08:54 07/12/2022

Tencent đặt cược vào điện toán đám mây khi tăng trưởng ngành trò chơi điện tử chững lại

Bảo Ngọc

Tencent cho biết sẽ tung ra các sản phẩm điện toán đám mây nhắm đến thị trường nước ngoài trong công cuộc tìm kiếm con đường tăng trưởng mới khi doanh thu trò chơi điện tử trực tuyến đang chững lại...

Tencent đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong năm 2022 từ dịch Covid đến các chính sách thắt chặt hơn với trò chơi điện tử. Ảnh: Reuters
Tencent đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong năm 2022 từ dịch Covid đến các chính sách thắt chặt hơn với trò chơi điện tử. Ảnh: Reuters

Mới đây, Tencent đã tổ chức sự kiện ra mắt các sản phẩm đám mây đặc biệt nhắm vào thị trường bên ngoài Trung Quốc bao gồm một bộ sản phẩm âm thanh và video dựa trên đám mây, theo CNBC.

Động thái này cho thấy, đại gia công nghệ Trung Quốc cần tìm kiếm các nguồn tăng trưởng mới ở nước ngoài khi nền kinh tế nước này đang có dấu hiệu chậm lại. Bên cạnh áp lực liên tục từ nhiều đợt bùng phát dịch Covid, các công ty công nghệ Trung Quốc cũng phải đối mặt với những quy định pháp lý khó khăn, khắc nghiệt hơn trong nước.

Đặc biệt, Tencent đã phải chịu nhiều ảnh hưởng từ các quy định chặt chẽ đối với lĩnh vực trò chơi điện tử trực tuyến. Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra quy định hạn chế thời gian chơi game trực tuyến cho những người dưới 18 tuổi xuống còn tối đa 3 giờ/ tuần. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng đóng băng phê duyệt trò chơi trong vài tháng, khiến Tencent và một số đối thủ, điển hình là NetEase, không thể ra mắt và kiếm tiền từ các tựa game mới.

Theo báo cáo gần đây, doanh thu trò chơi trực tuyến trong nước của Tencent đã giảm 7% trong quý III so với cùng kỳ năm trước. Động lực thúc đẩy doanh thu lớn thứ hai của Tencent là trò chơi trực tuyến, vì vậy sự chậm lại ở mảng này sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến tăng trưởng chung của công ty.

Đặt trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc), Tencent coi điện toán đám mây là một lĩnh vực có thể giải quyết được vấn đề còn tồn đọng. Bộ phận công nghệ tài chính, dịch vụ kinh doanh và điện toán đám mây của Tencent đã tăng trưởng 4% trong quý III năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc không chỉ tìm đến các thị trường kinh doanh mới để tăng trưởng, mà còn đang tìm kiếm các nguồn doanh thu khác từ nước ngoài. Chẳng hạn như Alibaba đã sử dụng thương hiệu AliExpress và Lazada của hãng để mở rộng quy mô ra nước ngoài, trong khi Tencent đã tìm thấy thành công lớn với các trò chơi trực tuyến phiên bản quốc tế.

Giờ đây, Tencent đang chú trọng quảng bá các sản phẩm và dịch vụ điện toán đám mây. Hãng tập trung vào các sản phẩm âm thanh và hình ảnh như phát trực tiếp (livestream) cho các trang thương mại điện tử hoặc các cuộc họp trực tuyến. Đối tượng khách hàng được nhắm đến là những công ty muốn sở hữu các dịch vụ công nghệ trên mà không có đủ điều kiện duy trì cơ sở hạ tầng, máy chủ hoặc tự xây dựng các tính năng đó.

Chiến lược của Tencent là cố gắng tiếp cận các công ty toàn cầu có sự hiện diện tại Trung Quốc cũng như các công ty Trung Quốc có cơ sở làm việc tại nước ngoài. Hiện tại, nhiều tập đoàn lớn như BMW đã sử dụng một số sản phẩm đám mây của Tencent.

Tuy nhiên, khi các công ty công nghệ Trung Quốc mở rộng ra nước ngoài, họ sẽ phải tham gia vào một thị trường điện toán đám mây khốc liệt do Amazon và Microsoft đến từ Hoa Kỳ thống trị.

Kế hoạch “vươn ra biển lớn” của Tencent với điện toán đám mây là tương đối muộn so với đối thủ Alibaba, công ty đã mở rộng thị trường ra bên ngoài Trung Quốc trong vài năm qua. Giờ đây, Alibaba đang lọt top 5 nhà sản xuất dịch vụ điện toán đám mây lớn nhất thế giới.

Tencent tập trung vào các sản phẩm âm thanh và video để phát huy thế mạnh của mình với tư cách là một trong những công ty trò chơi lớn nhất thế giới và là chủ sở hữu của WeChat, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Trung Quốc với hơn 1 tỷ người dùng.