13:48 25/06/2018

Tham nhũng "có chiều hướng thuyên giảm"

Hà Vũ

Các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đều có mặt tại hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng được tổ chức tại Hà Nội, ngày 25/6

Các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đều có mặt tại hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng được tổ chức tại Hà Nội, ngày 25/6 - Ảnh TTXVN
Các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đều có mặt tại hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng được tổ chức tại Hà Nội, ngày 25/6 - Ảnh TTXVN

Các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đều có mặt tại hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng được tổ chức tại Hà Nội, ngày 25/6.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chủ trì, cùng dự còn có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều uỷ viên Bộ Chính trị khác.

Phát biểu khai mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hội nghị lần này sẽ sơ kết công tác phòng chống tham nhũng trong 5 năm qua đã làm được gì, phải làm gì để đấu tranh chống giặc nội xâm đang trong giai đoạn quan trọng quyết liệt.

Theo Tổng bí thư, cuộc chiến phòng chống tham nhũng đến nay đã có những kết quả bước đầu nhưng vẫn còn khó khăn gian khổ, lâu dài, chịu sức ép từ nhiều phía. Tổng bí thư mong rằng sau hội nghị này, công tác phòng chống tham nhũng có bước chuyển mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn.

Báo cáo tại hội nghị, ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban thường trực ban chỉ đạo, đánh giá công tác phòng chống tham nhũng đã có một bước tiến mạnh, đột phá, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, "có chiều hướng thuyên giảm", củng cố niềm tin và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Không ngoại lệ, không đặc quyền

Theo Trưởng ban Nội chính Trung ương, những kết quả trong công tác phòng chống tham nhũng là do vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng chống tham nhũng được nâng lên.

Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh, nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng chống tham nhũng, vừa để cảnh báo, răn đe, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện, xử lý sai phạm.

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng. 

Nguyên nhân tiếp theo là do sự chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với những mức án nghiêm khắc và nhân văn, tích cực thu hồi tài sản tham nhũng, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và Tổng bí thư: không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai…

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra, động viên, khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng. Việc kê biên và thu giữ tài sản trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế đạt khá cao.

Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát việc thi hành Hiến pháp và pháp luật về phòng chống tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm.

Theo ông Trạc, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã quan tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác, làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản, nền nếp, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, theo đúng chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả công việc ngày càng cao. Các thành viên Ban chỉ đạo sâu sát, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ, biên chế, đẩy mạnh hoạt động nghiệp vụ, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.

Chắc đến đâu xử lý đến đó 

Nêu những kết quả cụ thể, ông Trạc nhắc đến chỉ đạo của Tổng bí thư về tập trung điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với phương châm "tài liệu chắc đến đâu xử lý đến đó, sau đó điều tra, xử lý tiếp nhằm tạo sự lan tỏa và chuyển biến tích cực trong phát hiện, xử lý tham nhũng".

Thực hiện phương châm này, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã nỗ lực, cố gắng, tập trung lực lượng, tăng cường phối hợp trong điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế. Một số địa phương đã chỉ đạo khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm minh cán bộ thuộc quyền quản lý có sai phạm liên quan đến tham nhũng, kinh tế.

Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ án/440 bị cáo, với 11 án tử hình cho 10 bị cáo; 20 án chung thân cho 19 bị cáo; 7 bị cáo bị phạt tù với mức án 30 năm; 393 bị cáo bị phạt tù từ 12 tháng đến dưới 30 năm; cải tạo không giam giữ 7 bị cáo; cảnh cáo 2 bị cáo. 

Trong đó, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc, đúng pháp luật, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Điển hình là các vụ án: Vũ Quốc Hảo, Vũ Việt Hùng, Dương Chí Dũng, Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên, Lê Dũng, Châu Thị Thu Nga, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ, vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương…