07:42 11/02/2009

“Thảm kịch” ở Phố Wall

Duy Cường

Ngày 10/2, kế hoạch giải cứu khối ngân hàng đã châm ngòi cho một làn sóng bán tháo cổ phiếu ở Phố Wall

Niềm tin vào thị trường bị lung lay khi các giải pháp thị trường chưa thể làm thị trường cổ phiếu đi vào ổn định, thì việc thuyết phục giới đầu tư mua cổ phiếu là điều hết sức khó khăn - Ảnh: AP.
Niềm tin vào thị trường bị lung lay khi các giải pháp thị trường chưa thể làm thị trường cổ phiếu đi vào ổn định, thì việc thuyết phục giới đầu tư mua cổ phiếu là điều hết sức khó khăn - Ảnh: AP.
Ngày 10/2, kế hoạch giải cứu khối ngân hàng đã châm ngòi cho một làn sóng bán tháo cổ phiếu ở Phố Wall.

Hôm thứ Ba, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã chính thức công bố kế hoạch giải cứu khối tài chính Mỹ với tên gọi "Financial Stability Plan” – Kế hoạch ổn định khối tài chính, đồng thời ông cũng công bố chương trình cho vay mới đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Tổng số tiền trong kế hoạch này có thể lên tới 2.000 tỷ USD với bốn nội dung:

Thứ nhất, Bộ Tài chính Mỹ sẽ lập một quỹ đầu tư với số vốn ban đầu là 500 tỷ USD và có thể nâng vốn lên 1.000 tỷ USD, nhằm cung cấp tài chính cho các nhà đầu tư tư nhân để mua lại các tài sản xấu.

Thứ hai, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục mở rộng “Chương trình giải trừ tài sản xấu – TARP” mà Quốc hội Mỹ đã thông qua hồi tháng 10. Theo đó Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rót vốn vào các định chế tài chính để hỗ trợ khối này.

Thứ ba, Bộ Tài chính Mỹ sẽ cùng phối hợp với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ để thiết lập khoản tài chính trị giá 1.000 tỷ USD nhằm cho vay đối với người tiêu dùng và khối doanh nghiệp. Đây được cho là kế hoạch mới nhằm hỗ trợ thị trường tín dụng Mỹ.

Thứ tư, Bộ Tài chính sẽ dành 50 tỷ USD để ngăn chặn việc tịch biên nhà của người dân.

Khác với dự báo, kế hoạch lần này mở rộng thêm chương trình bơm vốn vào thị trường thông qua người tiêu dùng và khối doanh nghiệp, đồng thời giá trị của kế hoạch lại tăng vọt, điều này đã khiến giới đầu tư hoang mang về tính chất nguy kịch của tình hình cũng như tính khả thi của kế hoạch.

Phản ứng của thị trường

Phản ứng ngược là những gì có thể thấy trên thị trường chứng khoán, bởi việc công bố kế hoạch giải cứu khối tài chính được kỳ vọng là tin vui đẩy Phố Wall tăng vọt nhờ lộ trình thực hiện gói giải cứu.

Nhưng nay, khi ông Timothy Geithner – người vừa nhậm chức vụ cao nhất trong ngành tài chính Mỹ được 2 tuần, đã đưa phương hướng điều hành ở thế phòng thủ, còn Phố Wall chứng kiến một phiên giao dịch mất kiên nhẫn của giới đầu tư.

Theo giới phân tích nhận định, có 3 lý do cơ bản khiến niềm tin của giới đầu tư bị lung lay và tạo nên một làn sóng bán tháo cổ phiếu:

Thứ nhất, trong bản kế hoạch giải cứu khối tài chính mới chưa thấy sự thay đổi (Change) nào như trong tuyên bố tranh cử tổng thống của ông Obama. Bởi kế hoạch này vẫn sử dụng nhiều tiền đóng thuế của người dân (mà tiền thì chưa biết lấy từ nguồn nào?), vẫn là một kế hoạch dựa trên nền tảng mà người tiền nhiệm của tân bộ trưởng, ông Henry Paulson đã thực hiện.

Thứ hai, kế hoạch đầy tham vọng này nếu được thực thi nó sẽ tạo nên một gánh nặng hay nói cách khác sẽ tạo nên một mức thâm hụt ngân sách quá lớn. Vì vậy, kế hoạch mua tài sản xấu khối tài chính được ví như một kế hoạch “mua nợ ngân sách”.

Thứ ba, niềm tin vào thị trường bị lung lay khi các giải pháp thị trường chưa thể làm thị trường cổ phiếu đi vào ổn định, thì việc thuyết phục giới đầu tư mua cổ phiếu là điều hết sức khó khăn.

Diễn biến thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm 0,8-1,5% trước thời điểm Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner công bố kế hoạch giải cứu khối tài chính Mỹ, đến 11 giờ (giờ địa phương), thị trường bất ngờ lao dốc đưa chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm hơn 2,5% trong khi chỉ số Nasdaq mất gần 2%.

Sau đó, thị trường đã phục hồi được 0,5% trong thời điểm ông Timothy Geithner công bố kế hoạch giải cứu khối tài chính.

Nhưng kết thúc bài phát biểu của ông Timothy Geithner (lúc 11h30’), chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều giảm trên 3,3% trong khi chỉ số Nasdaq mất gần 3%.

Một câu hỏi mà giới phân tích đặt ra ngay sau đó trong các cuộc trả lời trên kênh truyền hình CNBC, Bloomberg là tiền sẽ lấy ở đâu để thực hiện kế hoạch này?

Và điều này đã châm ngòi cho một làn sóng bán tháo cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu khối ngân hàng.

Diễn biến thị trường sau đó vẫn trong xu thế đi xuống, đưa chỉ số Dow Jones mất mốc 8.000 điểm trong khi các chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng giảm mạnh.

Riêng chỉ số khối ngân hàng đã mất gần 14%, cổ phiếu ngành bảo hiểm giảm 9,5%, còn chỉ số S&P Tài chính trượt 10,9%. Trong đó, cổ phiếu của Citigroup, Bank of Ameraca, Goldman Sachs, JPMorgan, Morgan Stanley đã giảm từ 4,8% đến 19%.

Tất cả 30 mã chứng khoán trong chỉ số Dow Jones cùng giảm điểm lần đầu tiên kể từ ngày 20/1 với biên độ từ 3-19%.

“Thảm kịch” ở Phố Wall - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến ba chỉ số chứng khoán chính ở Mỹ trong ngày 10/2 - Nguồn: G.Finance.

 Điểm qua kết quả giao dịch ngày 10/2: chỉ số Dow Jones giảm 381,99 điểm, tương đương -4,62%, chốt ở mức 7.888.88.

Chỉ số Nasdaq phiên này hạ 66,83 điểm, tương đương -4,2%, chốt ở mức 1.524,73.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 mất 42,73 điểm, tương đương -4,91%, đóng cửa ở mức 827,16.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,74 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 11 cổ phiếu mất điểm thì có 2 cổ phiếu lên điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,45 tỷ cổ phiếu, thị trường có 9 mã giảm điểm thì có 2 mã lên điểm.

* Ngày 10/2, General Motors đã cho biết sẽ cắt giảm 10.000 việc làm xuống 63.000 trong năm 2009. Việc cắt giảm này nằm trong chương trình tái cấu trúc bộ máy hoạt động trong bối cảnh doanh số bán xe suy giảm mạnh trên toàn cầu.

* Tập đoàn Intel vừa cho biết sẽ đầu tư 7 tỷ USD để nâng cấp các nhà máy của hãng ở các bang Oregon, Arizona và New Mexico (Mỹ)  trong vòng 2 năm tới. Trước đó, hãng đã cắt giảm 6.000 việc làm, đóng cửa nhà máy ở Malaysia và Philippines, đồng thời dừng sản xuất các nhà máy tại bang Oregon và California.

Chứng khoán châu Âu giảm mạnh

Ngân hàng của Thụy Sỹ, UBS đã công bố thua lỗ 8,1 tỷ franc (7 tỷ USD) trong quý 4/2008, đưa tổng mức thua lỗ trong năm 2008 lên 19,7 tỷ francs – mức thua lỗ lớn nhất trong lịch sử. UBS cũng cho biết sẽ cắt giảm 2.000 việc làm tại bộ phận ngân hàng đầu tư.

Chứng khoán châu Âu đã mất điểm hôm thứ Ba do sự thất vọng của giới đầu tư về kế hoạch giải cứu khối tài chính Mỹ. Các chỉ số đều giảm từ 2,2-3,6% sau khi thị trường đóng cửa ngày giao dịch.

Cổ phiếu khối ngân hàng đã dẫn đầu về biên độ giảm điểm, trong đó cổ phiếu HSBC, Standard Chartered, Societe Generale giảm từ 3,2-6,7%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 94,53 điểm, tương đương -2,19%, chốt ở mức 4.213,08.

Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 3,64%, trong khi chỉ số DAX của Đức mất 3,46%.

Chứng khoán châu Á thận trọng trước giờ G

Một sự kiện quan trọng ở Mỹ trong ngày 10/2 được dự báo sẽ có sức ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu, đó là việc Thượng viện nước này bỏ phiếu thông qua kế hoạch kích thích kinh tế trị giá hơn 800 tỷ USD và công bố kế hoạch giải cứu khối tài chính.

Trước thềm sự kiện này, trong hai phiên đầu tuần, thị trường chứng khoán châu Á đã không có nhiều biến động lớn do sự thận trọng của các nhà đầu tư. Điển hình là khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán Tokyo đã giảm gần 500 triệu cổ phiếu so khối lượng trung bình tuần trước đó.

Trong phiên giao dịch ngày 10/2, các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Australia dù mất điểm nhưng biên độ giảm cũng chỉ từ 0,29% đến 0,5%.

Chứng khoán Nhật tiếp tục mất điểm khi đồng Yên lên điểm so với đồng Euro và những lo ngại xung quanh kế hoạch giải cứu khối tài chính Mỹ.

Trong ngày, đồng Yên đã lên 117,5 Yên đổi 1 Euro nên đã đẩy cổ phiếu của nhiều hãng xuất khẩu lớn mất điểm, trong đó cổ phiếu Sony hạ 0,9%, cổ phiếu Honda Motor trượt 0,4%, cổ phiếu Toyota mất 1,6%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 đã giảm 23,09 điểm, tương đương -0,29%, chốt ở mức 7.945,94. Khối lượng giao dịch đạt 1,9 tỷ cổ phiếu, thị trường có 854 mã giảm điểm và có 727 mã tăng điểm.

Trong khi đó, cơ quan thống kê Trung Quốc vừa cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở nước này trong tháng 1/2009 đã tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, sau khi tăng 1,2% trong tháng 12/2008. Trong khi đó, chỉ số bán buôn của nhà sản xuất đã giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước, sau khi tằng 1,1% trong tháng 12/2008.

Phiên 10/2, thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục chứng kiến thêm một phiên giao dịch thành công của chỉ số Shanghai Composite, với biên độ tăng 0,32%.

Liên quan đến thị trường Hàn Quốc, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Yoon Jeung Hyun vừa cho biết sẽ nâng mức chi tiêu cho gói kích thích kinh tế sau khi đưa ra dự báo nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng âm 2% trong năm 2009 và sẽ có thêm 200.000 người mất việc trong năm nay.

Trên thị trường chứng khoán nước này, chỉ số KOSPI tiếp tục giảm 3,82 điểm, tương đương -0,32%, chốt ở mức 1.198,87.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan lên 0,7%. Chỉ số Straits Times của Singapore tăng 1,07%%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiến thêm 0,81%. Chỉ số BSE của Ấn Độ lên 0,07%, chỉ số ASX của Australia hạ 0,5%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 8.270,87 7.888,88 Down381,99 Down4,62
Nasdaq 1.591,56 1.524,73  Down  66,83 Down4,20
S&P 500 869,89 827,16  Down  42,73 Down4,91
Anh FTSE 100 4.307,61 4.213,08  Down  94,53 Down2,19
Đức DAX 4.666,82 4.505,54  Down161,28  Down3,46
Pháp CAC 40 3.134,87 3.020,75 Down114,12 Down3,64
Đài Loan Taiwan Weighted 4.494,59 4.526,10 Up  31,51 Up0,70
Nhật Nikkei 225 7.969,03 7.945,94 Down  23,09 Down0,29
Hồng Kông Hang Seng 13.769,06 13.880,64 Up111,58 Up0,81
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.202,69 1.198,87 Down    3,82 Down0,32
Singapore Straits Times 1.687,45 1.700,34  Up  18,00 Up1,07
Trung Quốc Shanghai Composite 2.224,71 2.265,16 Up  40,45 Up1,82
Ấn Độ BSE 30 9.526,40 9.590,60 Up  86.79 Up0,07
Australia ASX 3.445,80 3.428,60 Down  17,20 Down0,50
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg