19:59 06/12/2022

Startup kỳ lân là tiêu chí đánh giá thành công của hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia

Bảo Bình

Số lượng kỳ lân là bằng chứng cho quy mô, khả năng hấp thụ nguồn vốn của thị trường khởi nghiệp. Một nước sở hữu càng nhiều “kỳ lân” sẽ mang lại càng nhiều lợi ích cho hệ sinh thái khởi nghiệp của nước đó…

Techfest VietNam 2022 có chủ đề "Đổi mới sáng tạo mở - Khơi nguồn tư duy mới”
Techfest VietNam 2022 có chủ đề "Đổi mới sáng tạo mở - Khơi nguồn tư duy mới”

Techfest VietNam 2022 với chủ đề "Đổi mới sáng tạo mở - Khơi nguồn tư duy mới”, do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Ngoại Giao, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương đã diễn ra từ ngày 02 đến 04/12/2022.

Mục tiêu của Techfest VietNam 2022 hướng tới thúc đẩy các giải pháp công nghệ, đổi mới sáng tạo mà Việt Nam có lợi thế và có tiềm năng trong tương lai để giải quyết những ảnh hưởng của đại dịch cũng như phục hồi kinh tế, đóng góp vào sự phát triển bền vững. Nhằm giúp các startup Việt phát triển và trưởng thành, nhắm thành công tới mục tiêu niêm yết trên thị trường chứng khoán (IPO), Hội thảo  “IPO - Đường băng sáng tạo, kỳ lân cất cánh” đã diễn ra trong khuôn khổ sự kiện Techfest VietNam 2022. Các chuyên gia, CEO của những doanh nghiệp công nghệ đã có nhiều chia sẻ về cách startup phát triển và tăng tốc, đặc biệt là làm thế nào để IPO thành công.

Đây là một trong những tọa đàm chiến lược ươm tạo và tăng tốc kỳ lân cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khoa học, công nghệ và đổi  mới sáng tạo có tiềm năng và được khẳng định về thị trường cũng như năng lực phát triển, IPO thúc đẩy thị trường vốn quy mô quốc gia và hướng đến thị trường IPO quốc tế như Singapore, Hàn quốc, Nhật Bản và NewYork (Hoa Kỳ)…

CON ĐƯỜNG TRỞ THÀNH KỲ LÂN: PHẢI LÀM NHỮNG ĐIỀU KHÔNG AI TIN LÀM ĐƯỢC

Thạc sỹ Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch MoMo, chia sẻ “để trở thành một công ty lớn, startup phải làm những điều không ai tin chúng ta có thể làm được”. Momo đã trải qua 15 năm phát triển, trong đó 10 năm đầu “không ai tin Momo sẽ làm được”. Bởi vì, ông Diệp cho biết khi Momo triển khai sản phẩm là vào năm 2017, “lúc đó, ai cũng cười”, vì đơn giản ĐTDĐ vẫn còn chưa phổ biến, nhưng Momo lại làm dịch vụ thanh toán trên di động.

MoMo là kỳ lân fintech của Việt Nam được định giá hơn 2 tỷ USD, sau vòng gọi vốn series E diễn ra vào tháng 12 năm ngoái. Chia sẻ kinh nghiệm để có thể trở thành một startup kỳ lân, ông Nguyễn Bá Diệp cho biết startup cần xác định phát triển một sản phẩm “không ai tin làm được”, bởi vì nếu một sản phẩm ai cũng biết rồi, ai cũng hiểu rồi thì mình “rất khó làm to được”. Điều thứ hai, theo ông Diệp, là đã làm sản phẩm thì sản phẩm đó phải có rất nhiều người sử dụng, như vậy mới có thị trường lớn. “Sản phẩm của mình có thể là một sản phẩm vĩ đại nhưng chỉ có 10 người hay 100 người, 1000 người dùng, câu chuyện lại rất khác”, ông Diệp nói. Hiện nay, Momo là ví điện tử với hơn 31 triệu khách hàng. 

“Các bạn có thể thấy là chúng tôi đã mất khoảng 15 năm và thực sự rất nhiều khó khăn để có thể đến ngày hôm nay”, ông Diệp chia sẻ và đưa ra một số yếu tố quan trọng giúp một startup trở thành kỳ lân. Thứ nhất, để có thể trở thành một công ty unicorn và có tác động đến xã hội, startup phải làm ra một cái sản phẩm có tác động đến rất nhiều người sử dụng và đặc biệt phải có hàm lượng công nghệ rất cao. 

Thứ hai là tầm nhìn của cái người điều hành thị trường, quan điểm về sản phẩm có phải đi đúng hướng. “Là một startup, thời gian ban đầu chúng ta thường rất ngây thơ, chúng ta không biết thế nào là bán hàng mà cứ nghĩ có sản phẩm tốt là có thể bán được. Nhưng không phải, bán hàng có nghệ thuật bán hàng riêng, và phải học. Ví dụ một quán phở phục vụ rất tốt 10 khách hàng, nhưng khi lên 100 khách hàng, mọi thứ sẽ khác. Như vậy, nếu hệ thống cơ sở dịch vụ không sẵn sàng và không có tầm nhìn thì khi dịch vụ phát triển sẽ là tai họa cho công ty chứ không phải là thời cơ”, ông Diệp nói.

Chính vì thế, theo nhà lãnh đạo Momo, thực ra việc startup có quan điểm, tầm nhìn, chiến lược đầu tư vào hệ thống sản phẩm và dịch vụ trong thời gian dài là một điều rất là quan trọng. Ngoài ra, đa số các startup chết vì tiêu tiền quá tay và không biết cách quản lý tài chính, không biết kiểm soát dòng tiền, phân bổ dòng tiền vào chỗ nào và nên tiết kiệm ở khâu nào.

Thạc sỹ Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch MoMo: "Để trở thành một công ty lớn, startup phải làm những điều không ai tin chúng ta có thể làm được”
Thạc sỹ Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch MoMo: "Để trở thành một công ty lớn, startup phải làm những điều không ai tin chúng ta có thể làm được”

Theo đó, startup có thể làm tất cả những điều rất phi thường, bằng cách cố gắng. Khi mới startup chỉ là một công ty nhỏ rất khó tiếp cận khách hàng, đến gặp ai cũng không được tiếp đón. Vậy làm thế nào để có thể thuyết phục mọi người sử dụng dịch vụ của mình, làm thế nào thuyết phục các đối tác của mình? Câu trả lời của Phó Chủ tịch Momo là phải “mặt dày”, nếu “không mặt dày, không kiên trì, không nỗ lực thì tôi nghĩ thành công rất khó đến”. 

ĐỊNH GIÁ THƯƠNG HIỆU GIÚP STARTUP XÂY DỰNG LỘ TRÌNH TRỞ THÀNH KỲ LÂN

Một vấn đề quan trọng nhằm giúp startup phát triển và thực hiện ước mơ kỳ lân, tiến hành IPO được Tiến sĩ Đỗ Văn Phú, Phó Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam, chia sẻ là định giá thương hiệu. Theo Tiến sỹ Đỗ Văn Phú, khi định giá thương hiệu, startup sẽ biết rõ giá trị của doanh nghiệp mình thật sự là như thế nào, ở mức độ triệu USD, tỷ USD hay là trăm tỷ USD.

Thứ hai, startup sẽ hiểu rõ những yếu tố nào quyết định nên giá trị của doanh nghiệp, vì sao lại là một tỷ USD. Và thứ ba, định giá doanh nghiệp sẽ giúp startup phân tích tốt các chiến lược phát triển. Như vậy, định giá doanh nghiệp giúp startup hiểu mình đang ở đâu, từ đó sẽ xây dựng lộ trình để phát triển, mở rộng quy mô vùng lợi nhuận và đưa thương hiệu trở thành một thương hiệu toàn cầu. 

Những năm gần đây, lĩnh vực công nghệ Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế nhờ sự mở rộng của các ngành công nghiệp số. Năm 2021 là một năm thành công của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, bên cạnh việc bổ sung vào danh sách hai “kỳ lân” công nghệ mới thì các startup Việt Nam còn mang về số tiền đầu tư kỷ lục. 1,4 tỷ USD là vốn đầu tư vào các startup Việt Nam trong năm 2021, gấp 1,5 lần so với con số kỷ lục vào năm 2019.

Để đạt được kết quả trên, nhiều chuyên gia cho rằng một phần là nhờ sức hút đặc biệt của những “kỳ lân” công nghệ Việt. Không phải ngẫu nhiên khi nói về hệ sinh thái khởi nghiệp của một quốc gia, giới chuyên gia thường nhắc đến số lượng kỳ lân như một tiêu chí. Đó là bằng chứng cho quy mô, khả năng hấp thụ nguồn vốn của thị trường. Chính vì vậy việc một nước sở hữu càng nhiều “kỳ lân” sẽ mang lại càng nhiều lợi ích cho hệ sinh thái khởi nghiệp của nước đó.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam trên hành trình tiến tới kỳ lân và IPO, ngay tại Hội thảo, Mạng lưới Nhà đầu tư IPO Techfest quốc gia đã được ra mắt. Đây là kết quả của quá trình thảo luận và tiến tới thống nhất, hợp tác của Bộ Khoa học và Công nghệ với một số tập đoàn và doanh nghiệp lớn cũng như các tổ chức quỹ đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phục vụ sứ mệnh chung xây dựng hệ sinh thái bền vững và phát triển.