08:42 23/11/2007

Tăng giá xăng dầu: “Không còn cách nào khác”

Lê Hường

Ông Trần Văn Tá, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho rằng việc tăng giá xăng dầu lần này là bất khả kháng vì 3 lý do

"Chúng tôi cũng yêu cầu tổng công ty xăng dầu giảm chi phí quản lý, ít nhất là 5%, bỏ dần tâm lý ỷ lại vào việc bù lỗ của nhà nước".
"Chúng tôi cũng yêu cầu tổng công ty xăng dầu giảm chi phí quản lý, ít nhất là 5%, bỏ dần tâm lý ỷ lại vào việc bù lỗ của nhà nước".
Ngày 22/11, xăng tăng 1.700 đồng/lít, dầu Diesel 0,25S tăng 1.500-1.600 đồng/lít, dầu Mazut tăng 2.500 đồng/lít. Thứ trưởng Bộ Tài chính - Trần Văn Tá đã trả lời phỏng vấn báo giới về quyết định này.

Thưa ông, đây có phải là thời điểm thích hợp để tăng giá xăng với mức kỷ lục 1.700 đồng/lít trong khi chủ trương của Chính phủ là kìm chế tốc độ tăng giá và đây lại là chu kỳ tăng giá của năm?

Đây là thời điểm “sát chân tường”, việc tăng giá xăng là bất khả kháng vì 3 lý do.

Thứ nhất, dự báo giá dầu mỏ thị trường thế giới sẽ tiếp tục dao động ở mức cao và thậm chí còn có thể có những biến động khó lường. Nếu giá thế giới lên mà chúng ta không có từng bước điều chỉnh để tiếp cận, thì khi giá thế giới lên quá cao, sự điều chỉnh với biên độ rộng của chúng ta sẽ gây “sốc” cả đối với sản xuất và tiêu dùng.

Thứ hai, trong điều kiện hội nhập hiện nay, nền kinh tế nước ta phải chấp nhận thích ứng với mặt bằng giá thế giới tăng cao, không thể và cũng không có khả năng giữ hệ thống giá trong nước biệt lập với thị trường thế giới.

Thứ ba, nếu nhà nước cứ giữ hình thức hỗ trợ tài chính thông qua việc bù giá thì nền kinh tế sẽ tiếp tục gánh chịu những bất cập, không giảm được sức ì trong tư duy kinh tế. Hơn nữa, hàng năm nhà nước phải bỏ ra khối lượng ngân sách lớn để bù giá, trong khi đó, nạn buôn lậu “chảy” xăng dầu qua các nước láng giềng có mức giá cao hơn vẫn diễn ra. Kết quả là, Nhà nước vừa phải chi tiền bù giá, lại vừa phải chi kinh phí nhiều hơn để nuôi dưỡng hoạt động của bộ máy chống buôn lậu.

Riêng với giá xăng, những lần trước chúng ta điều chỉnh 1.000 đồng nhưng lần này chúng ta buộc phải điều chỉnh 1.700 đồng. Không có cách gì khác, các doanh nghiệp còn đề nghị mức điều chỉnh cao hơn 2.000 đồng/lít.

Bộ Tài chính đã tính đến những tác động cụ thể của việc tăng giá xăng dầu đến các ngành sản xuất của nền kinh tế và chỉ số CPI?

Về tư tưởng chỉ đạo, chúng ta vẫn muốn ổn định giá. Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu rằng, bình ổn giá là ổn định tương đối theo cơ chế thị trường, chứ không thể ổn định như giá “cứng” trước đây.

Cũng như mọi lần chúng tôi đều có tính toán đến tác động của việc tăng giá xăng dầu đối với đầu vào của sản xuất. Mức độ tác động chung từ 0,11% - 10,82%. Nhóm vật tư chủ yếu chịu tác động 1,07% - 5,6%. Nhóm hàng nông sản chịu tác động tư 0,11%- 1,51%. Và đánh bắt xa bờ là nhóm hàng chịu tác động cao nhất hơn 10%.

Mặc dù, việc tăng giá xăng dầu có tác động đến chỉ số CPI, nhưng mức độ không quá lớn vì trong rổ hàng hoá tính CPI thì mặt hàng này là đầu vào của sản xuất, qua rất nhiều vòng.

Ý kiến của ông về phương hướng bình ổn giá trong khi việc tăng giá xăng dầu rõ ràng là có tác động đến giá các hàng hoá khác?

Trước hết, chúng ta cũng phải đảm bảo được nguồn cung ứng các mặt hàng chủ yếu, thiết yếu để tránh việc tăng giá do thiếu nguồn cung.

Thứ hai là tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước đối với những mặt hàng nhà nước còn tham gia quản lý giá, và một số mặt hàng gần đây có xu hướng lợi dụng sự khan hiếm hàng hoá để tăng giá. Qua cuộc kiểm tra vừa rồi, chúng tôi đã xử lý 3 - 4 doanh nghiệp vi phạm Chỉ thị 18, vừa xử lý vi phạm hành chính, vừa xử lý truy nộp các khoản do việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu nhưng doanh nghiệp không thực hiện việc giảm giá tương ứng.

Thứ ba, cần thực hiện các giải pháp tuyên truyền trong nhân dân, phối hợp cùng các bộ ngành trung ương và địa phương, các cơ quan quản lý thị trường.

Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu tổng công ty xăng dầu giảm chi phí quản lý, ít nhất là 5%, bỏ dần tâm lý ỷ lại vào việc bù lỗ của nhà nước.

Nếu phối hợp tốt thì chắc chắn là chúng ta giữ được bình ổn giá, theo cách thức điều hành giá, dần dần điều hành theo cơ chế thị trường nhưng đồng thời có sự quản lý của Nhà nước.

Chính phủ đã nghĩ đến những biện pháp nào để tăng dự trữ xăng dầu và tìm kiếm nhiên liệu thay thế?

Xăng dầu cũng là một loại hàng chúng ta cần dự trữ. Hiện nay, do khả năng tài chính hạn chế nên mức dự trữ xăng dầu của chúng ta còn thấp. Các đầu mối cũng có lượng dự trữ nhất định để thích ứng với sự thay đổi của điều kiện thị trường. Nếu không dự trữ được tốt như thời gian qua thì sự biến động về nguồn cung và giá còn lớn hơn rất nhiều.

Hơn nữa, Liên bộ Tài chính - Công Thương cũng đã báo cáo Chính phủ phương án phòng ngừa rủi ro về giá. Phương án này có thể được thực hiện năm 2008. Việc nghiên cứu nguồn năng lượng thay thế của chúng ta mới ở giai đoạn ban đầu. Tôi cũng đồng tình với việc là chúng ta nên thúc đẩy hơn nữa công tác này.