”, ông Khu nhận định.

Còn về chỉ tiêu nhập khẩu, với mức nhập siêu khoảng 10- 12 tỷ USD (đã điều chỉnh theo chỉ tiêu kinh tế), theo Bộ Công Thương, nếu gói kích cầu của Chính phủ phát huy tác dụng và hiệu quả vào nửa cuối năm thì dự kiến kim ngạch nhập bằng 90% năm 2008, tương đương 72,6 tỷ USD, thì nhập siêu sẽ khoảng 10 -12 tỷ USD.

Tuy nhiên, Bộ cũng cho rằng, do tình hình giá cả thế giới vẫn đang có xu hướng biến động phức tạp nên nhập siêu có dấu hiệu tăng trở lại. Vì vậy mục tiêu hàng đầu vẫn phải chủ động ngăn ngừa nhập siêu.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành trong sáu tháng đầu năm ước đạt 329,1 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2 phần trăm so cùng kỳ 2008 và các khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng nhất định. Nhưng, đây là mức tăng trưởng thấp so với nhiều năm qua, trong đó khó khăn lớn nhất là đầu ra cho sản phẩm, nhiều mặt hàng có khối lượng lớn tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều nên các doanh nghiệp phải tiết giảm sản xuất.

Ngoài ra, một điểm sáng trong 6 tháng đầu năm là hoạt động thương mại nội địa tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội ước đạt 546,4 nghìn tỷ đồng, tăng 22 phần trăm so cùng kỳ năm ngoái.