11:07 15/12/2012

Sửa Luật Đất đai: Dành 2 tháng lấy ý kiến nhân dân

Nguyễn Lê

Từ tháng 2/2013, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được đưa ra lấy ý kiến nhân dân trước khi trình Quốc hội thông qua

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự 
thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong hai tháng, từ khoảng tháng 2 đến 
4/2013.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong hai tháng, từ khoảng tháng 2 đến 4/2013.
Phân vân, băn khoăn và cả lo lắng là tâm trạng chung của nhiều vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên họp chiều 14/11.

Đây là dự án luật đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ tư vừa qua với rất nhiều quan ngại khi nhiều vấn đề lớn còn chưa có lời giải.

“Theo ý tôi lần này làm phải cho ra được một bộ luật, ra được từng chương, từng mục cụ thể để đảm bảo ra là có thể thực hiện. Vì thảo luận chưa kỹ, chưa thông nên giờ phải lấy ý kiến người dân. Nhất quyết chưa kỹ, chưa thông thì chưa cho ban hành”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Ở báo cáo một số vấn đề lớn dự kiến tiếp thu, giải trình về dự án luật này, Ủy ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra dự án luật -  đề nghị lấy ý kiến rộng rãi của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp về toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó nêu rõ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức thảo luận, lấy ý kiến và xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến về dự án luật.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong hai tháng, từ khoảng tháng 2 đến 4/2013. Sẽ có nhiều hình thức thích hợp, thuận lợi để người dân tham gia góp ý. Đóng góp của nhân dân sẽ được tập hợp, tổng hợp và tiếp thu, giải trình nghiêm túc.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉnh sửa tiếp dự án luật cụ thể hơn, nhất là về những vấn đề lớn, sau đó Thường vụ Quốc hội sẽ bố trí thêm một phiên nữa với thời gian ít nhất một ngày để thảo luận kỹ hơn. Sau đó dự án luật mới được đưa ra lấy ý kiến toàn dân.

Tập hợp, tiếp thu ý kiến nhân xong, Chính phủ sẽ chỉnh lý một lần nữa, sau đó lại trình Thường vụ xem xét để trình Quốc hội thông qua vào tháng 5 năm sau.  Nhưng nếu ở kỳ họp này  Quốc hội thuận thì thông qua, không thuận thì đề nghị Quốc hội tiếp tục bàn đến kỳ họp tháng 10 sẽ xem xét tiếp, Chủ tịch nói.

Ở cả hai lần phát biểu, băn khoăn của Chủ tịch vẫn tập trung vào lời giải thấu đáo cho các vấn đề liên quan tới đền bù, thu hồi đất, định giá, đấu giá hay tố cáo, khiếu kiện, tham nhũng đất đai...

Quan điểm là không chia lại đất, vậy những người không có đất hoặc không dùng đến đất nữa thì giải quyết như thế nào? Những người mới sinh ra thì làm sao, ông Hùng  nêu câu hỏi.

Bày tỏ là “có tâm trạng giống Chủ tịch Quốc hội, thấy rất băn khoăn” , Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng điểm khó khăn nhất của dự luật là định rõ thực chất quyền sở hữu và quyền sử dụng đất. Bởi đây là vấn đề kìm hãm phát triển xã hội. Theo ông quy định quyền của người sử dụng đất tai dự luật có thể không giảm được phức tạp mà sẽ còn phức tạp hơn hiện nay. Ông cũng cho rằng cần đền bù cả các tài sản trên đất và các giá trị, đầu tư của người sử dụng đất tạo ra giá trị trên đất đó.

Sau nhiều quan ngại của Thường vụ Quốc hội và yêu cầu của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho rằng, nếu nâng Luật đất đai thành bộ luật thì hoàn chỉnh hơn nhưng cần thêm thời gian nhất định, còn thời hạn tháng 6 năm tới trình thì rất khó.

Yêu cầu luật phải có tính đột phá thì phải thay đổi quan điểm về chủ sở hữu, điều này không đơn giản chút nào. Vẫn mong luật thông qua vào tháng 6 tới là tốt nhất, Bộ trưởng phân trần.

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng về nghị định hướng dẫn thi hành luật, ông Quang cũng cho biết dự kiến xây dựng 5 nghị định tập trung vào những vấn đề rất cụ thể, chuẩn bị cùng với quá trình sửa luật.