Tàu cá Việt Nam bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ đã giảm nhiều
Trong hai năm 2016 - 2017, cảnh sát biển Việt Nam đã tiếp nhận trên 1.000 ngư dân bị Indonesia bắt giữ về nước
Thời gian qua, tàu cá Việt Nam bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ đã giảm nhiều đối với vùng biển các nước như Indonesia, Malaysia, Philipinnes, Bộ Quốc phòng hồi âm kiến nghị của cử tri.
Gửi tâm tư đến Quốc hội, cử tri tỉnh Phú Thọ băn khoăn, lo lắng tình trạng ngư dân Việt Nam tham gia đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế của nước ta nhưng vẫn bị các tàu lạ, tàu nước ngoài đâm chìm, cản trở việc đánh bắt cá của bà con ngư dân.
Đề nghị của cử tri là Nhà nước tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ an toàn, an ninh cho ngư dân yên tâm bám biển góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của tổ quốc.
Văn bản trả lời của Bộ Quốc phòng cho biết, thời gian qua, tàu cá Việt Nam bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ đã giảm nhiều đối với vùng biển các nước như Indonesia, Malaysia, Philipinnes. Trong các tháng 10-11-12/2017 tuy vẫn diễn ra nhưng mức độ đã giảm nhiều so với trước.
Theo Bộ Quốc phòng thì sở dĩ tình trạng trên tiếp tục diễn biến phức tạp là do các nước trong khu vực còn có nhận thức khác nhau về các vùng biển. Do vậy, việc phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philipinnes, Trung Quốc... chưa được rõ ràng.
Thời gian qua, một số nước tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển nên việc cản trở tàu cá Việt Nam đánh bắt ở những vùng còn nhận thức khác nhau vẫn diễn ra.
Bên cạnh đó, vẫn còn tàu cá của Việt Nam xâm phạm, đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài, không ít trường hợp bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ và xử lý. Một số tàu cá của ngư dân Việt Nam bỏ chạy, không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng thực thi pháp luật nước ngoài dẫn đến bị truy đuổi và quá trình truy đuổi, bắt giữ có thể xảy ra va chạm.
Văn bản trả lời cho biết, trước tình hình trên, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo lực lượng hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu, hạn chế tình trạng trên.
Như, tăng cường tuần tra, kiểm soát ở những vùng biển giáp ranh, trực tại các điểm đảo để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, xử phạt vi phạm hành chính nghiêm khắc đối với chủ tàu, thuyền trưởng có hành vi đưa tàu cá ra vùng biển nước ngoài khi thác trái phép, đồng thòi hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản trên các vùng biển của Việt Nam.
Bộ Quốc phòng cũng cho biết đã phối họp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết các vụ việc ngư dân ta bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Yêu cầu các nước không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để kiểm soát, bắt giữ, xử lý tàu cá và ngư dân ta, thực hiện tốt chính sách bảo hộ ngư dân khi bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ.
Trong năm 2016 và 2017, lực lượng cảnh sát biển, Bộ Quốc phòng đã tiếp nhận trên 1.000 ngư dân bị Indonesia bắt giữ về nước (do đánh bắt trái phép trên vùng biển của nước này).
Giải pháp nữa được đề cập là thiết lập đường dây nóng giữa lực lượng cảnh sát biển với lực lượng chấp pháp các nước trong khu vực (Philippin, Malaysia, Indonexia, Trung Quốc...) để kịp thời trao đổi thông tin tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép cũng như tàu cá các nước vi phạm vùng biển Việt Nam và cứu trợ nhân đạo đối với ngư dân hoạt động trên biển.
Định kỳ hàng tháng thông qua đường dây nóng giữa cảnh sát biển Việt Nam và cảnh sát biển các nước trong khu vực tiến hành trao đổi về tình hình tàu cá vi phạm vùng biển để tuyên truyền cho ngư dân chấp hành các quy định.
Tham gia tích cực Tổ công tác 689 Trung ương, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, sử dụng đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật (qua phương tiện truyền thông đại chúng, tờ rơi, gặp trực tiếp ...) để ngư dân, chủ tàu cá hiểu và chấp hành pháp luật Việt Nam, luật pháp các nước khi khai thác hải sản trên biên. Hướng dân ngư dân xử lý các tình huông khi bị nước ngoài bắt giữ, kiểm soát.
Qua đây, Bộ Quốc phòng kiến nghị Ban Dân nguyện (Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) kiến nghị chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, giải thích để ngư dân yên tâm hoạt động khai thác hải sản trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để khẳng định và tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia, xây dựng thế trận quốc phòng an ninh trên biển.
Đồng thời, không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép, giữ hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam trong mắt bè bạn quốc tế. Kịp thời thông báo với cơ quan chức năng những hành vi vi phạm pháp luật trên biển để kịp thời xử lý.