08:28 18/03/2011

Thảm họa hạt nhân vừa dịu, sóng gió vùng dầu lại nổi

Diệp Anh

Giá dầu thô quốc tế hôm 17/3 đã tăng vọt trở lại, khi tình hình căng thẳng tại các quốc gia dầu mỏ có chiều hướng tăng lên

Căng thẳng tại Trung Đông và Bắc Phi lại leo thang - Ảnh: Getty.
Căng thẳng tại Trung Đông và Bắc Phi lại leo thang - Ảnh: Getty.
Khi nguy cơ phóng xạ tại Nhật Bản vừa được xoa dịu phần nào, thì sóng gió tại các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi lại nóng trở lại trên danh mục tin tức thời sự quốc tế.

Theo báo chí quốc tế, nếu vùng cấm bay có hiệu lực, Pháp, Anh, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) có thể không kích Libya vào hôm nay (18/3). Sáng sớm nay, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhóm họp bỏ phiếu thông qua nghị quyết về vùng cấm bay này.

Hãng tin BBC dẫn một nguồn tin cấp cao từ chính phủ tiết lộ, “quân đội Anh có thể can thiệp quân sự vào Libya vào hôm nay, nếu nghị quyết được Liên hợp quốc thông qua”. Hôm qua, Ngoại trưởng Pháp đã tới tới New York để thảo luận các biện pháp gây áp lực đối với nhà lãnh đạo Libya Gaddafi.

Trong khi đó, tại Lybia, quân đội chính phủ hôm 17/3 đã giành quyền kiểm soát thành phố Ajdabiya, nơi được coi là lá chắn cuối cùng bảo vệ đại bản doanh của lực lượng nổi dậy ở Benghazi, đồng thời là cửa ngõ đến thành phổ cảng dầu mỏ Tobruk.

Một thủ lĩnh của phe nổi dậy thừa nhận đã mất quyền kiểm soát thành phố Ajdabiya, hầu hết các tay súng đã tháo chạy khỏi thành phố và một số người khác đã giao nộp vũ khí. Tuy nhiên, một số tay súng không chấp nhận đầu hàng tìm cách phản công quân đội chính phủ.

Binh sĩ chính phủ xác nhận với giới báo chí họ đã đụng độ với các tay súng nổi dậy tại một số điểm gần Ajdabiya. Song song với chiến dịch này, quân đội chính phủ cũng đang triển khai xe tăng và nã đạn pháo vào thành phố Misrata ở phía tây, cách thủ đô Tripoli 200km về phía Đông.

Phát biểu trên kênh truyền hình Euronews có trụ sở tại Pháp, Saif al-Islam, con trai nhà lãnh đạo Libya Gaddafi, cho biết quân đội đang ở gần thành phố Benghazi - thành lũy của quân nổi dậy, và "mọi chuyện sẽ chấm dứt trong vòng 48 giờ tới". Các tổ chức nhân đạo nước ngoài đang hoạt động tại thành phố này đã thông báo sơ tán nhân viên.

Cũng trong ngày 17/3, chính quyền Bahrain đã bắt giữ ít nhất sáu thủ lĩnh đối lập, trong đó có ông Hassan Mushaima, thủ lĩnh phong trào Haq cứng rắn, và ông Abdel Hussein của lực lượng Wafa. Đây là những người đi đầu trong việc kêu gọi chấm dứt nền quân chủ tại quốc gia Vùng Vịnh này.

Các vụ bắt giữ diễn ra một ngày sau khi xảy ra giao tranh giữa lực lượng an ninh chính phủ và những người biểu tình Hồi giáo dòng Shiite, khiến ít nhất năm người thiệt mạng và nhiều người bị thương, làm dấy lên những lo ngại về xung đột leo thang trong khu vực.

Tuy vậy, các đường phố tại Bahrain đã trở lại yên tĩnh sau khi lực lượng an ninh sử dụng xe tăng và máy bay để giải tán người biểu tình. Chính phủ đã ban bố lệnh giới nghiêm tại một số khu vực ở thủ đô Manama. Quân đội không còn có mặt trên đường dẫn đến sân bay, ngoại trừ một số trạm kiểm soát của cảnh sát.

Trước đó, khi bạo lực leo thang tại quốc gia này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện cho Quốc vương Saudi Arabia và Quốc vương Bahrain bày tỏ quan ngại sâu sắc, đồng thời kêu gọi "kiềm chế tối đa" để chấm dứt bạo lực. Thủ tướng Anh cũng có cuộc điện đàm với Quốc vướng Bahrain để bày tỏ sự quan ngại về căng thẳng tại đây.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS hôm 16/3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton cho rằng, việc các quốc gia vùng Vịnh triển khai quân đến Bahrain là đi "sai đường." Theo bà Hillary, Mỹ đã nêu rõ với GCC rằng "không có giải pháp an ninh cho vấn đề này mà phải giải quyết thông qua thương lượng".

Những sóng gió đang tiếp diễn trên chính trường các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi đã khiến thị trường dầu hôm 17/3 biến động mạnh trở lại. Dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 5 tăng gần 4% lên 115 USD/thùng. Dầu thô ngọt nhẹ tăng lên 101,42 USD/thùng. Tuy nhiên, mức giao dịch của cả hai loại dầu này đều ở mức thấp.

Tại Nhật Bản, theo tin từ Công ty điện lực Tokyo, việc dùng trực thăng phun nước đã ít nhiều làm mát được nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Còn thông báo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), tình hình tại 3 lò phản ứng trong 24 giờ qua khá ổn định.

Sáng qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định bơm thêm 5.000 tỷ Yên (63 tỷ USD) vào hệ thống tài chính, nâng tổng số tiền mà ngân hàng này đưa vào thị trường từ đầu tuần tới nay nhằm giảm bớt căng thẳng lên tới 33.000 tỷ Yên (421 tỷ USD). Đây là ngày thứ 4 liên tiếp, BOJ rót tiền vào hệ thống ngân hàng.

Hôm qua, đồng Yên đã chạm mức cao kỷ lục so với đồng USD, khi lên ngưỡng 76,25 Yên/USD, cao nhất kể từ Thế chiến thứ 2. Theo tổ chức nghiên cứu DBS Group Research, đồng Yên tăng giá mạnh có liên quan tới việc Mỹ gia tăng cảnh báo khả năng sơ tán ra khỏi Nhật Bản.

Ngày 17/3, Mỹ đã khuyến cáo các công dân nên ở cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima đang gặp sự cố sau động đất, sóng thần trong vòng bán kính ít nhất là 80km, tăng lên so với khuyến cáo trước đó là trong vòng khoảng 32km.

Cũng trong ngày, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) nâng lãi suất cho vay và huy động thêm 0,25% lần thứ 8 kể từ tháng 3/2010 nhằm ngăn chặn lạm phát. Cụ thể, RBI nâng lãi suất cho vay thêm 0,25% lên 6,75% và lãi suất huy động thêm 0,25% lên 5,75%. Kết quả trên đúng như dự báo trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.

RBI nâng dự báo lạm phát từ 7% lên 8%, do sức ép từ đà tăng giá xăng dầu và than cũng như từ lĩnh vực sản xuất. Ngân hàng này cho biết sẽ duy trì quan điểm chống lạm phát như hiện nay. Trong tháng 2 vừa qua, chỉ số giá bán buôn của Ấn Độ đã tăng vọt 8,3% so với cùng kỳ năng ngoái, xuất phát từ giá năng lượng và giá thực phẩm ở mức cao.

Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) vừa ký thỏa thuận tín dụng trị giá 4 tỷ USD với một liên doanh Trung Quốc để phát triển các dự án dầu khí, khoáng sản và xây dựng tại quốc gia Nam Mỹ này.

Ngân hàng Công Thương Trung Quốc và Tập đoàn Citic Bắc Kinh sẽ liên doanh đứng ra cung cấp khoản tín dụng trên cho Venezuela. Theo thỏa thuận được ký kết, PDVSA và Tập đoàn Citic Bắc Kinh sẽ xây dựng các nhà máy sản xuất ximăng, gạch, đá sỏi, bêtông trộn, khuôn cửa… tại Venezuela.

Tập đoàn Citic Bắc Kinh sẽ giúp Caracaz xây dựng mới 40.000 ngôi nhà trong vòng hai năm tới và con số này sẽ vượt nửa triệu trong năm năm. Đồng thời, tập đoàn này tham gia dự án thăm dò và khai thác dầu khí ở Venezuela. Hiện tại, mỗi ngày PDVSA xuất khẩu sang Trung Quốc 400.000 thùng dầu, con số này sẽ tăng lên một triệu thùng vào năm 2015.

Liên quan tới kinh tế Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của nền kinh tế đầu tàu thế giới đã tăng 0,5% so với tháng 1, mức tăng nhiều nhất kể từ tháng 6/2009. So với cùng kì năm ngoái, CPI trước khi điều chỉnh yếu tố mùa vụ đã tăng 2,1%.

Báo cáo cho biết, sự gia tăng giá năng lượng và thực phẩm chiếm hơn 2/3 sự gia tăng của tất cả các mặt hàng. Giá gas tăng 4,7% trong tháng 2, cao hơn mức tăng của tháng 1 nhưng thấp hơn mức tăng của tháng 12/2010. Giá thực phẩm tăng 0,6%, trong đó, giá rau quả và thịt tăng tới 0,8%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2008.

CPI cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,2% so với tháng 1 và tăng 1,1% so với tháng 2/2010. Mức lạm phát này vẫn nằm trong mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ là từ 1,5-2%. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 2 cũng tăng 1,6%, mức cao nhất kể từ tháng 6/2009.