18:00 07/10/2024

Smarthome không bảo mật, giống như để hacker "ngồi" vào nhà, thu thập mọi dữ liệu nghe, nhìn

Bảo Bình

Với hệ thống các thiết bị IoT và cảm biến trong smarthome, nếu không được bảo mật an toàn, hacker sẽ có thể “ngồi" trong nhà và theo dõi mọi hoạt động ...

Thị trường nhà thông minh trên thế giới đang phát triển với tốc độ rất nhanh, và Việt Nam cũng đang từng bước tiến triển
Thị trường nhà thông minh trên thế giới đang phát triển với tốc độ rất nhanh, và Việt Nam cũng đang từng bước tiến triển

Thị trường nhà thông minh tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. 

THÁCH THỨC AN TOÀN BẢO MẬT CHO SMARTHOME 

Chia sẻ tại sự kiện Techday 10 của Rạng Đông vừa qua, ông Ngô Tuấn Anh, Chủ tịch, CEO Công ty An ninh mạng SCS, Phó chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), cho biết nhà thông minh đã trải qua một hành trình ấn tượng, gồm 5 thế hệ phát triển, từ những thiết bị đơn lẻ tự động hóa cơ bản đến các hệ thống phức tạp, thông minh có khả năng dự đoán nhu cầu người dùng. 

Thế hệ đầu tiên của nhà thông minh đánh dấu sự khởi đầu với việc tự động hóa các thiết bị đơn giản như đèn và quạt thông qua công tắc hẹn giờ hoặc điều khiển từ xa. 

Thế hệ thứ hai được xem là thời kỳ kết nối. Lúc này, các thiết bị có khả năng kết nối với nhau qua Wi-Fi. Người dùng có thể điều khiển thiết bị từ xa qua ứng dụng điện thoại 

Thế hệ thứ ba chứng kiến sự tích hợp thông minh giữa các thiết bị, tạo ra một hệ thống thống nhất cho phép chúng giao tiếp và hoạt động đồng bộ, với sự ra đời của các trung tâm điều khiển như Amazon Echo hay Google Home, đánh dấu bước tiến mới trong việc quản lý ngôi nhà thông minh. 

Tiếp theo là thế hệ thứ tư, khi trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy được tích hợp vào hệ thống, giúp smarthome học hỏi thói quen của người dùng và đưa ra những quyết định thông minh, như tối ưu hóa năng lượng tiêu thụ. 

Cuối cùng, thế hệ thứ năm đưa nhà thông minh lên đỉnh cao với khả năng tự động hóa hoàn toàn và phân tích dự báo, không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn dự đoán và chủ động điều chỉnh để tạo ra một môi trường sống hoàn hảo.

Theo ông Ngô Tuấn Anh, hệ thống nhà thông minh thế hệ mới có rất nhiều thiết bị IoT và cảm biến, tất cả đều kết nối với nhau. Điều này dẫn đến một số thách thức về mặt an toàn an ninh mạng cho người dùng.

Smarthome có số lượng thiết bị IoT lớn. Theo thống kê được ông Ngô Tuấn Anh đưa ra, dự báo đến năm 2025, mỗi gia đình sẽ có trung bình khoảng 25 thiết bị IoT.  Với sự phổ biến của các thiết bị Internet of Things (IoT), việc bảo mật từng thiết bị trở nên vô cùng khó khăn. Điều này tạo ra nhiều lỗ hổng cho tin tặc khai thác.

Bên cạnh các thiết bị IoT, smartphone còn có đa dạng cảm biến. Các thiết bị trong nhà thông minh thường được trang bị nhiều loại cảm biến như camera, micro,... Điều này giúp thu thập một lượng lớn dữ liệu cá nhân, từ hình ảnh, âm thanh đến các thông tin khác. Nếu không được bảo mật tốt, dữ liệu này có thể bị kẻ xấu lợi dụng để xâm phạm quyền riêng tư.

Trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành nhà thông minh. Tuy nhiên, AI cũng cần thu thập một lượng lớn dữ liệu để học hỏi và cải thiện. Điều này đặt ra thách thức về bảo mật dữ liệu, đặc biệt là khi dữ liệu cá nhân được liên tục thu thập và phân tích.

“Có thể nói với hệ thống các thiết bị IoT và các cảm biến trong smarthome, nếu không được bảo mật an toàn, hacker sẽ có thể “ngồi" trong nhà và theo dõi mọi hoạt động của cả gia đình”, ông Ngô Tuấn Anh nói.

“Việc bảo vệ toàn bộ hệ thống IoT này sẽ trở nên rất phức tạp và đòi hỏi giải pháp an ninh toàn diện hơn”, ông Ngô Tuấn Anh nói.

XÂY DỰNG HỆ SINH THÁI MỞ CHO THỊ TRƯỜNG SMARTHOME VIỆT NAM

Không chỉ đối mặt với thách thức về an toàn thông tin, để thị trường smarthome Việt Nam phát triển, theo các chuyên gia, cần có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp trong ngành, các doanh nghiệp công nghệ và đặc biệt là phải có một tiêu chuẩn kết nối chung.

Hiện nay, trong chiến lược phát triển của mình, Rạng Đông đang hướng tới mục tiêu trở thành một công ty điện tử công nghệ cao. Chia sẻ về hướng đi của Rạng Đông trong lĩnh vực nhà thông minh, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển các Mô hình Kinh doanh Hiện đại (C4LED), cho biết công ty mong muốn đáp ứng toàn diện nhu cầu của khách hàng. Để làm được điều này, Rạng Đông tập trung vào việc xây dựng một hệ sinh thái mở, nơi sản phẩm có thể liên tục cải tiến dựa trên phản hồi từ khách hàng và đối tác.

Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng Giám đốc công ty Rạng Đông, cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc "kết nối" trong hệ sinh thái smarthome. “Làm thế nào để các nhà sản xuất thiết bị IoT có thể tích hợp sản phẩm với hệ thống của Rạng Đông và kết nối với các nền tảng khác là một thách thức lớn”, ông Nguyễn Đoàn Thăng đặt vấn đề và cho rằng, dù rất khó để xây dựng một tiêu chuẩn kết nối chung, nhưng sự hợp tác giữa một số công ty trong ngành là bước đầu để Việt Nam dần hình thành những chuẩn kết nối phổ biến.

Theo ông Lê Ngọc Lâm, hệ sinh thái mở của Rạng Đông đã thu hút sự hợp tác từ các doanh nghiệp viễn thông và công ty công nghệ, với mục tiêu xây dựng một nền tảng chung cùng các chuẩn kết nối phổ biến.

“Điều này giúp tăng tính tương thích giữa các nền tảng, xóa bỏ rào cản công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Nhờ đó, các sản phẩm smarthome sẽ trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn đối với người tiêu dùng,” ông Lâm nhấn mạnh.

Là một đối tác của Rạng Đông trong hệ sinh thái smarthome, đại diện Viettel Telecom cho biết mảng smarthome rất rộng, thế mạnh của Viettel Telecom không phải nằm ở sản xuất thiết bị. Tuy nhiên, đánh giá thị trường smarthome có nhiều tiềm năng phát triển, ban lãnh đạo và đội ngũ phát triển sản phẩm của Viettel Telecom luôn tìm cách khai thác tối đa lợi thế của mình, đồng thời hợp tác với các đối tác quan trọng để cùng phát triển hệ sinh thái smarthome tại Việt Nam. Và sự kết hợp giữa Rạng Đông với Viettel là một sự “kết hợp rất tốt giữa một đơn vị viễn thông và một đơn vị chuyên về thiết bị smarthome”.

Ông Lê Ngọc Lâm cho biết hiện chiến lược phát triển nhà thông minh Rallismart của Rạng Đông đang tập trung vào việc phát triển hợp tác để tích hợp các mô-đun hoặc ứng dụng mới vào nền tảng công nghệ, mục tiêu là đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ cung cấp trên Rallismart , nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Rallismart sẽ quét trải nghiệm của người dùng và đánh giá giá trị dịch vụ, từ đó nghiên cứu cải tiến để tạo ra một hệ sinh thái bền vững chung.

SafeGate và Rạng Đông đã cùng hợp tác triển khai tích hợp giải pháp an ninh mạng SafeGate lên hệ thống nhà thông minh Rạng Đông
SafeGate và Rạng Đông đã cùng hợp tác triển khai tích hợp giải pháp an ninh mạng SafeGate lên hệ thống nhà thông minh Rạng Đông

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng giám đốc công ty Rạng Đông, thị trường nhà thông minh trên thế giới đang phát triển với tốc độ rất nhanh, và ở Việt Nam cũng đang từng bước tiến triển. Tuy nhiên, để đạt được sự phát triển này, Việt Nam cần có những năng lực cốt lõi và sự phối hợp giữa nhiều doanh nghiệp, tổ chức, và đơn vị khác nhau. 

“Chỉ khi chúng ta kết hợp sức mạnh từ các bên, chúng ta mới có thể xây dựng một hệ thống nhà thông minh hiệu quả và bền vững. Nhà thông minh không chỉ mang lại tiện ích cho người dùng mà còn là một phần quan trọng trong việc thực hiện nền tiêu dùng xanh và cuộc sống bền vững, giúp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường”, Phó Tổng giám đốc Rạng Đông cho biết.