13:38 18/12/2023

Startup đón Giáng sinh buồn: sa thải hàng loạt, đóng cửa trong năm 2023

Hoàng Hà

Trong một năm mà hầu hết các tập đoàn công nghệ lớn đều phải cắt giảm chi tiêu thì các công ty khởi nghiệp lại càng bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề...

Trong thời kỳ bùng nổ đại dịch, các nhà đầu tư sẵn lòng cấp vốn, tiếp sức để các công ty trẻ đầy hứa hẹn phát triển. Nhưng bây giờ, các vòng tài trợ mới gần như đã bốc hơi, startup rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

HƠN 500 STARTUP PHẢI ĐÓNG CỬA TRONG NĂM 2023

Theo công cụ theo dõi việc làm Layoffs.fyi, hơn 250.000 nhân sự tại các công ty công nghệ thuộc mọi quy mô đã bị sa thải trong năm nay. Trong số nhân sự bị cắt giảm này, nhiều người đến từ những gã khổng lồ như Meta Platforms Inc. và Google. Ngoài ra, cũng có hàng nghìn người bị cắt giảm đến từ các công ty nhỏ hơn, đang phải đối mặt với đợt suy giảm đầu tiên của họ. Theo công ty quản lý vốn Carta Inc., hơn 500 công ty khởi nghiệp đã đóng cửa vào năm 2023 - và nhiều công ty trong số đó đang phải sa thải công nhân và tìm kiếm nguồn tiền mặt thay thế.

Stellar Pizza của Serve Automation Inc., công ty sử dụng công nghệ robot để làm bánh pizza, là một trong những doanh nghiệp như vậy. Công ty đã cắt giảm một nửa lực lượng lao động trong năm nay và công bố một chiến dịch huy động vốn từ cộng đồng để cố gắng huy động 1,24 triệu USD, số tiền mà họ cho biết sẽ giúp công ty tiếp tục hoạt động trong 5 tháng nữa.

“Đây là khoảng thời gian kỳ lạ trong thế giới đầu tư mạo hiểm”, đồng sáng lập Benson Tsai cho biết trong một email. “Tôi đang chiến đấu nhằm duy trì hoạt động kinh doanh”.

Tinh thần trong hầu hết ngành đã thay đổi từ sự lạc quan vô bờ bến thời kỳ bùng nổ công nghệ mới nhất. Khi đợt sa thải cuối cùng xảy ra vào năm 2020, các nhân viên khởi nghiệp, đặc biệt là các kỹ sư, tỏ ra thờ ơ vì biết rằng họ sẽ nhanh chóng tìm được một công việc khác. Nhưng ngày nay ngành công nghiệp đã trở nên kém hiếu khách hơn. Roger Lee, người sáng lập Layoffs.fyi cho biết: “Nhân viên bán hàng và nhà tuyển dụng đang rời bỏ hoàn toàn công nghệ” và làm những vị trí mới. “Ngay cả các kỹ sư cũng đang thỏa hiệp - chấp nhận những vai trò kém ổn định hơn, môi trường làm việc khắc nghiệt hoặc lương và phúc lợi thấp hơn”.

Theo Layoffs.fyi, trên khắp các công ty công nghệ thuộc mọi quy mô, 1.150 công ty đã cắt giảm 256.499 nhân viên. Con số này lớn hơn so với mức 1.064 công ty cắt giảm 164.969 nhân viên vào năm ngoái. Ngoài ra, tình trạng mất việc làm có xu hướng tập trung vào các tháng 12 và tháng 1, khi các công ty lên kế hoạch ngân sách cho năm mới, điều tồi tệ nhất vẫn còn có thể xảy ra.

Vận may bất ngờ đã khiến một số nhà sáng lập choáng váng. Sri Artham thành lập Hooray Foods có nguồn gốc thực vật vào năm 2019, công ty này đã nhận được nhiều đánh giá tích cực của khách hàng về món thịt xông khói thuần chay. Công ty đã giành được một vị trí trên kệ của Whole Foods và làm hài lòng khách hàng của mình, nhưng phải vật lộn để tăng trưởng đủ nhanh hòng trang trải chi phí. Đến khoảng tháng 5 hoặc tháng 6 năm nay, các vấn đề của Hooray đã trở nên nghiêm trọng hơn.

TIẾP TỤC DUY TRÌ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH SẼ CÒN BẤT LỢI HƠN CẢ VIỆC GIẢI THỂ

Khi nhìn lại, Artham cho biết anh có thể đã không chi nhiều như vậy cho những chi phí như không gian văn phòng ở San Francisco vào thời điểm kinh doanh tốt hơn, mặc dù anh có tính linh hoạt hạn chế do Hooray cần thiết bị sản xuất tùy chỉnh. Không thể huy động thêm tiền, vào tháng 9, Artham tuyên bố công ty khởi nghiệp sẽ đóng cửa. “Thật đáng thất vọng khi các nhà đầu tư rút lui”, anh nói.

Hooray Foods nhận được nhiều đánh giá tích cực của khách hàng về món thịt xông khói thuần chay và đã có một vị trí trên kệ của Whole Foods. Nhưng startup này đã buộc phải tuyên bố đóng cửa
Hooray Foods nhận được nhiều đánh giá tích cực của khách hàng về món thịt xông khói thuần chay và đã có một vị trí trên kệ của Whole Foods. Nhưng startup này đã buộc phải tuyên bố đóng cửa

Ngay cả những công ty huy động được số tiền lớn cũng đóng cửa trong năm nay. Công ty xây dựng nhà Veev đã mang về 400 triệu USD trước khi tuyên bố sẽ thanh lý tài sản vào tháng 11. Công ty hậu cần vận tải hàng hóa kỹ thuật số Convoy đã huy động được 260 triệu USD trước khi ngừng hoạt động. Và dịch vụ chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số Olive đã giành được vòng tài trợ trị giá 400 triệu USD trước khi đóng cửa sáu tuần trước. Trong mỗi trường hợp, khoản tài trợ mới nhất của các công ty được đưa ra sau khi họ đã nhận được hàng trăm triệu.

Các công ty khởi nghiệp khác đã bán mình với giá hời sau khi tiến hành sa thải trước đó. Công ty mới nổi về hội nghị truyền hình Loom đã phải cắt giảm hai đợt tuyển dụng vào năm ngoái và sau đó được bán cho Atlassian Corp. vào tháng 10 với giá 975 triệu USD – thấp hơn đáng kể so với mức định giá 1,53 tỷ USD trước đó của Loom. Perimeter 81, một công ty khởi nghiệp về bảo mật, đã sa thải công nhân vào tháng 12 năm ngoái, sau đó được bán cho Check Point Software Technologies Ltd. vào tháng 9 với giá 490 triệu USD. Trong khi trước đó startup này đạt mức định giá 1 tỷ USD trong vòng cấp vốn gần nhất.

Max Elder, người đang làm thủ tục nộp đơn xin phá sản để giải thể công ty cốm làm từ thực vật 3 năm tuổi của mình, cho biết anh ước mình ngừng đấu tranh sớm hơn một chút. Bằng cách đó, anh ấy vẫn có một phần trong số 10 triệu USD đã huy động được trong những “thời điểm hạnh phúc” để trả các khoản phí pháp lý và các chi phí khác liên quan đến việc đóng cửa một doanh nghiệp. Mặc dù có thể bán lại một số nguyên liệu còn sót lại, nhưng anh không thể lấy lại chúng cho đến khi trả lại một số tiền thuê nhà kho cất giữ.

Nếu không thể huy động được tiền, một số công ty khởi nghiệp có thể nhận thấy tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh sẽ còn bất lợi hơn cả việc giải thể. Với nguồn tài trợ eo hẹp, loại hình tăng trưởng được hỗ trợ bởi nguồn tài trợ của quỹ đầu tư mạo hiểm có thể ngày càng nằm ngoài tầm với. 

Ngoài ra, các startup không chỉ đứng trước câu hỏi tiếp tục hay dừng lại, mà còn là vấn đề xây dựng một cái gì đó ở quy mô lớn hơn thì sẽ như thế nào, bởi vì, sau này họ vẫn cần rất nhiều tiền mặt.