Jack Ma đang tìm đường rút khỏi Ant Group?
Việc Jack Ma rút cổ phần và từ bỏ quyền kiểm soát Ant Group có thể giúp mở đường cho công ty này cải tổ và tái khởi động kế hoạch IPO
Theo nguồn tin từ Reuters, Ant Group, công ty tài chính liên kết của tập đoàn Alibaba, đang cân nhắc các lựa chọn để người sáng lập Jack Ma bán cổ phần và từ bỏ quyền kiểm soát tại công ty.
Việc này diễn ra trong bối cảnh Ant Group rơi vào "tầm ngắm" trong chiến dịch siết quản lý đối với các hãng công nghệ của chính phủ Trung Quốc.
Trước đó, Reuters cũng đưa tin chi tiết về các cuộc họp mới nhất và những cuộc thảo luận về quyền kiểm soát của Jack Ma tại Ant - hiện được thực hiện thông qua một cấu trúc đầu tư phức tạp.
Trong khoảng thời gian từ tháng 1-3 năm nay, đại diện Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) đã có các cuộc gặp riêng với Jack Ma và Ant để thảo luận về khả năng ra đi của nhà sáng lập tỷ phú, nguồn tin từ cả hai cơ quan trên và nguồn thân cận với Ant cho biết.
Theo một nguồn tin ở trên, số cổ phần của tỷ phú 56 tuổi tại Ant Group, hiện trị giá hàng tỷ USD, có thể được bán cho các cổ đông hiện hữu của Ant hoặc tập đoàn Alibaba mà không liên quan tới bất kỳ thực thể nào bên ngoài.
Tuy nhiên, một nguồn tin khác tại Ant cho biết nhà chức trách yêu cầu Jack Ma phải thoái vốn hoàn toàn và không được bán cổ phần cho bất kỳ thực thể hoặc cá nhân nào thân cận với ông. Một lựa chọn khác là chuyển nhượng cổ phần của ông cho một nhà đầu tư liên kết với một công ty quốc doanh, nguồn tin cho biết. Tất cả các lựa chọn này đều cần phải được nhà chức trách thông qua.
Theo các nguồn tin, việc Jack Ma rút khỏi có thể giúp dọn đường cho kế hoạch IPO của công ty. Kế hoạch này đã bị các cơ quan quản lý đình chỉ sau bài phát biểu chỉ trích cách quản lý hệ thống tài chính Trung Quốc của Jack Ma. IPO này trước đó dự kiến huy động tới 37 tỷ USD và là vụ niêm yết lớn thứ hai trong lịch sử.
Kể từ sau khi đình chỉ IPO của Ant, Bắc Kinh khởi động hàng loạt cuộc điều tra và ban hành các quy định mới, không chỉ siết quản lý với đế chế của Jack Ma mà toàn ngành công nghệ.
Đối với Jack Ma, người từng được mệnh danh là người dùng tại Trung Quốc, hậu quả của việc này tương đối nghiêm trọng. Tỷ phú này biến mất khỏi truyền thông trong vòng 3 tháng và gần như không có hoạt động công khai nào sau lần xuất hiện chóng vánh hồi tháng 1.
Ngày 10/4, cơ quan chống độc quyền Trung Quốc ra án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD đối với Alibaba với cáo buộc công ty này lợi dụng vị thế thống trị để kinh donah độc quyền trong lĩnh vực thương mại diện tử. Vài ngày sau đó, Ant Group nhận thông báo từ ngân hàng trung ương, trong đó yêu cầu công ty này tái cấu trúc để trở thành một công ty cổ phần tài chính và phải tuân thủ các quy tắc của ngành ngân hàng - điều mà Ant cố gắng tránh từ trước tới nay và cũng là nhân tố giúp công ty này tăng trưởng nhanh chóng thời gian qua.
"Bắc Kinh sẽ vẫn muốn thúc đẩy các hãng công nghệ trong nước trở thành những công ty hàng đầu thế giới miễn là những công ty này không phát triển quá lớn và ra khỏi tầm kiểm soát của chính phủ", Andrew Collier, giám đốc điều hnafh của hãng Orient Capital Research, nhận định.
Dù đã rút khỏi các vị trí điều hành, Jack Ma vẫn nắm quyền kiểm soát tại Ant và có tầm ảnh hưởng đáng kể tại Alibaba. Dù chỉ nắm giữ 10% cổ phần Ant, ông kiểm soát công ty này thông qua các thực thể liên quan, theo cáo bạch IPO của Ant.
Công ty đầu tư của Jack Ma, Hangzhou Yunbo, hiện nắm quyền kiểm soát tại 2 thực thể đang nắm giữ 50,5% cổ phần Ant. Yunbo có quyền quyết định tất cả các vấn đề liên quan tới Ant. Theo nguồn tin trên, Jack Ma "khả năng cao" sẽ bán cổ phần của ông tại Yunbo để rút khỏi Ant.
Tuy nhiên, Ant phủ nhận các thông tin trên. "Việc thoái vốn cổ phần của Jack Ma tại Ant Group chưa bao giờ được đưa ra thảo luận", người phát ngôn của công ty cho biết trong một thông cáo.