16:52 05/06/2018

Thái Lan muốn mở quỹ hạ tầng khu vực để giảm phụ thuộc vốn Trung Quốc

Thăng Điệp

Thái Lan muốn cùng Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar mở một quỹ phát triển hạ tầng khu vực

Thủ tướng Thái Lan Prayuh Chan-ocha.
Thủ tướng Thái Lan Prayuh Chan-ocha.

Thái Lan đang dẫn đầu nỗ lực mở một quỹ phát triển hạ tầng khu vực cùng với các nước láng giềng gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Theo tờ Nikkei Investment Review, kế hoạch mở quỹ trên dự kiến sẽ được Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha trình bày với lãnh đạo 4 nước còn lại trong cuộc gặp tại Thái Lan vào ngày 16/6. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh của Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS), một tổ chức do Thái Lan khởi xướng vào năm 2003.

Ông Arthayudh Srisamoot, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan, nói với Nikkei rằng quỹ trên dự kiến sẽ đi vào hoạt động trước 2019. Để thúc đẩy kế hoạch và đưa quỹ vào vận hành sớm nhất có thể, Thái Lan sẽ đóng góp một số tiền ban đầu "tương đối", có thể là nhiều triệu USD - ông Arthayudh cho hay.

Dù chi tiết còn chưa được thảo luận, các nước thành viên dự kiến sẽ kiểm soát quỹ bằng cách thành lập một ban thủ quỹ hoặc quản lý chung.

Ý tưởng về một quỹ hạ tầng khu vực đã từng được đưa ra nhiều lần ở Đông Nam Á, nhưng chưa đạt được nhiều bước tiến do sự khác biệt lợi ích và trình độ phát triển khác nhau giữa các nước.

Hiện nay, các nước Đông Nam Á nhận nguồn vốn bên ngoài chủ yếu thông qua các thỏa thuận song phương với các quốc gia, tổ chức bên ngoài khu vực hoặc các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Dù Nhật Bản và các nước phương Tây từ lâu là các nhà đầu tư hạ tầng và phát triển chính ở Đông Nam Á, Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh sự hiện diện trong khu vực, đặc biệt thông qua các dự án hạ tầng trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường. Thông qua một khuôn khổ đa phương giữa Trung Quốc và 5 nước Mekong, Bắc Kinh đã hứa cho vay hơn 10 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 1,5 tỷ USD, vốn ưu đãi.

Tuy nhiên, vốn từ Trung Quốc cũng đi kèm một số điều kiện. Chẳng hạn, ở Lào, để có những dự án lớn như đập thủy điện, đường cao tốc và đường sắt xây bằng vốn Trung Quốc, nước này phải cung cấp đất và trao quyền phát triển cho phía Trung Quốc.

"Dù hoan nghênh vốn từ một số quốc gia, nhiều nước trong khu vực muốn giữ cân bằng, không muốn phụ thuộc quá nhiều vào một nước", ông Arthayudh nói. "Sẽ tốt hơn nếu có sự hiểu biết hoặc chiến lược chung giữa các nước ACMECS trước khi tìm đến các quốc gia khác như Trung Quốc để tìm kiếm sự hỗ trợ", ông Arthayudh phát biểu.

Dự kiến, quỹ hạ tầng của 5 nước trong ACMECS sẽ được sử dụng cho các dự án trong khuôn khổ kế hoạch tổng thể 2019-2023 của ACMES dự kiến được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh ngày 16/6. Kế hoạch này chủ yếu tập trung vào tăng cường kết nối giữa 5 nước bằng cách nâng cấp các hành lang kinh tế Đông-Tây và Nam-Bắc. Các quy định về thương mại và hậu cần sẽ được điều chỉnh hài hòa và cơ sở hạ tầng sẽ được cải thiện. 5 nước cũng sẽ cùng nhau phát triển các nền tảng công nghệ thông tin, có thể với ngân sách từ quỹ sắp mở.

Giáo sư Prapath Thepchatree thuộc Đại học Thammasat của Thái Lan nói rằng mở một quỹ khu vực là cách tốt để giảm bớt ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở ASEAN. Tuy nhiên, ông Prapath chỉ ra rằng nguồn vốn cho quỹ này sẽ là một vấn đề lớn.

"Chỉ có một vài nước ASEAN đủ giàu để đóng góp một khoản lớn, chẳng hạn như Singapore. Ngay cả Thái Lan và Malaysia cũng chưa thực sự đủ sức", vị giáo sư nói.