Thảm họa lao động bất hợp pháp tại Nga
Người dân chịu nhiều rủi ro khi xuất khẩu lao động theo con đường không chính thức
14 lao động Việt Nam chết cháy khi đang làm việc tại một xưởng may tại Nga chỉ là phần nổi của tảng băng. Bởi theo ước tính có khoảng 5 triệu lao động nhập cư đang làm việc bất hợp pháp tại Nga, trong đó có không ít người đến từ Việt Nam.
Họ đang làm ở các ngành như xây dựng, dệt, may với đồng lương rẻ mạt và điều kiện sinh hoạt cùng cực. Dù đã được cảnh báo nhưng tai họa gây chết người vẫn luôn bất ngờ ập đến họ...
Sự vụ đau lòng xảy ra vào chiều ngày 11/9, ngọn lửa bất thần bao trùm cả khu nhà 3 tầng số 16 đường phố Công xã Paris, thành phố Egorevsk, thuộc vùng ngoại ô Mátxcơva. Đây cũng chính là nơi cách đây vài tháng xảy ra vụ Vinastar mà báo chí đã đề cập đến tình trạng một xưởng may có những vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.
Hậu quả của tình trạng lao động chui
Nơi xảy ra vụ cháy là một xưởng may bất hợp pháp của người Việt Nam. Theo những nhận định ban đầu, có thể là do chập điện... nên ngọn lửa bất ngờ lan mạnh trong phòng với diện tích chỉ có 30 mét vuông đã bị chủ xưởng khoá trái cửa, do đó các công nhân không thể thoát thân. Cửa bị khóa trái là hiện tượng rất phổ biến, bởi các chủ xưởng may Việt Nam tại Nga không bao giờ muốn công nhân tự do ra ngoài. Đây là một nguyên nhân gián tiếp gây tai họa nghiêm trọng, khi những sự cố như thế này xảy ra.
Hiện tại, đã xác minh rõ có 14 người Việt Nam, 2 người bị thương rất nặng đã được nhập viện. Con số thợ làm việc tại xưởng may này vào khoảng 70 người, 50 người hiện tại đang bị nhà chức trách tạm giữ để điều tra về cơ sở pháp lý làm việc và nguyên nhân sự vụ nghiêm trọng xảy ra.
Danh tính của chủ xưởng cũng đang được cơ quan điều tra nhanh chóng tìm hiểu, nhằm truy tố trước pháp luật Nga. Trao đổi với phóng viên ngày 13/9 xung quanh sự vụ này, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh - Xã hội) cho biết, ngay trong sáng nay Cục đã chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu lao động khẩn trương rà soát, xác minh lại toàn bộ danh sách, hợp đồng cung ứng lao động sang Nga để xác định có trường hợp nào do doanh nghiệp đưa đi hay không.
Theo ông Quỳnh, qua xác minh, nếu xác định có doanh nghiệp xuất khẩu lao động nào đưa lao động sang làm việc cho xưởng may trên thì doanh nghiệp đó phải lập tức cử cán bộ sang giải quyết tình hình, phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục cần thiết để đưa hài cốt công nhân bị nạn trở về; giải quyết các quyền lợi, rủi ro liên quan cho những công nhân đang còn ở Nga và người bị nạn.
Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết thêm xưởng may bị cháy hoạt động bất hợp pháp và có khả năng những công nhân Việt Nam được một số cá nhân, tổ chức không có chức năng đưa đi làm việc “chui”.
Hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đang tiếp tục chỉ đạo cho các bộ phận chức năng khẩn trương làm việc tìm hiểu nguyên nhân, giải quyết hậu quả và tìm các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các nạn nhân cũng như giúp đỡ cho thân nhân của họ tại Việt Nam; đồng thời tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân đối với các trường hợp bị nạn.
Ông Nguyễn Đông Triều, Tham tán công sứ Liên bang Nga, Trưởng đoàn công tác đặc biệt cho biết: “Công việc tiếp theo của chúng tôi là: Thứ nhất, chúng tôi sẽ phối hợp với phía Nga, cùng với công nhân thoát ra khỏi đám cháy, những công nhân này đồng thời là đồng hương của những người tử nạn, vào bệnh viện để xác định rõ danh tính của nạn nhân. Trường hợp không xác định được danh tính cụ thể, chúng tôi sẽ yêu cầu phía Nga lấy mẫu ADN của các nạn nhân, đồng thời sẽ báo cáo để các cơ quan trong nước giúp đỡ lấy mẫu ADN của thân nhân các nạn nhân gửi sang Nga để đối chiếu, xác định. Thứ 2, chúng tôi sẽ hỗ trợ nạn nhân. Thứ 3, đối với công nhân thoát ra khỏi đám cháy, chúng tôi sẽ trao đổi với phía Nga, là giao cho Đại sứ quán Việt Nam tại Nga xác minh để phối hợp làm lại giấy tờ nếu bọ bị thất lạc”.
Thảm hoạ đã được báo trước
Việc lao động Việt Nam thiệt mạng do hỏa hoạn tại Nga không phải là lần đầu tiên. Hồi tháng 3 năm ngoái, có 5 công nhân người Việt Nam đã thiệt mạng khi một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra tại một xưởng may ở thị trấn Ivanchevka, ngoại ô Moscow.
Sau đó không lâu, ngày 7/4/2011, một vụ hỏa hoan khác xảy ra tại xưởng may của người Việt gần khu chợ Cherkizovo (người Việt hay gọi là Chợ Vòm ở Thủ đô Moscow cũng làm 4 người Việt Nam và 2 người Nga thiệt mạng.
Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thông tin, ở Moscow có khoảng 200 xưởng may “đen”, trung bình mỗi xưởng có 100 lao động Việt. Như vậy, có khoảng 20.000 lao động đang sống bất hợp pháp tại thành phố này, ông Lợi ước đoán.
Còn theo báo cáo của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, hiện có khoảng 400 xưởng may quy mô lớn nhỏ (từ vài ba chục đến vài trăm công nhân) nằm rải rác khắp nước Nga. Chỉ riêng thủ đô Mátxcơva và các tỉnh xung quanh, ước tính có khoảng trên 200 xưởng may với khoảng 20.000 công nhân. Các xưởng may đều nằm ở những khu vực xa dân cư, trong các cơ sở của các nhà máy cũ của Nga.
Người lao động Việt Nam và các chủ xưởng chỉ lên đại sứ quán đề nghị hỗ trợ khi gặp sự cố hoặc cơ quan chức năng của Nga kiểm tra, bắt giữ.
Theo ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cơ quan chức năng đã rất nhiều lần đưa ra lời khuyên đối với lao động Việt Nam khi muốn sang Nga hay những nước khác làm việc nên tìm hiểu kỹ thông tin về chính sách, quy định của pháp luật Việt Nam và nước đến làm việc.
Sau đó cần đăng ký đi theo con đường chính ngạch, thông qua các doanh nghiệp được Bộ Lao động Thương binh - Xã hội cấp phép đưa người đi làm việc ở nước ngoài và có hợp đồng đã được thẩm định tại Cục Quản lý lao động nước ngoài để được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp khi làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, đây là tình trạng đưa lao động Việt Nam sang Nga làm việc bằng đường không chính thức... khiến người lao động gặp rủi ro cao.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)