Số hóa nguồn tài nguyên để phát triển du lịch
Chuyển đổi số toàn ngành du lịch là nhiệm vụ cần ưu tiên trong giai đoạn 2021 – 2025 nhằm định hướng phát triển du lịch nước ta ngày càng phù hợp với thực tiễn...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 2292/QĐ-BVHTTDL ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025.
Chương trình hành động đã xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên để phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025. Đáng chú ý là nhiệm vụ ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, chuyển đổi số toàn ngành du lịch.
Đối với nhiệm vụ chuyển đổi số, yêu cầu đặt ra là phải chú trọng thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành du lịch, góp phần hoàn thành mục tiêu "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Theo đó, cần phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch. Thực hiện điều tra, đánh giá, phân loại và số hóa tài nguyên du lịch Việt Nam và hình thành hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch. Xây dựng hệ thống thông tin số về thị trường du lịch Việt Nam, thống nhất công tác thống kê du lịch ở Trung ương và địa phương.
Ngoài ra, tập trung xây dựng và triển khai các đề án, dự án phát triển du lịch thông minh, mô hình quản lý điểm đến du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển các phần mềm, tiện ích thông minh hỗ trợ công tác quản lý và phục vụ khách du lịch.
Bên cạnh đó hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh du lịch. Đặc biệt tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch.
Để thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành du lịch, việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch là cần thiết. Với yêu cầu này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có đề xuất trình Chính phủ:
Trước hết, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối của một số khu du lịch quốc gia tại các khu vực động lực phát triển du lịch. Các tỉnh/thành phố nằm trong khu vực động lực phát triển du lịch có khu du lịch quốc gia tiếp tục chủ động đề xuất, bố trí nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển khu du lịch quốc gia.
Tăng cường đầu tư hạ tầng kết nối giao thông quan trọng như hạ tầng đường bộ ven biển, đường biển; hạ tầng sân bay, kết nối các đường bay quốc tế, giờ bay phù hợp đến các tỉnh phát triển du lịch. Đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối giữa các vùng phát triển với một số vùng khó khăn như miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tạo thuận lợi cho du lịch phát triển.
Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất với Chính phủ và các địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương có tiềm năng du lịch ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch để hình thành các cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế.
Trước đây, quảng bá thông qua báo chí, tờ rơi hay mạng xã hội, video... đã phần nào đáp ứng nhu cầu tham khảo điểm đến. Tuy nhiên, yêu cầu của du khách ngày càng cao khi họ thích những trải nghiệm thật và chi tiết trước khi quyết định một chuyến đi.
Vì vậy việc tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, chuyển đổi số trong ngành du lịch là cần thiết. Qua đó sẽ giúp khách hàng tìm được những điểm đến phù hợp thông qua lượng thông tin và cách thức truyền tải nhanh chóng. Từ đó sẽ cải thiện chất lượng dịch vụ cũng như nâng cao giá trị trải nghiệm trong những chuyến đi. Đây chính là cách để đảm bảo cho du lịch phát triển bền vững.