09:23 13/10/2008

“Chúc doanh nhân tìm được giá trị gia tăng của chính mình!”

Từ Nguyên

Hỏi chuyện một nhà tư vấn chiến lược marketing xung quanh những biến chuyển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam

"Anh hùng thực sự là các doanh nhân Việt, những người đang chèo lái con thuyền doanh nghiệp của họ qua khó khăn, khủng hoảng để đi tới thành công. Những chuyên gia marketing như chúng tôi, chỉ như những chiếc la bàn, luôn bên họ để tìm con đường phù hợp nhất."
"Anh hùng thực sự là các doanh nhân Việt, những người đang chèo lái con thuyền doanh nghiệp của họ qua khó khăn, khủng hoảng để đi tới thành công. Những chuyên gia marketing như chúng tôi, chỉ như những chiếc la bàn, luôn bên họ để tìm con đường phù hợp nhất."
Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) cũng là ngày thành lập của Mancom, một doanh nghiệp theo đuổi lĩnh vực tư vấn chiến lược marketing cho các doanh nghiệp Việt Nam.

VnEconomy đã có cuộc trò chuyện với ông Ngô Trọng Thanh, Giám đốc Công ty Mancom xung quanh những biến chuyển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, với những kinh nghiệm được rút ra từ chính hoạt động thực tiễn của công ty ông.

Chuyển biến trong nhận thức

Trước hết, xin chúc mừng ông nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam. Qua 5 năm trải nghiệm cùng doanh nghiệp, ông thấy các doanh nghiệp Việt có những chuyển biến như như thế nào ?

Mỗi năm tôi thấy năng lực của doanh nhân, doanh nghiệp cũng như những nhân viên của họ ngày một tốt hơn rất nhiều. Nếu cách đây khoảng 10 năm, khi nói về những khái niệm như: marketing, về thị trường, phân khúc thị trường, cạnh tranh… thì gần như vẫn là một chuyện mơ hồ đối với nhiều doanh nhân, và thậm chí có người cho rằng, đó là câu chuyện ở tận phương trời nào đấy.

Nhưng, càng gần đây, khi nói về những vấn đề này thì họ nhận thức rất tốt, thậm chí sẵn sàng tranh luận ngang ngửa với những người làm marketing chuyên nghiệp của chúng tôi. Đó chính là sự chuyển biến lớn trong nhận thức của họ.

Cũng khoảng 10 năm trước, phần lớn những sản phẩm chiếm lĩnh được lợi thế cạnh tranh trên thị trường đều là của các doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng gần đây, các sản phẩm mang thương hiệu Việt đã ngày càng khẳng định được vị thế của mình, cạnh tranh ngoan cường, thậm chí bứt phá so với các đối thủ nước ngoài. Ví dụ như Đồng Tâm, Trung Nguyên, Number One, Hòa Phát, Vinamilk…

Chúng ta biết rằng, cứ mỗi giây trôi qua, có khoảng 13.500 chai Coke được uống trên toàn cầu. Con số này nói trên sức mạnh khủng khiếp của Coke - thương hiệu số 1 thế giới trong nhiều năm liền. Nhưng tại thị trường trong nước hiện nay, người dẫn đầu ngành hàng đồ uống thiên nhiên, có doanh số phát triển mạnh mẽ nhất, lại không phải là Coke, mà Tân Hiệp Phát - một tập đoàn 100% nội địa.

Bên cạnh đó, nhận thức về chiến lược kinh doanh của doanh nhân cũng thay đổi, bằng chứng là trong 3 - 4 năm trở lại đây, có đến một nửa trong Top các doanh nghiệp có chi phí quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng lớn nhất là các doanh nghiệp Việt. Đây thực sự là một thay đổi lớn về tư duy kinh doanh của doanh nghiệp, bởi chi phí cho quảng cáo không mang lại doanh số và lợi nhuận tức thời, mà đó là một dạng đầu tư cho thương hiệu, cho tương lai.

Qua đó chúng ta thấy rằng, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp của chúng ta đã trưởng thành rất nhiều về nhận thức, mạnh mẽ hơn nhiều trong hành động, và sẵn sàng đầu tư cho sự phát triển trong tương lai.

Khó khăn cũng là cơ hội

Ông đánh giá thế nào về doanh nghiệp Việt trong giai đoạn khó khăn hiện tại?

Chúng ta còn nhớ trong những ngày đầu năm, khi đối mặt với cơn bão giá, đã có nhiều nhận xét bi quan, như doanh nghiệp Việt đã và đang “chết” hàng loạt. Thậm chí, những doanh nhân nào chỉ cần tồn tại được trong cơn khủng hoảng, người đó đã xứng đáng là anh hùng.

Nhưng thực tế thì trên các diễn đàn, các phương tiện thông tin đại chúng, những thông tin nói về khó khăn của các doanh nghiệp dường như ngày một ít đi. Sự tự thích ứng, linh hoạt với hoàn cảnh để vượt qua khó khăn là một đặc tính lớn của doanh nhân Việt. Trước đây, tôi cũng đã từng dẫn một ngạn ngữ của Nga: “Trong đám mây đen luôn có ánh bạc”.

Mọi khó khăn, thử thách đều là cơ hội cho mỗi doanh nhân, doanh nghiệp tự khẳng định mình. Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp của chúng ta  đã thay đổi chiến lược, đổi mới về tư duy. Và thực tế, bên cạnh những doanh nghiệp đang lịm dần, thậm chí đóng cửa, thì vẫn có khá nhiều doanh nghiệp Việt đã nhìn thấy ánh bạc đó và ít nhiều họ đã thành công.

Chúng ta đang chứng kiến vụ bê bối melamine trong ngành sữa, với hậu quả nặng nề cho cả những thương hiệu lớn, nhưng bên cạnh đó, một số các công ty khác cũng trong ngành sữa, với cách làm ăn bài bản, nghiêm túc lại đang có một cơ hội tốt, thậm chí rất tốt, như Vinamilk, và cả D’ozzi- một thương hiệu còn ít người biết đến.

Còn nhớ trước đây, khi cơn bão giá bắt đầu, trên các diễn đàn mọi người nói nhiều đến những khó khăn, ảnh hưởng do cơn bão giá mang lại. Nhưng ông lại đánh giá những nguyên nhân lại chính do những yếu tố chủ quan nằm trong nội tại các doanh nghiệp Việt. Ông có thể phân tích sâu hơn về vấn đề này?

Khi Lehman Brothers sụp đổ - cột mốc đánh dấu một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thì tôi đang ở Singapore và được tận mắt chứng kiến sự hoảng loạn của người Singapore. Tờ Strait Times đã giật tít lớn ngay trang nhất: “Cơn địa chấn tài chính toàn cầu”, và mọi doanh nhân tôi gặp, thay vì câu "Hello" thông thường, thì chào nhau bằng câu hỏi: "Đã biết gì thêm về Lehman chưa?".

Qua ví dụ này, chúng ta có thể hiểu thêm những khó khăn hiện tại không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp và thị trường nội địa, mà thực sự mang tính toàn cầu. Và như vậy, không nên bàn quá sâu và cố tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài.

Tôi vẫn nghĩ rằng, để vượt qua những khó khăn hiện tại, mỗi doanh nghiệp hãy nhìn nhận lại những yếu tố chủ quan của chính mình. Đó là con đường ngắn nhất để tồn tại và phát triển.

Chúng tôi đang tư vấn cho Hapro Vodka - một sản phẩm của Tổng công ty Thương mại Hà Nội. Đã ra đời hơn 5 năm, doanh nghiệp này cố gắng sản xuất những sản phẩm rượu vodka tốt nhất có thể: công nghệ hiện đại, có thể loại trừ hoàn toàn chất độc hại methanol, nguyên liệu tốt, được tuyển chọn kỹ càng.

Và đặc biệt, họ có cách làm rất độc đáo, thay vì lên men công nghiệp như các sản phẩm khác, họ lại cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề truyền thống, thu hồi thành phẩm và tinh cất lại trên dây chuyền hiện đại. Nhưng thực tế, một sản phẩm tốt cũng chưa hẳn có thị trường tốt, nếu như không có chiến lược marketing chuyên nghiệp và phù hợp.

Sau khi thay đổi về chiến lược thị trường, chỉ sau 3 tháng, hiện nay sản phẩm của Hapro có một vị thế bước đầu đáng khích lệ. Doanh số của họ tăng hơn 400%, và hệ thống phân phối rộng khắp miền Bắc.

Hapro cũng trải qua cơn bão giá, cũng chịu những tác động của cú sốc tài chính toàn cầu, cũng có những đối thủ khổng lồ, cũng gặp khó khăn khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Nhưng rõ ràng, một chiến lược phát triển thị trường đúng đắn sẽ làm bàn đạp cho một sản phẩm tốt có chỗ đứng trên thị trường.

Và chiến lược đó, hoàn toàn do yếu tố chủ quan của mỗi doanh nghiệp.

Theo ông, trong điều kiện hiện nay thì việc tìm giải pháp có khó khăn hơn trước đây hay không, và vì sao?

Một mặt nào đó, đúng là có khó hơn trước đây, bởi đấy là khó khăn chung của cả nền kinh tế.

Một tổng giám đốc của một công ty, với doanh số năm 2007 lên tới hơn 500 tỷ đồng, đã tâm sự thật với tôi: gần một tháng nay, quỹ của công ty gần như không có tiền mặt! Không có tiền, thì quả thực quá bó tay cho mọi doanh nghiệp. Với một công ty lớn, tình trạng đã khó khăn như vậy, thì có thể với các doanh nghiệp nhỏ, tình trạng còn đáng báo động hơn nhiều.

Tuy nhiên, điều kiện này mang lại những thuận lợi khác. Trước hết từ tư duy của mỗi lãnh đạo doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp của chúng ta là vừa và nhỏ, việc thành bại nằm trong tay của các chủ doanh nghiệp. Và khi tư duy của chủ doanh nghiệp thay đổi, sẽ mang lại sự lột xác cho cả tổ chức.

Hơn nữa, những khó khăn chồng chất đã buộc các doanh nghiệp nhìn nhận, đánh giá lại chiến lược phát triển thị trường. Sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp không nằm ở quy mô của nó về doanh thu, hay số lượng sản phẩm, mà nó nằm ở chính giá trị gia tăng được tạo ra.

Tôi vẫn luôn đặt câu hỏi với các doanh nhân mà tôi có dịp tư vấn: ai thu được nhiều lợi nhuận hơn, giữa người nông dân trồng chè của Việt Nam và Unilever - nhà sản xuất của nhãn hàng trà Lipton nổi tiếng? Mỗi cân chè nguyên liệu, chúng ta có thể lời được bao nhiêu tiền?

Trong khi đó, mỗi hộp trà Lipton mang lại cho Unilever bao nhiêu tiền, khi nó được bán với giá cao gấp hàng chục lần nguyên liệu thô, vốn được nhập của nông dân Việt Nam. Qua đó, tôi chỉ muốn khẳng định một điều: giá trị gia tăng là yếu tố tiên quyết cho mỗi doanh nghiệp. Và điều đó chỉ có khi có hàm lượng chất xám cao trong mỗi sản phẩm.

Và cũng như vậy, trong thời điểm này, các doanh nghiệp dưới sức ép tài chính, đã tỉnh táo hơn để tập trung vào các sản phẩm mũi nhọn, có sức cạnh tranh cao, và tất nhiên, có hàm lượng chất xám cao hơn!

Người ta vẫn có câu “thời thế tạo anh hùng”. Vậy theo ông, đây có phải là thời điểm để các chuyên gia maketing thể hiện ?

Anh hùng thực sự là các doanh nhân Việt, những người đang chèo lái con thuyền doanh nghiệp của họ qua khó khăn, khủng hoảng để đi tới thành công. Những chuyên gia marketing như chúng tôi, chỉ như những chiếc la bàn, luôn bên họ để tìm con đường phù hợp nhất.

Ông có lời khuyên và lời chúc gì với doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam ?

Tôi không có lời khuyên gì, chỉ có lời chúc tốt đẹp tới các doanh nhân Việt. Chúc cho mỗi doanh nhân, doanh nghiệp luôn tìm được giá trị gia tăng của chính mình!