Sửa Luật Sở hữu trí tuệ để Việt Nam không bị thua thiệt khi bước vào "sân chơi" quốc tế
Chiều 26/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ...
Trước đó, chiều ngày 21/10, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và tiến hành thảo luận Tổ về nội dung này.
Tại phiên họp toàn thể, các đại biểu Quốc hội thống nhất cao về sự cần thiết sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ sau 16 năm thi hành. Các đại biểu cho rằng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tương đối cụ thể, sát với yêu cầu thực tế và có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA.
Việc sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tạo nền tảng cơ sở vững chắc để Việt Nam tham gia “cuộc chơi” với quốc tế, để không bị thua thiệt khi bước vào sân chơi này.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị việc sửa đổi, bổ sung luật cần quan tâm chuẩn bị kỹ nội dung sửa đổi, bổ sung để Luật có tuổi thọ lâu dài, tránh việc xử lý không kỹ dẫn đến tìh trạng 1 - 2 năm lại phải sửa đổi bổ sung, sẽ tốn kém, gây dư luận không tốt trong dư luận.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về các vấn đề Chính phủ xin ý kiến, đồng thời góp ý vào các nội dung cụ thể của dự thảo Luật.
Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Về nội dung này, Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội theo 2 phương án.
Theo phương án 1, biện pháp xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng; các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự.
Theo phương án 2, giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành (điểm a khoản 1 Điều 211 quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội). Theo đó, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đồng tình với phương án 2, đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Thái Nguyên), cho rằng quy định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm vừa giúp giải quyết được ngay các hành vi vi phạm vừa giúp giải quyết nhanh các hành vi vi phạm, đồng thời tạo tiền đề cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự. Từ đó, việc quy định xử phạt vi phạm hành chính không làm triệt tiêu quyền khởi kiện dân sự của chủ thể quyền.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang), chỉ rõ các lý do đề nghị xem xét, lựa chọn Phương án 2, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
"Nếu theo Phương án 1 thì chưa bảo đảm tính thống nhất trong xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Một số hành vi xâm phạm (như: đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng) thì bị xử lý hành chính. Một số hành vi xâm phạm (như: đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp...) thì không bị xử lý hành chính", đại biểu Nguyễn Danh Tú phân tích.
Theo đại biểu, có ý kiến cho rằng “hành vi xâm phạm quyền dân sự, cần được xử lý bằng các biện pháp dân sự”. Đại biểu cho rằng, hành vi xâm phạm “quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh”, không chỉ xâm phạm quyền dân sự, mà còn xâm phạm trật tự quản lý kinh tế - xã hội.
Bên cạnh biện pháp dân sự để xử lý như yêu cầu bồi thường thiệt hại, hành vi xâm phạm này có thể bị xử lý bằng biện pháp hành chính, cao hơn có thể bị xử lý bằng biện pháp hình sự (Điều 226 Bộ luật Hình sự quy định tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp).
Cũng theo đại biểu Nguyễn Danh Tú, nếu loại trừ việc xử lý hành chính đối với hành vi xâm phạm “quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh” sẽ làm ảnh hưởng đến quyền chủ động, kịp thời, nhanh chóng của cơ quan nhà nước trong xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm trong các trường hợp nêu trên.
Tiếp tục phân tích, đại biểu Nguyễn Danh Tú cho rằng, về pháp lý, có 4 loại trách nhiệm: Trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm kỷ luật. Trách nhiệm hành chính không loại trừ trách nhiệm dân sự. Trách nhiệm hành chính là trách nhiệm của người có hành vi vi phạm pháp luật hành chính với Nhà nước. Người bị xâm phạm vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu người có hành vi xâm phạm bồi thường thiệt hại.
Đi ngược các quan điểm trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, lựa chọn phương án 1 vì cho rằng quy định theo phương án này bảo đảm cụ thể, minh bạch và thống nhất trong hệ thống pháp luật và trong chính nội tại của Luật Sở hữu trí tuệ.
"Theo quy định của luật, quyền sở hữu trí tuệ được xác định gồm quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Nếu quy định chung như phương án 2 sẽ không rõ là xâm phạm đến quyền nào trong các quyền trên. Quy định như phương án 1 sẽ thể hiện được sự phân hóa, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là cơ sở pháp lý quan trọng để truy cứu trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm hình sự", đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà phân tích.
Đại biểu nhấn mạnh, hành vi xâm phạm đến các quyền khác nhau thì tính chất, mức độ nguy hiểm đối với xã hội của hành vi đó cũng khác nhau. Trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng có tính chất và mức độ nguy hiểm cao nhất.
Cùng với đó, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát để sửa đổi thêm Điều 212 Luật hiện hành quy định cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.
"Quy định như hiện hành là không thống nhất với quy định của Bộ luật hình sự và bỏ lọt chủ thể xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là pháp nhân thương mại. Do đó, sửa đổi luật lần này cần sửa đổi thêm Điều 212 của Luật hiện hành", đại biểu chỉ ra.
Ngoài ra, tại phiên họp, các đại biểu cũng góp ý về các nội dung cụ thể về tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong việc thực hiện thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ; quy định liên quan đến chỉ dẫn địa lý; quy định về tác giả, đồng tác giả; quyền tài sản; đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; giả định quyền tác giả, quyền liên quan; trách nhiệm pháp lý của các doanh nghiệp trung gian; sửa đổi, bổ sung các điều có liên quan tại Luật Giá…
Dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật và các tài liệu theo đúng quy định của pháp luật. Báo cáo trình Quốc hội tiếp tục thảo luận, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, theo như Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua.