Tác động tăng tỷ giá: Nhìn đường, đếm trứng
Trước biến động tỷ giá, các phản ứng tìm đến USD lúc này đã lỗi nhịp
Ngày 8/5, người viết nhận được cuộc gọi từ người quen: “Anh đang tiết kiệm 2 tỷ đồng, chuẩn bị năm tới cho thằng cu bắt đầu du học. Thấy tỷ giá tăng liên tiếp vậy, sốt ruột quá, muốn mua “đô” phòng trước, kẻo sau lại cao hơn nữa. Tính sao cậu?”.
Băn khoăn của anh bạn trên có lẽ cũng là tâm lý chung của nhiều người.
Nếu tâm lý đó chuyển hóa thành hành động, mở rộng trong dân cư, cầu ngoại tệ sẽ tăng lên như một tác dụng phụ mà Ngân hàng Nhà nước không mong muốn sau quyết định điều chỉnh ngày 7/5 vừa qua.
Sai số của giỏ trứng
Trao đổi ngắn ngủi, rồi chính anh bạn quyết định luôn, vẫn giữ tiền đồng gửi tiết kiệm, sau khi tính toán lãi suất nhận được cao hơn kỳ vọng tăng tỷ giá.
Thực ra, phản ứng và tính toán trên đã quên mất một điểm chính: từ đầu năm đến nay tỷ giá USD/VND đã chiều chỉnh hai lần rồi, nay mới nghĩ chuyện mua phòng thủ thì đã muộn nếu trong ngắn hạn (từ nay đến cuối năm).
Tương tự, trước biến động tỷ giá, các phản ứng tìm đến USD lúc này đã lỗi nhịp, nên so sánh việc đầu tư vào nó với gửi tiết kiệm tiền đồng trong ngắn hạn rõ ràng tiết kiệm VND lợi hơn nhiều. Ngoại trừ tình huống Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phá giá rất mạnh từ nay đến cuối năm - điều khó xảy ra.
Và có một sai số nữa, nếu là nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc có lượng vốn lớn thì khó chấp nhập cách tính toán đang khá phổ biến hiện nay.
Báo Tuổi Trẻ ngày 9/5 có nêu trường hợp một người dân phản ánh: họ có 200 triệu đồng gửi tiết kiệm ngắn hạn lãi suất 4,6%/năm, thấy khó xử khi từ đầu năm đến nay nếu mua và gửi USD đã được lãi suất 0,75%/năm lại còn thêm 2% tăng tỷ giá vừa qua thành ra được 2,75%.
Có hai điểm chính trong tính toán trên: thứ nhất, 2% tỷ giá tăng thêm được tính cho thời điểm, không phải theo đơn vị cả năm như lãi suất tiết kiệm; thứ hai, sai số lớn nhất là họ không có được 2% đó.
Cái ly có thể tích 2%, người ta tính luôn theo đó. Kỳ thực, cái đúng hơn là mực nước đang có trong đó.
Cụ thể, nếu tính theo tỷ giá giao dịch thực của các ngân hàng thương mại cuối tuần qua so với đầu năm nay, sau khi đã qua hai lần điều chỉnh, mức tăng chỉ là 1,28% mà thôi.
Cũng lưu ý rằng, “mực nước thực” mà người dân như ví dụ phản ánh trên nhận được lại rất khác nữa: họ phải mua USD với giá cao theo mức bán ra của ngân hàng, bán lại với giá thấp theo mức mua vào của ngân hàng. Tính theo các mức giá đó, mức tỷ giá tăng họ nhận được cũng chỉ là 0,90% mà thôi.
Tính toán trên là tương đối, tùy theo thời điểm giao dịch hoặc kênh giao dịch (có thể trên thị trường tự do), nhưng cho thấy tình huống có thể dẫn đến mức độ sai số khá lớn khi quyết định bỏ trứng vào giỏ nào.
Đường đã quang?
Tối 9/5, VnEconomy trao đổi với chuyên gia để có thêm thông tin đo lường tác động từ những lần điều chỉnh tỷ giá vừa qua đối với lạm phát.
Vị chuyên gia này trả lời: “Tùy theo mô hình phân tích mà mỗi cơ quan, tổ chức có kết quả đánh giá tác động khác nhau; cũng tùy theo biến số và số liệu nghiên cứu nữa. Những kết quả đó là để tham khảo về xu hướng tương đối thôi”.
Với những người dân bình thường, họ quan ngại cụ thể như băn khoăn của anh bạn nói trên; hay rộng hơn sắp tới nếu giá xăng dầu muốn tăng lại có thêm một cái cớ nữa; người muốn mua ôtô hay hàng nhập khẩu cũng cần tính đến chuyện phải chi thêm tiền…
Còn ở tầm vĩ mô, tác động của tỷ giá được nhìn theo các điểm đến cơ bản là xuất nhập khẩu, lạm phát, lãi suất, chi phí nợ công, dòng chảy tín dụng ngoại tệ và ảnh hưởng đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Phá giá VND đương nhiên là có lợi và hỗ trợ cho xuất khẩu. Thế nhưng, lợi ích này cũng bị trừ hao đi nhiều khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu.
Thêm nữa, họ là nhóm đối tượng chính của tín dụng ngoại tệ, rủi ro tỷ giá rõ ràng là đã thể hiện qua hai lần điều chỉnh vừa qua, dĩ nhiên họ có thể sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa hoặc giảm thiểu rủi ro.
Nhưng rủi ro chưa dừng lại. Theo tìm hiểu của VnEconomy, đầu năm nay Ngân hàng Nhà nước tính toán mục tiêu kiểm soát biến động tỷ giá USD/VND trong khoảng 2% là để đảm bảo yêu cầu thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát mà Quốc hội, Chính phủ giao.
Một sự vượt quá mức độ 2% có thể làm gia tăng lạm phát mạnh hơn. Đây là một trong những lý do nhà điều hành sẽ phải kiên trì giữ ổn định, hay khó tiếp tục phá giá thêm từ nay đến cuối năm. Bởi nếu có một sự vượt quá, lạm phát tăng cao sẽ cản trở nỗ lực giảm lãi suất, thậm chí lãi suất sẽ đảo chiều và trở thành rủi ro không chỉ với riêng nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, mà cả nền kinh tế.
Vậy nên, chỉ riêng tác động đối với xuất khẩu, lợi ích từ tăng tỷ giá cũng bị níu kéo bởi nhiều hạn chế nói trên.
Với nợ công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây đưa ra định lượng: cứ tăng 1% tỷ giá thì chi phí nợ công sẽ đội lên 10.000 tỷ đồng. Mối liên hệ này hẳn gây lo ngại ở tầm quản lý vĩ mô.
Trong các phân tích vừa qua, tác động từ phá giá tiền đồng đối với đầu tư nước ngoài lại ít được chú ý. Nhưng nếu đặt ở vị trí của họ, nhất là với nhà đầu tư gián tiếp trên sàn chứng khoán, bỏ vốn vào Việt Nam đầu tư trong bối cảnh thị trường khó khăn và bị “móc túi” đáng kể chỉ sau 5 tháng vì biến động tỷ giá, hẳn cũng “của đau con xót”.
Vài năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là điểm hấp dẫn đầu tư nước ngoài, mà một yếu tố quan trọng là tỷ giá được giữ ổn định. Giá trị này đối với họ càng nổi bật hơn, khi nhiều quốc gia trong khu vực đã phá giá đồng nội tệ khá mạnh khi đồng USD lên giá nhanh thời gian qua.
Nhìn ở một góc độ khác, việc liên tiếp điều chỉnh tỷ giá trong thời gian ngắn vừa qua lại cho một tính toán cần thiết, rằng “đường đã quang”.
Chiếu theo cam kết giữ ổn định tỷ giá trong khoảng 2% năm nay của Ngân hàng Nhà nước, sau 5 tháng với hai lần điều chỉnh, nay có thể xem là hết dư địa. Nói cách khác, phần lớn rủi ro tỷ giá trong năm đã được giải phóng, từ nay đến cuối năm rủi ro đã được hạn chế.
Đường đã quang hơn, các quyết định vay vốn bằng ngoại tệ, các nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển đổi vốn, hay các phương án, kế hoạch kinh doanh liên quan đến tỷ giá thời điểm này hẳn đã có thêm sự chủ động để thực hiện.
Băn khoăn của anh bạn trên có lẽ cũng là tâm lý chung của nhiều người.
Nếu tâm lý đó chuyển hóa thành hành động, mở rộng trong dân cư, cầu ngoại tệ sẽ tăng lên như một tác dụng phụ mà Ngân hàng Nhà nước không mong muốn sau quyết định điều chỉnh ngày 7/5 vừa qua.
Sai số của giỏ trứng
Trao đổi ngắn ngủi, rồi chính anh bạn quyết định luôn, vẫn giữ tiền đồng gửi tiết kiệm, sau khi tính toán lãi suất nhận được cao hơn kỳ vọng tăng tỷ giá.
Thực ra, phản ứng và tính toán trên đã quên mất một điểm chính: từ đầu năm đến nay tỷ giá USD/VND đã chiều chỉnh hai lần rồi, nay mới nghĩ chuyện mua phòng thủ thì đã muộn nếu trong ngắn hạn (từ nay đến cuối năm).
Tương tự, trước biến động tỷ giá, các phản ứng tìm đến USD lúc này đã lỗi nhịp, nên so sánh việc đầu tư vào nó với gửi tiết kiệm tiền đồng trong ngắn hạn rõ ràng tiết kiệm VND lợi hơn nhiều. Ngoại trừ tình huống Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phá giá rất mạnh từ nay đến cuối năm - điều khó xảy ra.
Và có một sai số nữa, nếu là nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc có lượng vốn lớn thì khó chấp nhập cách tính toán đang khá phổ biến hiện nay.
Báo Tuổi Trẻ ngày 9/5 có nêu trường hợp một người dân phản ánh: họ có 200 triệu đồng gửi tiết kiệm ngắn hạn lãi suất 4,6%/năm, thấy khó xử khi từ đầu năm đến nay nếu mua và gửi USD đã được lãi suất 0,75%/năm lại còn thêm 2% tăng tỷ giá vừa qua thành ra được 2,75%.
Có hai điểm chính trong tính toán trên: thứ nhất, 2% tỷ giá tăng thêm được tính cho thời điểm, không phải theo đơn vị cả năm như lãi suất tiết kiệm; thứ hai, sai số lớn nhất là họ không có được 2% đó.
Cái ly có thể tích 2%, người ta tính luôn theo đó. Kỳ thực, cái đúng hơn là mực nước đang có trong đó.
Cụ thể, nếu tính theo tỷ giá giao dịch thực của các ngân hàng thương mại cuối tuần qua so với đầu năm nay, sau khi đã qua hai lần điều chỉnh, mức tăng chỉ là 1,28% mà thôi.
Cũng lưu ý rằng, “mực nước thực” mà người dân như ví dụ phản ánh trên nhận được lại rất khác nữa: họ phải mua USD với giá cao theo mức bán ra của ngân hàng, bán lại với giá thấp theo mức mua vào của ngân hàng. Tính theo các mức giá đó, mức tỷ giá tăng họ nhận được cũng chỉ là 0,90% mà thôi.
Tính toán trên là tương đối, tùy theo thời điểm giao dịch hoặc kênh giao dịch (có thể trên thị trường tự do), nhưng cho thấy tình huống có thể dẫn đến mức độ sai số khá lớn khi quyết định bỏ trứng vào giỏ nào.
Đường đã quang?
Tối 9/5, VnEconomy trao đổi với chuyên gia để có thêm thông tin đo lường tác động từ những lần điều chỉnh tỷ giá vừa qua đối với lạm phát.
Vị chuyên gia này trả lời: “Tùy theo mô hình phân tích mà mỗi cơ quan, tổ chức có kết quả đánh giá tác động khác nhau; cũng tùy theo biến số và số liệu nghiên cứu nữa. Những kết quả đó là để tham khảo về xu hướng tương đối thôi”.
Với những người dân bình thường, họ quan ngại cụ thể như băn khoăn của anh bạn nói trên; hay rộng hơn sắp tới nếu giá xăng dầu muốn tăng lại có thêm một cái cớ nữa; người muốn mua ôtô hay hàng nhập khẩu cũng cần tính đến chuyện phải chi thêm tiền…
Còn ở tầm vĩ mô, tác động của tỷ giá được nhìn theo các điểm đến cơ bản là xuất nhập khẩu, lạm phát, lãi suất, chi phí nợ công, dòng chảy tín dụng ngoại tệ và ảnh hưởng đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Phá giá VND đương nhiên là có lợi và hỗ trợ cho xuất khẩu. Thế nhưng, lợi ích này cũng bị trừ hao đi nhiều khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu.
Thêm nữa, họ là nhóm đối tượng chính của tín dụng ngoại tệ, rủi ro tỷ giá rõ ràng là đã thể hiện qua hai lần điều chỉnh vừa qua, dĩ nhiên họ có thể sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa hoặc giảm thiểu rủi ro.
Nhưng rủi ro chưa dừng lại. Theo tìm hiểu của VnEconomy, đầu năm nay Ngân hàng Nhà nước tính toán mục tiêu kiểm soát biến động tỷ giá USD/VND trong khoảng 2% là để đảm bảo yêu cầu thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát mà Quốc hội, Chính phủ giao.
Một sự vượt quá mức độ 2% có thể làm gia tăng lạm phát mạnh hơn. Đây là một trong những lý do nhà điều hành sẽ phải kiên trì giữ ổn định, hay khó tiếp tục phá giá thêm từ nay đến cuối năm. Bởi nếu có một sự vượt quá, lạm phát tăng cao sẽ cản trở nỗ lực giảm lãi suất, thậm chí lãi suất sẽ đảo chiều và trở thành rủi ro không chỉ với riêng nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, mà cả nền kinh tế.
Vậy nên, chỉ riêng tác động đối với xuất khẩu, lợi ích từ tăng tỷ giá cũng bị níu kéo bởi nhiều hạn chế nói trên.
Với nợ công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây đưa ra định lượng: cứ tăng 1% tỷ giá thì chi phí nợ công sẽ đội lên 10.000 tỷ đồng. Mối liên hệ này hẳn gây lo ngại ở tầm quản lý vĩ mô.
Trong các phân tích vừa qua, tác động từ phá giá tiền đồng đối với đầu tư nước ngoài lại ít được chú ý. Nhưng nếu đặt ở vị trí của họ, nhất là với nhà đầu tư gián tiếp trên sàn chứng khoán, bỏ vốn vào Việt Nam đầu tư trong bối cảnh thị trường khó khăn và bị “móc túi” đáng kể chỉ sau 5 tháng vì biến động tỷ giá, hẳn cũng “của đau con xót”.
Vài năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là điểm hấp dẫn đầu tư nước ngoài, mà một yếu tố quan trọng là tỷ giá được giữ ổn định. Giá trị này đối với họ càng nổi bật hơn, khi nhiều quốc gia trong khu vực đã phá giá đồng nội tệ khá mạnh khi đồng USD lên giá nhanh thời gian qua.
Nhìn ở một góc độ khác, việc liên tiếp điều chỉnh tỷ giá trong thời gian ngắn vừa qua lại cho một tính toán cần thiết, rằng “đường đã quang”.
Chiếu theo cam kết giữ ổn định tỷ giá trong khoảng 2% năm nay của Ngân hàng Nhà nước, sau 5 tháng với hai lần điều chỉnh, nay có thể xem là hết dư địa. Nói cách khác, phần lớn rủi ro tỷ giá trong năm đã được giải phóng, từ nay đến cuối năm rủi ro đã được hạn chế.
Đường đã quang hơn, các quyết định vay vốn bằng ngoại tệ, các nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển đổi vốn, hay các phương án, kế hoạch kinh doanh liên quan đến tỷ giá thời điểm này hẳn đã có thêm sự chủ động để thực hiện.