14:48 14/07/2009

Tăng trưởng GDP của Hà Nội: Ba “nhanh” thành một “chậm”

Anh Quân

Sau gần một năm kể từ ngày “bộ ba tăng trưởng” được hình thành, tăng trưởng GDP của Hà Nội đã chậm lại bước tiến

Một công trình xây dựng tại Hà Nội. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2009 của thành phố được công bố đạt 4,12%, bằng 1/3 của 6 tháng đầu năm 2008 - Ảnh: Reuters.
Một công trình xây dựng tại Hà Nội. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2009 của thành phố được công bố đạt 4,12%, bằng 1/3 của 6 tháng đầu năm 2008 - Ảnh: Reuters.
Tại huyện Mê Linh, những tập đoàn đa quốc gia như Honda, Toyota đã từng sớm đưa tỉnh Vĩnh Phúc gia nhập “câu lạc bộ” 1.000 tỷ đồng (tiền thu ngân sách).

Tại tỉnh Hà Tây (cũ), liên tục các khu công nghiệp mọc lên như nấm, cùng với nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn đã đưa “xứ Đoài” thành một trong những địa bàn phát triển năng động tại miền Bắc.

Nhưng, những kỳ vọng vào một không gian mở rộng để phát triển kinh tế quy mô lớn, tạo động lực tăng trưởng cho cả khu vực đã chưa thể thành hiện thực. Sau gần một năm kể từ ngày huyện Mê Linh và tỉnh Hà Tây "về" với Hà Nội, tạo thành "bộ ba tăng trưởng", thì tốc độ tăng GDP của Hà Nội mở rộng đã... chậm lại bước tiến.

Kết quả khó tin

Sự “chùn bước” của tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm nay có thể xem là điều khó chấp nhận đối với lãnh đạo của thành phố Hà Nội. Vì sao sự hợp nhất của ba khu vực phát triển nhanh lại tạo ra một khu vực phát triển kém hơn là câu hỏi cần tìm lời lý giải.

Báo cáo tại hội nghị Thành ủy Hà Nội ngày 6/7 cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2009, dù đã được điều chỉnh lên 4,12% so với con số công bố sơ bộ đạt 3,9%, nhưng cũng chỉ bằng 1/3 của 6 tháng đầu năm 2008 trên địa bàn Hà Nội mở rộng (11,4%).

Đây là tốc độ tăng GDP thấp nhất trong những năm gần đây (năm 2008 tăng 10,9%, năm 2007 tăng 11,2%, năm 2006 tăng 11,2%, năm 2005 tăng 10,8%).

Nếu so với một số địa bàn quan trọng khác, Hà Nội đang lùi lại vị trí “khiêm tốn” hơn. Tại Tp.HCM, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2009 đạt 4,6%; Hải Phòng là 5,85%; Đà Nẵng đạt 5,1%...

Nguyên nhân chính từ... sáp nhập?

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội), có nhiều nguyên nhân khiến tăng trưởng của Hà Nội thấp đến như thế. Nhưng lý do cơ bản nhất lại có thể đến từ chính việc sáp nhập để tạo thành Hà Nội mở rộng.

Thứ nhất, việc sáp nhập dẫn đến thay đổi nhân sự. Theo quan điểm của TS. Nguyễn Minh Phong, đây là nhân tố quan trọng làm cho tăng trưởng của Hà Nội giảm sút.

Trên thực tế, “đến tháng 4/2009 mới ký quyết định cán bộ, nên hầu như tất cả hệ thống cán bộ bị chững lại, dẫn đến khả năng xử lý (của bộ máy mới - PV) chưa được suôn sẻ”, ông Phong nói.

Đó là chưa kể cán bộ cũ và cán bộ mới cũng có sự chênh lệch trình độ, phối hợp chưa nhuần nhuyễn. “Cán bộ Hà Tây với Hà Nội có sự khác nhau về quan điểm, nhận thức, trình độ, cách sống và thói quen khi hợp tác… Điều này cũng gây những ảnh hưởng nhất định”, TS. Phong nhìn nhận.

Thứ hai, việc triển khai các dự án trên địa bàn Hà Nội mở rộng có nhiều thay đổi sau quá trình sáp nhập. Khá nhiều dự án thuộc tỉnh Hà Tây cũ, huyện Lương Sơn (Hòa Bình), huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc)... đã bị đình đốn.

Thứ ba, cũng do sáp nhập, cơ cấu nông nghiệp của Hà Nội tăng lên 4 lần và cũng tăng tỷ trọng trong GDP.

Trận lụt dẫn đến mất mùa vào năm ngoái khiến nông nghiệp sụt giảm lớn trong nửa đầu năm nay. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, nguyên nhân này khiến cho Hà Nội hạ mất 1,5% GDP.

Cũng có những nguyên nhân khác đến từ khó khăn chung. Do cơ cấu của Hà Nội là rất “mở”, nên khi có suy thoái kinh tế, công nghiệp của Hà Nội lĩnh "hậu quả" ngay, và với mức độ lớn hơn đối với các địa phương khác.

“Bình thường, Hà Nội có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình cả nước khoảng 1,5 lần, nhưng khi gặp khủng hoảng thì tốc độ này cũng giảm xuống rất lớn. Trong khi đó, những địa phương có độ mở thấp thì bị tác động ít”, ông Phong nhận định.

Thêm nữa, khi Hà Tây sát nhập vào Hà Nội thì kinh tế làng nghề chiếm tỷ trọng lớn hơn trong GDP. Những tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, giảm xuất khấu khiến bộ phận kinh tế này đình đốn ngay từ cuối năm 2008.

Thế nên, đã có những dự báo không mấy lạc quan về viễn cảnh tăng trưởng kinh tế trong năm nay của Hà Nội mở rộng. Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, có rất ít khả năng Hà Nội có thể hoàn thành kế hoạch tăng GDP trong năm nay.

Mức tăng trưởng "hợp lý hơn" được cơ quan này đưa ra là, tốc độ tăng GDP cả năm 2009 của Hà Nội sẽ chỉ dừng ở mức 5,0-5,5%, thay cho mức tăng 9,5-10% đã được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua cuối năm 2008.