08:54 13/10/2008

Tâm và Tầm của doanh nhân

Nhung - Chung

Doanh nhân chia sẻ với VnEconomy về chữ Tâm và Tầm nhân ngày Doanh nhân Việt Nam

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng chúc mừng các doanh nhân tiêu biểu trong buổi lễ tôn vinh 100 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2008 - Ảnh: Website Chính phủ.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng chúc mừng các doanh nhân tiêu biểu trong buổi lễ tôn vinh 100 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2008 - Ảnh: Website Chính phủ.
Chữ tín, tầm nhìn, tấm lòng với cộng đồng..., tựu trung lại là Tâm và Tầm của người kinh doanh, đã được một số doanh nhân chia sẻ với VnEconomy nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).

Chung lưng với người lao động thời khó khăn

(Bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo)

"Đối với doanh nhân, quan trọng hàng đầu là chữ tín. Nếu không có uy tín sẽ không có bất cứ một đối tác nào tin cậy. Lấy ví dụ đơn giản, khi anh hứa với xã hội sản phẩm của mình chất lượng tốt thì phải đảm bảo được đúng như vậy.

Chữ tín còn được thể hiện ở trách nhiệm của  doanh nghiệp, doanh nhân với cộng đồng xã hội. Ngoài mục tiêu đạt lợi nhuận cao mà doanh nhân nào cũng tính đến thì còn phải biết chia sẽ lợi nhuận đó để  giúp đỡ những con người khó khăn, cơ nhỡ. Đó chính là cái tâm của doanh nhân.

Hầu hết những doanh nhân thành đạt đều gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, điều đó không đơn giản chút nào. Mà muốn làm được như vậy thì phải có đạo đức kinh doanh, đó là chữ tín, chữ tâm.

Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đang gặp phải rất nhiều khó khăn, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả, lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy nhiên, lúc này, cần thiết nhất là sự chung lưng với người lao động của mình, vì người lao động quyết định sự thành công của doanh nghiệp.
 
Với Tập đoàn Tân Tạo, khi giá cả tiêu dùng tăng cao, nhất là đầu năm 2008, ngay lập tức chúng tôi điều chỉnh lương tăng 20% cho công nhân. Đến tháng 8 vừa rồi, chúng tôi lại tiếp tục điều chỉnh thêm 20%. Như vậy từ đầu năm đến nay chúng tôi đã tăng 40% tiền lương.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng  tiết kiệm tối đa chi phí: cắt giảm chi phí quản lý từ 10-20%, như điều chỉnh lại giờ làm việc, cùng một giờ, không chia làm nhiều ca để tiết kiệm điện, in giấy hai mặt… Hoặc ngay như lãnh đạo trong tập đoàn trước đây đều đi vé máy bay hạng thương gia thì nay đã phải giảm hạng vé."

Doanh trí của doanh nhân

(Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE)

"Trong bối cảnh hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp không ít thì nhiều đều gặp khó khăn về vốn và tiêu thụ sản phẩm. Đó là hai khó khăn lớn nhất. Tuy nhiên, hai khó khăn đó nhìn ra có nguồn gốc sâu xa từ nội lực của doanh nghiệp.

Nếu có tầm nhìn xa, thì khó khăn hiện nay không phải là quá ghê gớm. Nó liên quan đến vấn đề doanh trí. Bây giờ muốn  muốn hội nhập với thế giới phải “quốc tế hóa”  trình độ nguồn nhân lực. Khi không thể quốc tế hóa nguồn nhân lực của các doanh nghiệp Việt Nam thì việc hội nhập trở nên xa vời, bởi hội nhập trước hết bằng trí tuệ chứ không phải bằng tiền.

Doanh trí liên quan đến vấn đề giáo dục đào tạo, liên quan đến tự học, liên quan đến nắm bắt những gì mới nhất của thế giới, đó là  doanh trí của cả doanh nghiệp và doanh trí của mỗi doanh nhân. Theo tôi, doanh trí ở đây là bề dày về văn hóa và về năng lực lãnh đạo và năng lực quản lý.

Mà cụ thể là phải có tư duy, triết lý, tầm nhìn toàn cầu, tức tầm nhìn dài hạn về không gian và thời gian: không gian là toàn cầu, thời gian là 20 năm hay 50 năm, chứ nếu doanh nhân, doanh nghiệp nhìn ngắn quá thì khó.

Có nhiều tập đoàn thế giới khi vào Việt Nam trong 10 năm đầu họ vẫn lỗ nhưng nếu hỏi họ có thành công không thì họ nói chúng tôi đang rất thành công. Vì  trong 10 năm đầu mục tiêu của họ không phải là lợi nhuận, nếu 10 năm đầu lỗ mà vẫn gọi là thành công thì tầm nhìn của họ không dưới 50 năm.

Điều đó cho thấy chúng ta phải vươn ra thế giới với tầm nhìn xa. Ngày xưa, muốn nhất Việt Nam anh chỉ cần có tầm nhìn Việt Nam, nhưng bây giờ muốn nhất Việt Nam phải có tầm nhìn toàn cầu.

Với tôi, tôi có may mắn được trải nghiệm trong môi trường quốc tế, do đó tôi nhận thấy rõ sự khác nhau giữa doanh trí Việt Nam và doanh trí của thế giới. Chính điều này đã thúc giục tôi tôi thành lập Trường Doanh nhân PACE, giành cho doanh nhân và giám đốc, để tìm cách góp phần thu hẹp khoảng cách giữa doanh trí Việt Nam và thế giới, đặc biệt tham gia vào quốc tế hóa trình độ nguồn nhân lực cao cấp của Việt Nam."

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp

(Ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội Công Thương thành phố Hà Nội)

"Gần đây, dư luận rất bức xúc với hành vi gian dối của một số doanh nghiệp, như gắn chíp điện tử vào cột bơm xăng dầu để đong thiếu cho người tiêu dùng. Tiếp đến là việc dùng “thủ thuật” để tính sai cước taxi cho khách hàng, rồi tới vụ hàng loạt doanh nghiệp đổ nước thải không qua xử lý gây ảnh hưởng tới môi trường liên tục bị phát hiện.

Nếu  người chủ doanh nghiệp biết đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích của công ty và xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, chắc chắn những việc làm gian dối trên sẽ không xảy ra.

Trên thực tế, không phải gần đây văn hóa trong kinh doanh mới được đề cập tới. Trong dân gian, đã từng có quan niệm rất cụ thể đối với vấn đề phân phối như “của đồng chia ba của nhà chia đôi”, “người có đức thỏa sức mà ăn”, những người làm kinh doanh biết vì lợi ích chung đều hết sức được ủng hộ… Nhưng hiện nay, đã có không ít người chủ doanh nghiệp vì lợi ích cá nhân đã bỏ qua tất cả những điều này.

Người tiêu dùng không thể chấp nhận được hành vi “móc túi” họ để làm giàu của các doanh nghiệp. Vì vậy, sự phát triển của doanh nghiệp, uy tín của doanh nhân phải gắn với việc sản xuất sao cho thật tốt để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng cũng như phải thường xuyên có những việc làm cụ thể hướng tới lợi ích chung của cộng đồng. Có làm được những điều đó, doanh nghiệp mới có thể hội nhập và phát triển trong thời kỳ mới."

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

(Bà Huỳnh Thu, Giám đốc đại diện Tập đoàn Dầu khí Macron tại Việt Nam)       

"Con đường của một doanh nhân thường gặp rất nhiều trắc trở khó khăn, thậm chí có rất nhiều những thất bại cay đắng, vì vậy để trụ vững trong thương trường, doanh nhân cần phải hộ tụ đầy đủ cả ba chữ Tâm, Đức và Tài.

Với cái tâm luôn mong muốn được phục vụ cộng đồng, mang lại lợi ích cho cộng đồng nói chung và trực tiếp là đời sống của những người lao động tại doanh nghiệp thì bản thân doanh nhân sẽ phải không ngừng hoàn thiện mình hơn để đáp ứng với những yêu cầu trong tình hình mới. Đây chính là gốc rễ tạọ nên sự phồn thịnh bền vững của doanh nghiệp.

Đề cao chữ Tâm, doanh nhân sẽ không kinh doanh theo lối “chộp giật” cũng như sẽ cởi mở hơn trong hội nhập và liên kết để cùng phát triển. Đặc biệt, trong môi trường toàn cầu hóa như hiện nay, nếu không biết chia sẻ thông tin và đoàn kết nhau lại thì các doanh nghiệp, doanh nhân trong nước sẽ rất khó chiến thắng ngay trên sân nhà.

Ngoài ra, với cách hành xử tôn trọng lợi ích cộng đồng, vì sự phát triển bền vững những hành vi như xâm hại, gây ảnh hưởng tới môi trường cũng sẽ không thể xảy ra ở những doanh nghiệp, doanh nhân chân chính này. Thực tế đã cho thấy với cách hành xử không có trách nhiệm với cộng đồng, doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất."

Doanh nhân không chỉ làm giàu cho bản thân

(Ông Nguyễn Duy An, Giám đốc Công ty Mỹ nghệ Đồng tam khí Duy An)

"Quê tôi ở xã Đồng Xuân (Kiến Xương, Thái Bình), từng rất nổi tiếng với nghề tam khí khảm bạc chuyên sản xuất đồ thờ cúng, hoành phi câu đối, tranh cát tường. Nhưng vào những năm 90 của thế kỷ trước, do không có đầu ra cho sản phẩm, không ít thợ trong làng đã bỏ nghề đi khắp nơi hoặc chuyển sang mở các hiệu vàng bạc nhỏ với mức thu nhập tạm ổn định.

Nhưng ngay tại thời điểm đó, tôi đã có suy nghĩ, đây là nghề của cha ông, nếu không có người gìn giữ thì chỉ một thời gian ngắn, khi thế hệ những người già không còn nữa thì nghề cũng sẽ mất. Vì vậy, mong muốn lập công ty để phát triển nghề của quê hương đã thôi thúc tôi.

Hiện nay, tuy doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn những tôi tin rằng, thời gian tới sẽ có  cơ hội cho những ngành nghề thủ công truyền thống như của chúng tôi phát triển. Tôi luôn tâm niệm doanh nhân không phải là người chỉ biết làm giàu cho bản thân mà cần phải có những đóng góp cụ thể cho cộng đồng, cụ thể là cho chính nơi mình đã sinh ra.

Tuy vậy, khó khăn mà bản thân tôi cũng như không ít những chủ doanh nghiệp muốn bảo tồn và phát huy làng nghề đang gặp phải, đó là hiện nay thợ có tay nghề còn lại không nhiều. Trong khi đó, những thanh niên trẻ tuổi lại chưa mấy mặn mà với nghề, vì so với nhiều công việc khác mức lương của nghề làm hàng thủ công mỹ nghệ còn khá thấp, nhưng lại yêu cầu rất cao về kỹ thuật.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ còn có nhiều cái khó, đó là chưa có nhiều cơ hội để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường. Trong khi đó, đối với ngành nghề đặc thù này, nếu khách hàng được trực tiếp tham quan quá trình sản xuất thì mới  thấy hết được giá trị của sản phẩm.

Vì vậy, tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ phía hiệp hội cũng như những chương trình phát triển làng nghề để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Đây không chỉ là vấn đề công ăn việc làm cho người lao động mà còn là bản săc văn hóa của mỗi vùng miền của đất nước."