Sửa Luật Đất đai: Không rút, chỉ lùi
Chính phủ muốn rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lùi thời gian trình sang kỳ họp thứ 9
Chính phủ muốn rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lùi thời gian trình sang kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).
Chiều 3/6 Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình năm 2019.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết Chính phủ đề nghị rút dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình năm 2019 và sẽ trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.
Qua xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là dự án luật đã được đưa vào chương trình năm 2019 nhằm kịp thời thể chế hóa nghị quyết Trung ương 5 khoá 12 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bộ Chính trị cũng đã ban hành kết luận số 36-KL/TW ngày 6/9/2018 về đẩy mạnh thực hiện nghị quyết Trung ương 6 (khóa 11) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không rút dự án luật này ra khỏi chương trình như Chính phủ đề nghị mà lùi thời gian trình Quốc hội sang cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).
Quan điểm không rút chỉ lùi cũng nhận được sự đồng tình của đại biểu Quốc hội trong phần thảo luận.
Nếu khó khăn thi thông qua theo quy trình ba kỳ họp Quốc hội nhưng phải có quyết tâm làm ở nhiệm kỳ này, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) nói.
Đại biểu Hoa Ry cũng nhấn mạnh phải xem xét nghiêm túc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội giao, Quốc hội phải nghiêm khắc hơn nữa trong việc này.
Nhấn mạnh đất đai luôn là vấn đề nóng, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) cũng đề nghị chỉ lùi, không được rút việc sửa luật.
Nghị quyết của Quốc hội đã quy định rõ kỳ họp này cho ý kiến lần đầu và sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 8, không hiểu sao Chính phủ lại xin rút và sẽ trình vào thời điểm thích hợp, vậy thích hợp là thời gian nào, nếu sau 2020 thì phải chuyển nhiệm vụ sửa luật này sang Quốc hội khoá 15, đại biểu Thân băn khoăn.
Đề nghị Quốc hội thống nhất lùi như quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu này cho rằng chỉ lùi hai kỳ họp chứ không được rút.
Ông Thân cũng nêu hàng loạt bất cập liên quan đến đất đai cho thấy sự cần thiết phải sửa luật, chẳng hạn câu hỏi giá đất theo giá thị trường là giá nào cũng không trả lời được, vấn đề ban hành khung giá đất còn quá nhiều vất cập, bổi thường tái định cư thì bất ổn.
Ta vẫn thường nghe nói sau khi đền bù, tái định cư thì cuộc sống của dân tốt hơn trước nhưng thực tế không phải như vậy, ông Thân nhấn mạnh.
Nhận xét chung về công tác xây dựng pháp luật, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng nêu nhiều bất cập.
Bất cập nhất, theo đại biểu nằm ở khâu tiếp thu, chỉnh lý luật để trình Quốc hội thông qua. Có nhiều vấn đề về chính sách pháp luật mà đại biểu Quốc hội đã phân tích rất rõ về tính bất cập, tính trái pháp luật, nhưng vẫn không được tiếp thu.
Lý do là chất lượng thẩm định một số dự án luật chưa tốt, thái độ tiếp thu của một số ban soạn thảo còn kém, còn vì lợi ích bộ, ngành.
"Cá biệt, có trưởng ban soạn thảo cho rằng báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp cho rằng đúng pháp luật rồi thì đại biểu Quốc hội gần như là cấm không được nói là nó trái pháp luật. Đây là ngầm hiểu của một số bộ trưởng. Chúng tôi cho rằng đây là vi phạm quy định tại điều 65 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật", đại biểu Mai Bộ phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ cũng đề nghị cần bố trí đủ thời gian để đại biểu nghiên cứu dự thảo luật (vì hiện nay nhiều dự án luật làm rất gấp gáp, đại biểu có rất ít thời gian nghiên cứu tài liệu) bố trí thời gian để đại biểu tranh luận đến cùng, ít nhất là ngã ngũ các quan điểm khác nhau về bản chất pháp lý của điều khoản luật.