10:14 16/04/2009

Tăng lợi nhuận cho nông dân từ chuỗi giá trị nông sản

Chu khôi

Phần lớn nông sản của Việt Nam được tiêu thụ chưa có nhãn mác, khiến giá bán thấp và không ổn định

Bơ Đắc Lắc đã có thương hiệu.
Bơ Đắc Lắc đã có thương hiệu.
Phần lớn nông sản của Việt Nam được tiêu thụ chưa có nhãn mác, khiến giá bán thấp và không ổn định.

Trong bối cảnh đó, những dự án phát triển chuỗi giá trị nông sản do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ triển khai ở một số địa phương, đã hỗ trợ tạo dựng thương hiệu cho nhiều loại nông sản.

Rất khó để xây dựng nhãn hiệu cho các loại hàng nông sản, vì loại mặt hàng này thường sản xuất theo quy mô hộ nông dân. Hoạt động phát triển chuỗi giá trị cho nông sản được Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) triển khai ở Việt Nam thực hiện phương pháp liên kết giá trị, đóng vai trò như một trung gian chắp nối nhiều bên lại với nhau.

Từ thương hiệu bơ Dakado

Bơ là loại cây có hàm lượng protein và dầu cao, tỷ lệ calo cao gấp 3 lần so với chuối và bằng 50% so với thịt bò. Cây bơ được người Pháp đưa vào trồng ở nước ta từ năm 1940, tuy nhiên đến nay vẫn chỉ được trồng trong phạm vi rất hẹp, vì vậy người tiêu dùng trong nước cũng ít biết đến trái bơ. Tại Đắc Lắc, cây bơ thường được trồng rải rác trong các vườn cà phê chỉ với mục đích làm cây che bóng cho cà phê.

Năm 2006, GTZ đã uỷ nhiệm Công ty Fresh Studio Innovation Asia tiến hành nghiên cứu phân tích chuỗi giá trị của trái bơ, với mục đích để tạo tầm nhìn chung cho tất cả các đơn vị tham gia dự án phát triển chuỗi giá trị cho trái bơ. Ngoài GTZ đóng vai trò chủ đạo, tham gia dự án có nhiều cơ quan: Sở Khoa học và Công nghệ Đắc Lắc, Đại học Nông lâm Tây Nguyên, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Hội Nông dân Đắc Lắc.

TS. Trịnh Đức Minh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắc Lắc cho biết, trên toàn tỉnh có 110 đại lý chuyên thu mua bơ từ hàng ngàn hộ nông dân đem đi tiêu thụ, tổng sản lượng hàng năm đạt 40.410 tấn, cho giá trị doanh thu hàng năm đạt tương đương 7 triệu USD.

Tuy nhiên, thương lái thường thu mua trái bơ từ nông dân với giá rất thấp, chỉ khoảng 2000 - 3.000 đồng/kg. Quá trình thu mua vận chuyển đến nơi tiêu thụ gây tỷ lệ hư hỏng rất cao, tới 40%.

Dự án xây dựng chuỗi giá trị cho trái bơ đã được triển khai 12 gói công việc: nghiên cứu thị trường, chiến lược nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, xây dựng chuỗi, thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quy trình vận chuyển chuẩn, xây dựng các mẻ bơ đồng đều, dụng cụ thu hái, bảo quản lạnh, bao bì đóng gói, đăng ký nhãn hiệu, giống, quản lý điều phối.

Các chuyên gia tư vấn đã thực hiện nhiều khoá đào tạo nông dân thực hành nông nghiệp tốt GAP; đào tạo nông dân, người thu gom, thương lái về các kỹ thuật thu hoạch và quy trình vận chuyển chuẩn.

Công ty Dakadođược thành lập vào năm 2007, trên cơ sở của một số đại lý thu gom trái bơ. Nhà sơ chế đóng gói của công ty cũng được hỗ trợ 20% vốn đầu tư từ nguồn kinh phí của dự án hợp tác giữa GTZ và tỉnh Đắc Lắc. Nhãn hiệu Dakado là sự kết hợp giữa tên địa phương (Đắc Lắc) với tên tiếng Anh của trái bơ, tem nhãn được dán trên từng trái bơ sản phẩm, có số hiệu cho phép truy nguyên nguồn gốc của từng hộ nông dân canh tác.

Dự án được sự hưởng ứng của 11 siêu thị của Fivi Mart và siêu thị Thăng Long của Công ty Metro Cash&Carry, hướng tới người tiêu dùng ở các thành phố lớn. Bằng cách kết nối giá trị của tất cả các khâu thành chuỗi liên hoàn, từ trồng trọt, thu mua, chế biến đến phân phối và tiêu thụ, đã nâng cao được giá bán của trái bơ.

Đến gia tăng giá trị cho nhiều loại nông sản

Qua dự án, nông dân trồng cà phê ở Đắc Lắc đã được áp dụng phương pháp ghi chép nhật ký nông hộ, hệ thống ghi chép này từng được sử dụng trong nhiều dự án sản xuất cà phê trên thế giới. Nhờ đó, họ tự kiểm soát được hiệu quả của từng khâu sản xuất từ quản lý dinh dưỡng tới thuê nhân công, đây cũng là cơ sở cho hệ thống quản lý chứng chỉ chất lượng sản phẩm.

Nông dân và người thu gom cũng được đào tạo về những kiến thức, phát triển mới nhất trong ngành cà phê, tập trung vào việc đạt các chứng chỉ và sự canh tác bền vững.

Dự án đã thiết lập được tổ chức Café Control, đây là cơ quan đầu tiên ở Việt Nam được công nhận quyền cấp chứng nhận tiêu chuẩn Global GAP. Hiện đã có 200 hộ nông dân ở Đắc Lắc được xác nhận sản xuất cà phê 4C (bộ nguyên tắc chung của cộng đồng canh tác cà phê chất lượng cao thế giới), với số lượng 800 tấn cà phê được đăng ký xuất bán trong năm 2009.

Tại An Giang, dự án đã hợp tác với Công ty Food Plus (một doanh nghiệp chuyên trong lĩnh vực chứng nhận chất lượng nông thuỷ sản trên thế giới) thiết lập bộ tiêu chuẩn nuôi trồng Global GAP cho các hộ nông dân nuôi cá tra và cá basa.

Hiện bộ tiêu chuẩn này đang được áp dụng tại 3 trang trại thí điểm, bao gồm nuôi cá giống, cá ương và cá thịt, nhằm giúp cán bộ ngành thuỷ sản và nông dân có kiến thức về những yêu cầu quản lý chất lượng và kinh nghiệm thực tiễn cần thiết.

Mặc dù quá trình hỗ trợ ở một số chuỗi sản xuất nông nghiệp với thời gian rất ngắn, nhưng đã đem lại hiệu quả thiết thực. Giá trị gia tăng đạt được từ các hoạt động xây dựng thương hiệu, đóng gói, thiết kế và marketing đã mang lại giá bán cao hơn cho người sản xuất và lượng hàng hoá tiêu thụ nhiều hơn.

Các sản phẩm cũng liên tục tìm được thị trường mới, đặc biệt tại các siêu thị lớn ở Hà Nội và Tp.HCM. Đồng thời, dự án cũng đã cải thiện được tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức các nhóm nông dân và thương thuyết với khách hàng.

Cùng với trái bơ, các dự án chuỗi giá trị cũng đã được triển khai đối với nhiều loại nông sản khác: cá basa, cà phê, nhãn lồng Hưng Yên, cây mây...