09:26 03/12/2007

Tăng trưởng bền vững trước nhiều rào cản

Thùy Trang

Vẫn còn nhiều vấn đề trước mắt phải giải quyết để nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng bền vững

Cơ sở hạ tầng vẫn đang là vấn đề nan giải của kinh tế Việt Nam.
Cơ sở hạ tầng vẫn đang là vấn đề nan giải của kinh tế Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế của nước ta năm nay đạt tốc độ cao nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tính bền vững của nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Nhận định về tình hình kinh tế xã hội năm 2007 tại hội nghị ngành kế hoạch và đầu tư năm 2007 vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 30/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao và cho rằng kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định, đạt mức tăng trưởng cao.

Song, Thủ tướng cũng thẳng thắn thừa nhận sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế chưa cao, công tác dự báo và kiểm soát kinh tế vĩ mô còn lúng túng trong đó có vấn đề kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng.

Thành công vẫn tiềm ẩn thách thức

Lạc quan về triển vọng đất nước nhưng Thủ tướng cũng đưa ra những báo động về tính bền vững của nền kinh tế. Người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra một chỉ số so sánh cụ thể để chứng tỏ tính bền vững của Việt Nam còn nhiều vấn đề.

Tại phiên họp chuyên đề về năng lượng trong khuôn khổ Hội nghị ASEM 6 được tổ chức ở Phần Lan mà Thủ tướng đã tham dự năm ngoái, báo cáo của EU cho thấy trong 10 năm, GDP của châu Âu tăng trưởng 50% nhưng tiêu hao năng lượng gần như không tăng nhờ việc ứng dụng khoa học công nghệ, thay đổi cơ cấu sản xuất phù hợp. Còn ở Việt Nam, để tăng 1% GDP thì phải cần thêm 2% năng lượng, như năm nay tăng GDP 8,5% thì tiêu thụ điện tăng 17%.

Thủ tướng cũng cảnh báo một loạt khó khăn đối với nền kinh tế trong thời gian tới, trong đó điển hình là hạ tầng cơ sở không đáp ứng được yêu cầu. Hiện hầu hết các cảng biển đều đã hoạt động hết công suất, máy bay cho ngành hàng không đang thiếu. Hiện tại, Việt Nam cũng chưa có mét đường cao tốc nào đúng nghĩa và hệ thống đường sắt cũng đã hoạt động hàng trăm năm nay.

Đáng chú ý, việc duy trì chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng trưởng là một trong những chỉ tiêu không hoàn thành của năm nay. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay sẽ đạt trên 9%, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,5%.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc giá tiêu dùng leo thang phần lớn do tác động của tăng giá dầu thô và các nguyên liệu chủ yếu trên thị trường thế giới, cũng như việc điều chỉnh giá đầu vào đối với xăng dầu và một số vật tư quan trọng.

Lúng túng trong điều hành tiền tệ

Còn nhớ đầu năm, Chính phủ chủ trương đi đến lộ trình không bao cấp giá dầu. Nhằm đảm bảo cho sức chịu đựng của nền kinh tế, biện pháp này được thực hiện từng bước. Do đó, Chính phủ vẫn dành khoảng 8.000 tỉ đồng để bù lỗ giá dầu.

Tuy nhiên, đến tháng 11, giá dầu thế giới tăng quá cao, Chính phủ buộc phải điều chỉnh tiếp để doanh nghiệp và người dân gánh bớt cho Nhà nước. Theo Thủ tướng, nếu không làm như vậy, Nhà nước không chỉ bù lỗ 8.000 tỉ đồng mà lên đến 13.000 tỉ đồng. Trên thực tế, dù áp dụng biện pháp tăng giá xăng dầu nhưng Nhà nước cũng vẫn phải bù lỗ 10.000 tỉ đồng.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan do giá cả thế giới tăng cao còn phải kể đến ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, bệnh dịch gia súc, gia cầm đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân. Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ, việc lúng túng trong điều hành thị trường tiền tệ cũng là một lý do khiến CPI vượt qua tốc tốc độ tăng GDP.

6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 9 tỷ USD, đưa dự trữ ngoại tệ của Việt Nam lên mức cao nhất trong lịch sử, đạt 20 tỷ USD. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, việc điều hành tiền tệ của cơ quan chức năng còn bộc lộ nhiều lúng túng giữa hai luồng quan điểm.

Một phía lo ngại nếu đưa tiền đồng ra mua USD, trong trường hợp rút về không kịp sẽ gây sức ép tăng giá tiêu dùng. Nhưng nếu rút tiền về không gom vào USD, đưa lãi suất lên, hạn chế đầu tư thì chỉ số giá cũng có thể giảm xuống nhưng tăng trưởng kinh tế sẽ không giữ được mức cao như hiện nay.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, dù CPI trong nước tăng nhưng giá sức mua đối ngoại đồng tiền Việt Nam vẫn giữ được ổn định. Và mức tăng trưởng GDP của Việt Nam là tăng trưởng thật vì đã loại trừ tăng giá. Thủ tướng cũng cho rằng nếu giải quyết để đạt được chỉ số giá cả tăng thấp hơn GDP thì tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn nữa.

Những giải pháp căn bản

Để đạt mục tiêu đề ra cho năm 2008, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo ngành kế hoạch và đầu tư cần tập trung chỉ đạo đảm bảo tốc độ tăng trưởng 9%, đồng thời kiểm soát lạm phát, mức tăng giá dưới mức tăng GDP, đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu ra mục tiêu chung nhất cho năm 2008: về cơ bản, hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra cho kế hoạch 5 năm 2006-2010, đến năm 2009 sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, tức là đạt sớm nhiệm vụ kế hoạch trước một năm. Cụ thể, đến năm 2008, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 960 USD, và lên mức 1.100 USD vào năm 2009, thay vì vào 2010 như kế hoạch. Hộ nghèo giảm xuống còn 12% vào năm 2008.

Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh đặt ra kế hoạch 5 năm cho tỉnh và phấn đấu về sớm một năm.Thủ tướng nhấn mạnh thời gian tới, dứt khoát không bù lỗ, kiên trì điều hành theo cơ chế thị trường. Nếu tiếp tục bù lỗ, Nhà nước sẽ không đủ ngân sách và vấn đề nữa là bù cho ai, làm thế nào để đảm bảo công bằng.

Thủ tướng cho rằng năm 2008 phải có bước tiến vượt bậc về đầu tư xây dựng cơ bản. Theo đó, phải khởi công một số đường cao tốc như Hà Nội - Hải Phòng. Chính phủ đã ban hành quy chế riêng để xây dựng con đường này. Tiếp đến, khởi công đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, tuyến đường Ninh Bình - Nghệ An, ngã ba Trung Lương đi Cần Thơ, xây dựng cảng Lạch Huyện, Hải Phòng...

Một giải pháp nữa cho năm 2008 cũng được Thủ tướng đề cập đến là tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nghề; tạo cơ chế đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp; coi đây là nhiệm vụ đột phá nhằm tạo việc làm cho lao động đồng thời nâng cao hiệu quả nền kinh tế.

* Mt số chỉ tiêu kinh tế năm 2007

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong 10 năm qua.
- Tổng thu nhập quốc dân (GDP) cả năm ước đạt 8,5%.
- GDP theo giá hiện hành dự kiến đạt 1.144 tỷ đồng, tương đương 71,3 tỷ USD,
- Bình quân đầu người đạt 835 USD, kế hoạch đặt ra là 820 USD.
- Huy động vốn đầu tư toàn xã hội năm 2007 ước đạt 464,5 nghìn tỷ đồng, bằng 40,6% GDP.
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 14,7% so với năm 2006 là 18%.

(Nguồn: Báo cáo của Bộ Kế họach và Đầu tư)