14:18 20/04/2021

Tai nạn lao động có thể gây thiệt hại kinh tế hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm

Phúc Minh

Khoảng 60% lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, không có hợp đồng và không tham gia bảo hiểm xã hội. Đã có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra do mất an toàn lao động trong khu vực này, làm khoảng 1.400 người chết mỗi năm

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, dự báo mỗi năm sẽ có khoảng 230.000 người bị tai nạn lao động, số người mắc mới bệnh nghề nghiệp hằng năm tăng trên 1.000 người, gây thiệt hại kinh tế hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Thông tin này được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cảnh báo tại tổng kết chương trình quốc gia an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2016 – 2020 sáng 20/4.

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn từ năm 2016 – 2020, chỉ tính riêng khu vực có quan hệ lao động, bình quân mỗi năm xảy ra 7.389 vụ tai nạn lao động, làm 7.559 người bị nạn với 613 người chết, tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 138.089 ngày.

Ngoài ra, cả nước hiện có hơn 55 triệu lao động, trong đó khoảng 22 triệu người (khoảng 40%) có hợp đồng lao động, còn lại 60% lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, không có hợp đồng và không tham gia bảo hiểm xã hội. Theo thống kê, đã có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra do mất an toàn lao động trong khu vực này, làm khoảng 1.400 người chết/năm.

Tính bình quân từ năm 2016 – 2020, chỉ tính riêng số tiền trợ cấp do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả và thiệt hại tức thì về tài sản được doanh nghiệp báo cáo đã là trên 1.400 tỷ đồng/năm.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ô nhiễm môi trường lao động không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động mà còn để lại nỗi đau cho thân nhân những người chết và làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của những người bị thương, khó được chữa lành.

Bên cạnh đó, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế. Tính bình quân từ năm 2016 – 2020, chỉ tính riêng số tiền trợ cấp do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả và thiệt hại tức thì về tài sản được doanh nghiệp báo cáo đã là trên 1.400 tỷ đồng/năm.

Nếu tính thiệt hại về kinh tế do cả ngày công ngừng việc, mất việc, đào tạo lại, giảm năng suất…trong cả khu vực không có quan hệ lao động thì ước tính phải gấp hàng chục lần, theo Tổ chức Lao động quốc tế ước tính bình quân đến 4% GDP.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định, căn cứ theo kết quả điều tra năm 2020 cũng như dự báo với tần suất tai nạn lao động như năm 2020, giai đoạn 2021 – 2025, mỗi năm sẽ có khoảng 230.000 người bị tai nạn lao động, số người mắc mới bệnh nghề nghiệp hằng năm tăng trên 1.000 người, gây thiệt hại kinh tế dự báo hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là xây dựng, khai thác khoáng sản; cơ khí, luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng.

Bộ này cho rằng, trên thực tế công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động hiện nay phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt do đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là sự phát triển mạnh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với trình độ công nghệ vẫn còn lạc hậu.

Hơn hết, xu thế phát triển mạnh của các ngành công nghiệp khai khoáng, xây dựng, cơ khí tiềm ẩn sự gia tăng các nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động.

Qua phân tích tai nạn lao động năm 2020, tai nạn xảy ra chủ yếu ở công ty trách nhiệm hữu hạn chiếm đến 38,74%, sau đó là công ty cổ phần. Lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là xây dựng, khai thác khoáng sản; cơ khí, luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng.