16:16 25/09/2024

Thách thức đưa sản phẩm từ phòng thí nghiệm ra thị trường

Bảo Bình

Việc đưa một sản phẩm từ phòng thí nghiệm ra thị trường luôn là thử thách lớn đối với các dự án nghiên cứu…

 Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc Hệ thống Doanh nghiệp BK Holdings
Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc Hệ thống Doanh nghiệp BK Holdings

Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc BK Holdings, cho biết cách đây 15 năm, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã tiên phong thực hiện một đề án đột phá.

“Nhận thấy các trường đại học hàng đầu về khoa học công nghệ trên thế giới, ví dụ như MIT ở Mỹ hay NUS ở Singapore đều có nguồn lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) và đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường, chúng tôi đã nghiên cứu, học hỏi mô hình trên toàn cầu và điều chỉnh cho phù hợp với thị trường Việt Nam để xây dựng nên BK Holdings", ông Dũng cho biết.

THÚC ĐẨY QUÁ TRÌNH THƯƠNG MẠI HÓA CÁC KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Trên thực tế, mô hình này không phải là mới trên thế giới, nhưng đây lại là mô hình doanh nghiệp trong trường đại học đầu tiên tại Việt Nam. “Rất may mắn, sau 15 năm, đến nay, chúng tôi vẫn tồn tại và phát triển, giữ vững tinh thần khởi điểm ban đầu”.

Phát biểu tại sự kiện “Lab2Market Demo Day 2024” đánh dấu hành trình 4 năm của chương trình Lab2Market trong việc ươm tạo và đầu tư cùng các dự án nghiên cứu, Tổng Giám đốc BK Holdings cho biết: “Chúng tôi mong muốn trở thành cầu nối giữa giới học thuật, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học với doanh nghiệp và ngành công nghiệp”.

Theo đó, ông Dũng cho biết sự ra đời của chương trình Lab2Market là một trong những chương trình then chốt của BK Holdings để thúc đẩy quá trình thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. 

“Khi cùng các đối tác quốc tế thiết kế chương trình này, chúng tôi luôn trăn trở về một vấn đề mà có lẽ mọi người đã nghe rất nhiều. Đó là làm sao để đưa các kết quả nghiên cứu từ trong ngăn kéo trở thành những sản phẩm, dịch vụ có giá trị, đóng góp thiết thực cho cộng đồng”.

Lab2Market là chương trình ươm tạo trọng điểm đầu tiên tại Việt Nam, nhằm thương mại hóa các sáng chế, kết quả nghiên cứu khoa học tiên phong trong trường đại học Việt Nam theo chuẩn quốc tế. 

Được khởi động từ năm 2021, Lab2Market đã và đang đồng hành cùng 24 dự án nghiên cứu ở cả trong nước và nước ngoài, hỗ trợ đưa các sáng chế ra thị trường qua các hoạt động tiền ươm tạo, ươm tạo chuyên sâu và đồng hành cùng dự án như một đội ngũ chuyên nghiệp. Thạc sĩ Jen Vũ Hường, Giám đốc Chương trình ươm tạo BK Holdings, cho biết 24 dự án nghiên cứu này được chọn lọc từ hơn 100 dự án đến từ hơn 20 trường đại học trọng điểm trong nước và nước ngoài.

“Lab2Market không chỉ tập trung vào việc đưa sáng chế ra thị trường mà còn giúp trí tuệ Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy sáng tạo toàn cầu”, Thạc sĩ Jen Vũ Hường nói. Điều này được hiện thực hóa thông qua việc áp dụng khung phương pháp luận và bộ công cụ đánh giá được xây dựng với sự đồng hành của chuyên gia nước ngoài.

Với góc nhìn của một nhà đầu tư, ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc Quỹ BK Fund, đã đưa ra những chia sẻ về khung phương pháp luận và bộ công cụ đánh giá tiềm năng thương mại hóa Lab2Market sử dụng để đồng hành cùng các dự án nghiên cứu từ giai đoạn sớm, giai đoạn phát triển sản phẩm thương mại cho đến giai đoạn mở rộng phát triển và nhận đầu tư. Khung phương pháp luận này được đóng gói và hoàn thiện với sự đồng hành của chuyên gia Frederic Robinson - Chuyên gia được kết nối từ Swiss EP.

CÁC DỰ ÁN NGHIÊN CỨU CẦN TĂNG TÍNH THỊ TRƯỜNG, TẬP TRUNG VÀO YẾU TỐ “MARKET” 

Chia sẻ về hành trình đồng hành cùng Lab2Market của dự án nghiên cứu, TS. Võ Gia Lộc, nhà sáng lập/Giám đốc Apicoo Robotics (dự án ươm tạo Lab2Market mùa 2) cho biết Lab2Market “đang làm những việc rất khó”, nhưng cũng đồng thời khẳng định rằng năng lực và tiềm năng của các dự án nghiên cứu là rất lớn. Vì vậy, ông Lộc cho rằng các dự án cần tăng tính thị trường trong hành trình của mình, tăng tập trung vào yếu tố “market” song song với việc phát triển sản phẩm trong phòng nghiên cứu. 

Là một trong ba dự án tham gia chương trình tiền ươm tạo “Lab2Market Foundation” 2024, PGS. TS. Lê Thanh Hà cho biết BLife phát triển và cung cấp giải pháp công nghệ thông minh hỗ trợ nhằm giúp người khiếm khuyết khả năng giao tiếp (tổn thương vận động, rối loạn phát triển, …) trong sinh hoạt và làm việc. 

PGS. TS. Lê Thanh Hà cho biết BLife phát triển và cung cấp giải pháp công nghệ thông minh hỗ trợ nhằm giúp người khiếm khuyết khả năng giao tiếp
PGS. TS. Lê Thanh Hà cho biết BLife phát triển và cung cấp giải pháp công nghệ thông minh hỗ trợ nhằm giúp người khiếm khuyết khả năng giao tiếp

Cụ thể, dự án BLife cung cấp thiết bị xây dựng trên nền tảng tương tác người-máy thông minh và trí tuệ nhân tạo nhằm hỗ trợ người bị liệt hoàn toàn giao tiếp với những người xung quanh thông qua ánh mắt. Dự án đã nhận được tài trợ từ Quỹ đổi mới sáng tạo VinGroup (VinIF), Quỹ Phát triển khoa học công nghệ ĐHQG HN và hiện có 20 khách hàng đã/đang sử dụng.

Các chuyên gia, cố vấn, huấn luyện viên và nhà đầu tư tham gia sự kiện đánh giá cao tính nhân văn của dự án BLife, nhưng để thúc đẩy thương mại hóa mạnh mẽ, dự án cần chú trọng đến việc xây dựng mô hình kinh doanh, chứng minh được lợi nhuận và tiềm năng tăng trưởng để thu hút đầu tư. 

Trong thời gian tới, để hỗ trợ các dự án nghiên cứu thương mại hóa sản phẩm hiệu quả, Lab2Market cần sự “chung tay” và đồng hành của “3 nhà” - Nhà Trường, Doanh nghiệp, và Chính phủ.