11:07 28/07/2009

Tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu từ Trung Quốc

Hồng Thoan

Tốc độ Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc tăng bình quân trong giai đoạn 2006 - 2008 lên tới 32,6%/năm

Sắt thép là một trong những mặt hàng được nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc.
Sắt thép là một trong những mặt hàng được nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc.
Xác định Trung Quốc vẫn tiếp tục là một thị trường trọng điểm và là đối tác thương mại hàng đầu, Bộ Công Thương dự kiến năm 2009, kim ngạch mậu dịch giữa hai nước đạt khoảng 21,5 tỷ USD, tăng 6,9% so với năm 2008.

Năm 2010, dự kiến có khả năng đạt 25 tỷ USD, hoàn thành mục tiêu mà lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra.

Coi trọng hoạt động biên mậu

Những năm gần đây, quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc phát triển mạnh. 5 tháng đầu năm 2009, do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nên kim ngạch mậu dịch hai nước giảm 21,4% so với cùng kỳ năm 2008, đạt 7,120 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 1,609 tỷ USD, giảm 1,71%, nhập khẩu đạt 5,511 tỷ USD, giảm 25,8%.

Trước đó, năm 2008, kim ngạch mậu dịch hai nước đạt 20,188 tỷ USD, tăng 27,3% so với năm 2007, trong đó Việt Nam nhập khẩu 15,652 tỷ USD. Bên cạnh đó, thương mại biên giới Việt - Trung cũng trở thành một bộ phận quan trọng không thể tách rời và có đóng góp tích cực trong quan hệ thương mại hai nước.

Trong giai đoạn 2006 - 2008, hoạt động thương mại biên giới Việt - Trung không ngừng tăng về giá trị tuyệt đối, bình quân mỗi năm trên 40%. Năm 2008, kim ngạch xuất nhập khẩu biên mậu của 7 tỉnh có chung biên giới với Trung Quốc đạt khoảng 6,5 triệu USD, tăng trên 19% so với năm 2007, chiếm 32,24% tỷ trọng trong kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc.

Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, vấn đề nổi cộm trong quan hệ thương mại giữa hai nước là mất cân bằng cán cân thương mại. Việt Nam đang nhập siêu lớn từ Trung Quốc, giá trị nhập siêu không ngừng tăng và đặc biệt cao trong năm 2006, 2007 - mức tăng nhập siêu cao hơn cả mức tăng trưởng thương mại giữa hai nước.

Trung Quốc đã vượt qua Đài Loan và Hàn Quốc, trở thành thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất. Năm 2008, mức nhập siêu từ Trung Quốc đạt 11,11 tỷ USD, tăng 21%.

Một trong những biện pháp quan trọng để giảm bớt tình trạng nhập siêu lớn của Việt Nam từ Trung Quốc hiện nay là đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường hàng hóa xuất khẩu bị hạn chế do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay thì việc khai phá và tìm đường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam càng gặp khó khăn hơn khi Trung Quốc và các nước khác đều áp dụng biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu sang những nước láng giềng.

Đưa ra con số tốc độ Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc tăng bình quân trong giai đoạn 2006 - 2008 lên tới 32,6%/năm, ông Đào Trần Nhân, Phó vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) phân tích, cơ cấu hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thời gian qua ít có sự thay đổi. Các mặt hàng nguyên nhiên liệu (xăng dầu, hóa chất, sắt thép) vẫn chiếm tỷ trọng lớn, tiếp theo là máy móc thiết bị.

Bên cạnh đó, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cũng chưa có sự chuyển dịch tích cực, nhóm hàng nguyên nhiên liệu vẫn chiếm tỷ trọng cao, trung bình khoảng 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tiếp đó là nhóm hàng nông, lâm, thủy hải sản chiếm tỷ trọng trung bình khoảng 15%. Đây được coi là nhóm hàng có lợi thế cạnh tranh, và nhóm hàng công nghiệp (chiếm tỷ trọng khoảng 10%) đang có mức tăng trưởng cao và sẽ là động lực tăng trưởng chính của xuất khẩu Việt Nam trong tương lai.

Mỗi doanh nghiệp đều phải có chiến lược xuất khẩu

Với những con số dự kiến năm 2009, Việt Nam sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 5 tỷ USD (tăng 11% so với năm 2008) và năm 2010 khoảng 6,4 tỷ USD, ông Nguyễn Thành Biên khẳng định rằng dung lượng thị trường nhập khẩu Trung Quốc còn rất lớn (năm 2008, nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, đạt 04% trong tổng kim ngạch nhập khẩu 1.130 tỷ USD của Trung Quốc) và cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc cũng rất lớn.

Đồng quan điểm với nhận định này, nhưng đại diện của Vụ Châu Á - Thái Bình Dương chỉ rõ một số tồn tại cần khắc phục như những vướng mắc trong việc thực thi Hiệp định ACFTA, việc thực thi các Hiệp định đã ký như quy định về kiểm dịch, kiểm nghiệm động vật, thực vật... Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu còn bất hợp lý, chưa có sự chuyển dịch tích cực. Buôn bán biên giới không ổn định và thiếu lành mạnh, tình trạng buôn lậu, hàng nhái, hàng giả trên toàn tuyến biên giới vẫn diễn ra khá nhiều.

Đồng thời, công tác tổ chức thị trường xuất khẩu, biện pháp xúc tiến thương mại và hoạt động marketing của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tốt.

Theo Văn phòng Uỷ ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, thực hiện lộ trình cắt giảm thuế danh mục thông thường trong Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), 50% tổng số dòng thuế đạt 0 - 5% vào năm 2009. Điều đó tạo cơ hội cho nhiều mặt hàng của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng cao su tự nhiên, cà phê, chè, tiêu, điều, gạo, dây và cáp điện, giày dép, hải sản, dệt may, rau quả,  gỗ, nhựa, dầu động - thực vật, sắn lát, tinh bột sắn, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc...

Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khuyến cáo, điều đáng lưu ý đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam là cần nắm vững quy tắc xuất xứ mẫu E trong Hiệp định ACFTA để được hưởng ưu đãi thuế quan.

Ngoài những sản phẩm có xuất xứ thuần túy trong nước như cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng, động vật sống, sản phẩm từ động vật sống, khoáng sản, sản phẩm khai thác, đánh bắt đương nhiên được hưởng thuế ưu đãi thì những sản phẩm khác phải đảm bảo quy tắc xuất xứ với hàm lượng giá trị khu vực phải đạt 40% (Trung Quốc áp dụng quy tắc cộng gộp nguyên liệu nhập khẩu phải có tối thiểu 40% hàm lượng giá trị khu vực ACFTA).

Tận dụng những ưu đãi này để đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam nên có chiến lược sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và tìm đối tác thích hợp trong khu vực ACFTA. Hơn thế nữa, theo lộ trình cam kết, từ năm 2013, 40% tổng số dòng thuế sẽ đạt 0% và 100% tổng số dòng thuế sẽ đạt 0% vào năm 2015, linh hoạt đối với 250 dòng thuế đạt 0% vào năm 2018.