15:32 24/01/2011

Tata và dấu hỏi về phân cấp

Hoài Ngân

Nhiều câu hỏi về chính sách đang được đặt ra từ trường hợp dự án của tập đoàn Tata tại Hà Tĩnh

Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, nhu cầu về thép của Việt Nam dự báo đến năm 2015 là 15 -18 triệu tấn; đến 2020 là 20-22 triệu tấn.
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, nhu cầu về thép của Việt Nam dự báo đến năm 2015 là 15 -18 triệu tấn; đến 2020 là 20-22 triệu tấn.
Dự án khu liên hợp thép của tập đoàn Tata tại tỉnh Hà Tĩnh đang đứng trước nguy cơ trì hoãn kéo dài, vì chủ đầu tư và chính quyền địa phương vẫn chưa thống nhất được về một số vấn đề quan trọng.

Tuy nhiên, vượt ra khỏi khuôn khổ của một vụ việc cụ thể, câu chuyện của Tata đang đặt ra những dấu hỏi mới về chủ trương phân cấp.

Vướng mắc

Tuần rồi, một lãnh đạo cao cấp của Tata đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Trong chuyến thăm này, lãnh đạo Tata đã đến chúc Tết một số cơ quan chức năng, nhưng chủ yếu là để nhắc lại cam kết về việc sẽ tiếp tục theo đuổi dự án một cách nghiêm túc nhất.

Đã hơn ba năm kể từ ngày Tata ký với các đối tác trong nước, bao gồm Tổng công ty Thép Việt Nam và Tổng công ty Xi măng Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Xi măng Việt Nam) thỏa thuận về việc lập một liên doanh với tổng vốn đầu tư lên tới 5 tỷ USD để đầu tư một khu liên hợp thép tại khu công nghiệp Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.

Từ đó đến nay, kế hoạch này dường như chưa tiến triển được chút nào vì các vướng mắc trong quá trình hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư. Điển hình là việc cho tới nay, vấn đề trách nhiệm đền bù và giải phóng mặt bằng cho dự án vẫn chưa được các bên thống nhất.

Theo tính toán của Tata, để giải phóng mặt bằng 725 ha cho dự án, nhà đầu tư có thể mất tới khoảng 2.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 100 triệu USD. Với việc nắm giữ 65% cổ phần dự kiến trong liên doanh, chi phí thực tế mà Tata phải bỏ ra không hề nhỏ, trong khi các đối tác trong nước cũng khó có thể chi trả một lượng vốn lớn như vậy.

Trả lời báo chí gần đây, ông Indronil Sengupta, Giám đốc điều hành Tata khu vực Đông Nam Á đã nói rằng chi phí này sẽ “làm tăng rủi ro của dự án trong con mắt của các tổ chức tài chính”.

Trong khi đó, quan điểm của Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, cũng như của UBND tỉnh Hà Tĩnh, là nhà đầu tư sẽ phải trả toàn bộ chi phí này, coi đó như một điều kiện tiên quyết để cấp phép.

Tháng 8/2010, Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng thậm chí đã ra “tối hậu thư” cho nhà đầu tư, trong đó yêu cầu nhà đầu tư phải hoàn tất các nội dung liên quan trước ngày 31/8/2010, nếu không sẽ thu hồi 725 ha đất dự kiến dành cho dự án để bố trí cho các dự án khác.

Cho đến nay, việc thu hồi đất chưa được thực hiện và các bên liên quan vẫn đang cố gắng giải quyết các vấn đề chung, nhưng triển vọng của dự án là rất khó khăn.

Hệ lụy từ phân cấp

Nếu như trước đây, những dự án tỷ đô như trường hợp dự án của Tata sẽ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định việc cấp phép, thì từ khi có chủ trương phân cấp, các dự án như vậy có thể được quyết định bởi UBND các tỉnh thành, ban quản lý các khu công nghiệp các tỉnh thành hoặc ban quản lý khu kinh tế.

”Vấn đề” của Tata chính là ở chỗ, vào thời điểm Tata bắt đầu khởi động dự án này, tập đoàn Formosa của Đài Loan cũng tiến hành xin giấy phép cho một dự án liên hợp thép tương tự.

Trong khi Tata “loay hoay” với dự án của mình, Formosa nhanh chóng có được giấy chứng nhận đầu tư, và vào tháng 8/2008, nhà đầu tư này đã khởi công dự án. Kể từ đó đến nay, dù gặp phải một số vướng mắc nhỏ, song nhìn về tổng thể, dự án của Formosa đang được triển khai mạnh mẽ.

Điểm nhấn đáng chú ý của dự án này là vào ngày 1/10/2010, Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng đã làm thủ tục bàn giao 3.300 ha mặt bằng cho đại diện lãnh đạo tập đoàn Formosa. Theo thống kê của UBND tỉnh Hà Tĩnh, sau hơn hai năm triển khai công tác giải phóng mặt bằng cho dự án, tỉnh Hà Tĩnh “đã huy động hệ thống chính trị, đoàn thể, tổ chức di dời gần 2.500 hộ dân với hơn 10.000 người, gần 10.000 ngôi mộ, 35 nhà thờ thiên chúa giáo và nhà thờ họ, cùng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội của bốn xã: Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Lợi và Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đến năm khu tái định cư. Diện tích giải phóng mặt bằng 3.300 ha (trong đó hơn 1.300 ha mặt nước và hơn 1.900 ha đất) và giao cho nhà đầu tư. Các hộ dân di dời được đền bù, hỗ trợ tái định cư hơn 1.900 tỷ đồng và được hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm”.

Bên cạnh công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh Hà Tĩnh còn thi công hoàn thành hai hạng mục phục vụ dự án Formosa là kênh phân phối nước dài hơn 10 km và 5,2 km đường phục vụ việc chở thiết bị siêu trường, siêu trọng xây dựng cảng nước sâu Sơn Dương.

Đáng chú ý là một phần rất lớn trong chi phí nói trên đã được thực hiện bởi ngân sách nhà nước. Các quy định hiện tại nói rằng trong địa bàn các khu kinh tế, các khoản đầu tư cho hạ tầng và mặt bằng có thể được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách.

Trong khi đó, ngày 15/10/2009, tập đoàn Tata đã phải làm một việc không mong muốn là chấp nhận đề xuất điều chỉnh diện tích đất được cấp, theo đó sẽ chỉ nhận được 725 ha, giảm bớt 575 ha so với đề xuất ban đầu. Việc giảm bớt diện tích đất này, đáng chú ý, lại là do Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng đã cấp đất cho… Formosa!

Điều này đặt ra câu hỏi có hay không sự thiên vị nào đó của chính quyền địa phương với các nhà đầu tư? Hơn nữa, với các rắc rối hiện tại, câu chuyện cấp phép cho Tata cũng như mối quan hệ giữa nhà đầu tư này với chính quyền địa phương trong tương lai ra sao là câu hỏi khó trả lời.

Về phía chính quyền địa phương, rõ ràng họ cũng có cái khó của mình. Những bài học nóng hổi trong việc giải phóng mặt bằng của chính dự án của Formosa nhắc nhở các lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh rằng cần phải làm rõ ngay từ đầu về trách nhiệm của chủ đầu tư trong vấn đề giải phóng mặt bằng, công việc khiến họ đã phải "huy động hệ thống chính trị, đoàn thể" mới thực hiện nổi trong thời gian qua.

Formosa là một tập đoàn công nghiệp lớn của Đài Loan, nhưng xét riêng trong lĩnh vực thép, Formosa có quy mô khá khiêm tốn so với Tata trên bình diện toàn cầu. Ngay cả khi cả hai dự án được hoàn tất và đi vào hoạt động, những “vướng mắc” trong giai đoạn hiện nay giữa họ liệu có được dàn xếp ổn thỏa?