15:45 15/03/2021

Jack Ma "ngã ngựa", Elon Musk thành "siêu anh hùng" với người Trung Quốc

Ngọc Trang

Trong khi các thần tượng công nghệ đình đám một thời tại Trung Quốc như Jack Ma "ngã ngựa", Elon Musk đang nổi lên như một "siêu anh hùng" khiến người dân nước này phát cuồng

Elon Musk nhận được sự quan tâm và ủng hộ lớn của người dân Trung Quốc - Ảnh: NYTimes.
Elon Musk nhận được sự quan tâm và ủng hộ lớn của người dân Trung Quốc - Ảnh: NYTimes.

Tại Trung Quốc, các công ty Internet khổng lồ của nước này, từng được tôn vinh là động lực của nền kinh tế, giờ đây bị chỉ trích vì khai thác dữ liệu người dùng, bóc lột nhân viên và bóp nghẹt sự đổi mới. 

Gần đây nhất, Jack Ma, người đồng sáng lập hãng thương mại điện tử khổng lồ Alibaba, trở thành "thần tượng ngã ngựa" khi công ty của ông chịu sự giám sát nghiêm ngặt của cơ quan quản lý với nghi vấn độc quyền tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 

Theo tờ New York Times, giữa thời điểm đó, với cá tính mạnh mẽ và nhiều khi lập dị, Elon Musk, CEO của hãng xe điện Tesla xuất hiện và nhận được sự ủng hộ lớn của người dân Trung Quốc, trở thành nhân vật đại diện cho ước mơ của họ.

"PHÁT CUỒNG" VỚI ELON MUSK

"Ông ấy có thể qua mặt các tên tuổi lớn và trở thành người giàu nhất thành tinh, và không bị đánh bại trong quá trình đó", Jane Zhang, người sáng lập, CEO của công ty chuỗi khối ShellPay tại Thượng Hải, nhận xét. "Ông ấy là niềm hy vọng của tất cả mọi người". 

Người Trung Quốc dường như "phát cuồng" với Elon Musk. Xe điện của Tesla trở thành nhãn xe bán chạy hàng đầu tại Trung Quốc. Mỗi vụ phòng tên lửa của SpaceX - startup vũ trụ của Elon Musk - nhận được quan tâm theo dõi của lực lượng "người hâm mộ" đông đảo. 

Các nền tảng mạng xã hội ngập tràn các video và bài báo về hành trình làm giàu của tỷ phú gốc Nam Phi, tìm hiểu mọi thứ từ quá trình lớn lên cho tới khẩu vị lẩu của ông. 

Các nhà sáng lập startup thì thuộc nằm lòng "tư duy dựa trên nguyên tắc đầu tiên" của Elon Musk, tìm kiếm giải pháp bằng cách xem xét các vấn đề ở mức độ căn bản nhất. 

Các kệ sách tại Trung Quốc cũng chật ních những cuốn sách của các tác giả Trung Quốc nói về bí quyết của "Người Sắt phố Wall" - biệt danh người Trung Quốc đặt cho Elon Musk. 

Trên một diễn đàn nói về Elon Musk trên nền tảng hỏi đáp Zhihu, một người dùng có tên Moonshake đã viết rằng hầu hết mọi người đều khởi đầu với đầy niềm hy vọng nhưng rồi dần chấp nhận số phận "tầm thường". 

"Chỉ một siêu anh hùng như Elon Musk với có thể vượt qua được sự tầm thường vô hạn để thấy sự vĩ đại của vũ trụ", Moonshake viết. 

Một người dùng khác trên diễn đàn này cho biết đã tên con trai mình là Elon để bày tỏ sự ngưỡng mộ với tỷ phú người Mỹ.

Vì sao Elon Musk được xem là "siêu anh hùng" của người Trung Quốc? - Ảnh 1.

Elon Musk tại sự kiện bàn giao những chiếc Tesla Model 3 đầu tiên được sản xuất tại nhà máy Tesla ở Thượng Hải vào tháng 1/2020 - Ảnh: AP

Năm 2019, nhà máy khổng lồ của Tesla ở Thượng Hải khởi động dây chuyền và giúp năng cao năng lực sản xuất của công ty. Nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc cho rằng điều này giúp cổ phiếu Tesla lập kỷ lục hồi tháng 1 và đưa Musk thành người giàu nhất thế giới. Do đó, mọi phản ứng của Musk với các thông tin trên mạng xã hội nhận được hàng chục nghìn lượt thích trên nền tảng Weibo. 

Tháng sau đó, khi Elon Musk bày tỏ quan điểm ủng hộ việc mua cổ phiếu GameStop, nhiều người Trung Quốc đã hưởng ứng theo và thể hiện hoài nghi với những tổ chức tài chính lớn. 

"Làn sóng biểu tình Chiếm lấy phố Wall không thể diễn ra ở Trung Quốc", Suji Yan, một nhà đầu tư ở Thượng Hải, nhận xét. "Mua các cổ phiếu gây tranh cãi được Musk ủng hộ còn an toàn hơn là ra đường biểu tình". 

Tại Trung Quốc, Elon Musk nhận được sự hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc. Tesla là nhà sản xuất ôtô nước ngoài đầu tiên được phép mở nhà máy mà không cần liên doanh với một đối tác nội địa. Người Trung Quốc cũng ngạc nhiên trước cách Musk ứng phó với các nhà chức trách cứng rắn của nước này.

SỰ BẤT MÃN VỚI CÁC HÃNG CÔNG NGHỆ TRONG NƯỚC

Sự bất mãn của nhiều lao động trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc ngày càng nặng nề khi họ nhận thấy rằng các công ty trong nước không còn thực sự sáng tạo hay đổi mới. Trong khi Elon Musk chế tạo ra những mẫu xe tương lai, chinh phục không gian, thì các nhân tài công nghệ Trung Quốc vẫn lao đầu vào thiết kế game cho điện thoại di động, tìm cách chèn nhiều quảng cáo hơn trên mạng xã hội và đầu cơ bất động sản. 

"Trung Quốc giờ đây không còn những 'gã điên' như ở Thung lũng Silicon nữa", Yan nhận xét. "Các nhà lãnh đạo công nghệ giờ đây chỉ còn là cái bóng của chính mình. Và giới đầu tư cũng không dám lại gần những ý tưởng điên rồ nữa".  

Sự tức giận với các tập đoàn công nghệ trong nước là một phần trong tâm lý bất mãn của nhiều người trẻ Trung Quốc. Với họ, nền kinh tế phát triển chóng mặt trong nhiều thập kỷ đã khiến thị trường việc làm trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn, đi liền với đó là cuộc sống kém ổn định và khó đi theo con đường mình chọn.

"Người trẻ cảm thấy họ phải đấu tranh quyết liệt hơn để giành được cơ hội mong manh để cải thiện cuộc sống. Vì vậy, họ hy vọng có thể thay đổi cuộc đời theo cách khác", Biao Xiang, giám đốc Viện Nhân học Xã hội Max Planck tại Đức, nhận xét. 

Không chỉ phê phán văn hóa làm việc áp lực cao và lạm dụng lao động, người trẻ Trung Quốc còn tỏ ra hoài nghi về sức ảnh hưởng lớn của các gã khổng lồ Internet như Alibaba với hoạt động thương mại và tài chính. Tuy vậy, giáo sư Xiang cho rằng người Trung Quốc không công kích những doanh nghiệp mang tới tiến bộ công nghệ hữu hình. Đó là lý do Elon Musk duy trì sức hút tại quốc gia này.  

"Họ không bài xích công nghệ mà có phản đối sự thao túng các mối quan hệ xã hội dưới dạng các nền tảng công nghệ", ông Xiang nhận định.

Trung Quốc không thiếu những ông trùm công nghệ thẳng thắn. Vấn đề là sự nghiệp của họ dường như không thể tiến xa mà thường sớm gặp trục trặc.

Điển hình là trường hợp của Justin Sun, nhà đầu tư tiền ảo từng chi 4,6 triệu USD để dùng bữa tối với Warren Buffet. Sun sau đó đã phải xin lỗi vì "quảng cáo quá mức về bản thân". Hay như trường hợp Jia Yueting, người từng tuyên bố muốn vượt Apple trong lĩnh vực smartphone, nhưng sớm chìm trong nợ nần. Thậm chí Jack Ma cũng bị "vạ miệng", khiến đế chế Alibaba của ông rơi vào "tầm ngắm" của các nhà chức trách.  

Tuy nhiên, Elon Musk lại không gặp rắc rối với phong cách mạnh miệng bởi điều ông quan tâm là giải quyết các vấn đề lớn cho người dân, như năng lượng bền vững. Người dân Trung Quốc đã chứng kiến công nghệ mới giúp cải thiện cuộc sống của họ. Do đó, họ ít hoài nghi hơn về tương lai xa so với người dân phương Tây. 

"Người trẻ Trung Quốc giờ đây xem Jack Ma và Pony Ma - người sáng lập hãng công nghệ Tencent - là những doanh nhân giàu có và thành công. Trong khi đó, họ xem Elon Musk là nhân vật đi tiên phong với tầm nhìn xa", Flex Yang, người đồng sáng lập công ty dịch vụ tài chính tiền ảo Hồng Kông Babel Finance, cho biết. "Họ cho rằng Jack Ma và Pony Ma chỉ là những người xuất hiện đúng chỗ đúng thời điểm". 

Vì sao Elon Musk được xem là "siêu anh hùng" của người Trung Quốc? - Ảnh 2.

Elon Musk và Jack Ma cùng tham gia một sự kiện công nghệ tại Thượng Hải năm 2019 - Ảnh: AP

Jack Ma và Musk từng cùng tham gia một hội nghị về công nghệ tại Thượng Hải vào năm 2019 và cho thấy sự khác biệt hoàn toàn. Trong khi Jack Ma tỏ ra nghiêm trang và tập trung vai trò người điều hành cuộc thảo luận, Musk lại bồn chồn và hay đùa. Khi Jack Ma nói rằng "giáo dục tốt là câu trả lời cho những cỗ máy siêu thông minh", Musk chỉ cười đáp lại. 

Sau đó, video tổng hợp khó xử của Elon Musk tại sự kiện này trên nền tảng Bilibili thu hút sự chú ý lớn. Tuy nhiên, phần lớn bình luận lại chỉ trích Jack Ma. 

"Ông ta (Jack Ma) từng được người dân Trung Quốc xem như một vị thánh. Nhưng trước một bậc thầy thực sự, ông ta như đang làm trò hề", một người dùng bình luận.