17:37 10/08/2008

Sửa điều kiện lập ngân hàng theo hướng nào?

Minh Đức

Ngân hàng Nhà nước cần nâng cao các rào cản, hướng các điều kiện theo thông lệ quốc tế

Ngày 19/4/2007, Ban trù bị thành lập Ngân hàng Kinh Bắc đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thành lập, nhưng kế hoạch này sẽ phải tiếp tục chờ đợi.
Ngày 19/4/2007, Ban trù bị thành lập Ngân hàng Kinh Bắc đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thành lập, nhưng kế hoạch này sẽ phải tiếp tục chờ đợi.
Ngân hàng Nhà nước cần nâng cao các rào cản, hướng các điều kiện theo thông lệ quốc tế.

Ngày 8/8, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản thông báo tạm ngừng cấp phép thành lập các ngân hàng mới cũng như tạm ngừng nhận các hồ sơ xin phép liên quan.

“Lẽ ra phải sớm hơn”

Đây là bình luận của TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội, khi trao đổi với VnEconomy về sự kiện trên.

“Theo tôi, lẽ ra quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước phải được đưa ra sớm hơn, thời điểm này là hơi chậm, bởi những bất cập từ sự ra đời của những ngân hàng mới đã có ảnh hưởng trên thực tế”, TS. Phong nói.

Trước đó, nhiều khuyến nghị từ các chuyên gia trong và ngoài nước đã lên tiếng về yêu cầu đó. Yêu cầu này có từ một loạt ngân hàng thương mại cổ phần mới “đi đường vòng” chuyển đổi trong năm 2007, và sau đó được xem là một trong những tác nhân gây lạm phát tăng cao, căng thẳng lãi suất cũng như khó khăn của thị trường chứng khoán.

Gốc rễ của những khó khăn đó, theo phân tích của TS. Nguyễn Minh Phong, là do những ngân hàng mới đó được thành lập, loạt hồ sơ xin thành lập đó không do yêu cầu của nền kinh tế, mà chủ yếu theo sự phát triển và nguồn lợi hấp dẫn của thị trường chứng khoán; theo nguồn lợi cho vay mở rộng.

Ông phân tích: “Ở đây, nền kinh tế cũng như trong hoạt động của hệ thống ngân hàng đã bộc lộ hai hệ quả chính. Thứ nhất là do sự tham gia của loạt ngân hàng mới, cung tiền tăng và là một nguyên nhân dẫn tới lạm phát khó khăn như hiện nay. Thứ hai là hệ quả về an toàn hệ thống. Tôi cho rằng nợ xấu, nợ khó đòi đang là một vấn đề mà các ngân hàng phải đối mặt”.

Trước đó, liên quan đến tính an toàn của hệ thống, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du cũng đã cảnh báo việc có quá nhiều ngân hàng trong một nền kinh tế quy mô còn nhỏ sẽ dễ dẫn tới những rủi ro. Cụ thể là những cuộc đua lãi suất căng thẳng và tính thanh khoản trong thời gian qua. Và khi một ngân hàng cổ phần gặp rủi ro, đổ vỡ có thể là một “ngòi nổ” kích hoạt tính an toàn của cả hệ thống.

Ngoài những hệ lụy chính nói trên, TS. Nguyễn Minh Phong còn cho rằng việc dễ dãi trong cấp phép và sự ra đời của nhiều ngân hàng mới mà không do nhu cầu thực sự của nền kinh tế cũng chính là một yếu tố gây tổn thương nặng nề đối với thị trường chứng khoán thời gian qua.

“Cổ phiếu ngân hàng mới, cũ, lớn, nhỏ đồng loạt tăng lên, có thể tạo những mức giá ảo, rồi lại đồng loạt sụt giảm. Rồi thị trường chứng khoán lại chứng kiến việc tăng vốn ồ ạt của các ngân hàng; rồi những rủi ro trong việc ngân hàng chưa thành lập những đã rao bán, chuyển nhượng cổ phần… Mà cổ phiếu ngân hàng luôn có ảnh hưởng lớn trên thị trường. Ở đây cũng có trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước”, TS. Phong nói.

Nhiều yêu cầu cần xét lại

Lý do tạm ngừng cấp phép lập ngân hàng mới là để điều chỉnh lại các tiêu chí, điều kiện liên quan. Trả lời VnEconomy, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết hiện kế hoạch điều chỉnh này đang chờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình, định hướng… nên chưa thể đưa ra thông tin cụ thể trong thời điểm này.

Còn theo ý kiến của các chuyên gia, việc điều chỉnh các điều kiện cần phải theo hướng nâng cao các rào cản và thực hiện theo thông lệ quốc tế.

Điểm đáng chú ý là quy chế thành lập và hoạt động ngân hàng mới vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành một năm trước đó (ngày 7/6/2007), một số điểm cũng vừa được chỉnh sửa đầu năm nay. Nhưng nay, yêu cầu tiếp tục chỉnh sửa đặt ra cho thấy thực tế của nền kinh tế đã có nhiều biến chuyển nhanh, “đời sống” của các rào cản chính sách trở nên ngắn ngủi.

Một trong những rào cản chính theo quy chế trên là ngân hàng mới thành lập phải có vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng. Điều kiện này nhanh chóng trở nên dễ dàng khi đề án thành lập nhiều ngân hàng đã chọn ngay mức 1.500 tỷ, 3.000 tỷ, thậm chí lên đến 5.000 tỷ đồng.

Về điều kiện này, một số ý kiến trước sự kiện Ngân hàng Nhà nước thông báo ngừng cấp phép nói trên, cho rằng cần áp quy định vốn tối thiểu lên mức 5.000 tỷ đồng để sàng lọc các yêu cầu, để có những nguồn vốn từ các tổ chức thực sự mạnh và không phải vay mượn.

Theo ý kiến của TS. Nguyễn Minh Phong, việc điều chỉnh các điều kiện cần xác định theo hướng đề cao tính lành mạnh của ngân hàng đó cũng như của hệ thống, đảm bảo yêu cầu hoạt động vững chắc trong tương lai và theo các chuẩn mực của thế giới.

Đó là phải xét đến thực vốn của các bên tham gia, thực lực của trình độ, đặc biệt trong lĩnh vực chuyên ngành và nhạy cảm như hoạt động ngân hàng; đề cao yêu cầu về minh bạch và sự khách quan, chuyên nghiệp trong hoạt động. Và chính Ngân hàng Nhà nước cũng phải nâng cao vai trò và khả năng giám sát của mình.

“Và trước khi điều chỉnh các tiêu chí, điều kiện, tôi cho rằng cần phải xét đến điểm xuất phát là nhu cầu xin thành lập. Tránh những nhu cầu đầu tư chéo, nhu cầu xem đó như một hoạt động đầu tư tài chính, nhu cầu xem lập ngân hàng như một công ty tài chính huy động vốn và phục vụ cho vay theo yêu cầu của mình”, TS. Phong đặt vấn đề.

Liên quan đến yêu cầu quản trị, theo khuyến nghị của ông Võ Tấn Hoàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét bổ sung thêm các ủy ban mới trong cơ cấu tổ chức ngân hàng như Ủy ban đề cử (đề cử các vị trí nhân sự chủ chốt), Ủy ban lương thưởng…, cũng như có quy định bắt buộc về sự tham gia và mức độ tham gia của các thành viên độc lập trong Hội đồng Quản trị mà không có quan hệ kinh tế với ngân hàng, nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả hoạt động.

Hiện tại, theo quy chế “cũ” đã có thêm hai ngân hàng mới được thành lập và đi vào hoạt động. Và khi quy chế mới điều chỉnh hoàn thành, thị trường sẽ có thêm nhiều hay ít ngân hàng mới? Câu hỏi này còn chờ ở mức độ của các điều kiện sau chỉnh sửa. Còn theo ý kiến chung của các chuyên gia, số lượng đó cần phát xuất phát từ yêu cầu của nền kinh tế, tránh theo chủ quan của các đầu mối xin thành lập.

Trước mắt, khó khăn của nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng, khó khăn kéo dài trong thời gian chờ đợi cấp phép (hiện chưa có mốc xác định thời điểm “mở cửa” trở lại) có thể sẽ hạn chế bớt nhu cầu ở loại hình kinh doanh đặc biệt này.