13:39 02/12/2019

Tháng cuối năm, lãi suất liên ngân hàng vẫn sẽ ở ngưỡng cao

Nguyên Minh

SSI cho rằng, trong tháng cao điểm cuối năm, nhiều khả năng lãi suất liên ngân hàng sẽ dao động ở ngưỡng cao, tức là quanh 4%/năm

Báo cáo thị trường tiền tệ tuần 25-29/11 của SSI cho biết, tuần vừa qua có 13 nghìn tỷ đồng tín phiếu đến hạn và Ngân hàng Nhà nước ngừng phát hành tín phiếu mới, đồng thời chuyển sang mua kỳ hạn (kênh OMO) sau gần 3 tháng kênh này không hoạt động.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước mua kỳ hạn 49,2 nghìn tỷ đồng, lãi suất OMO cũng giảm 4,5% xuống 4%/năm, đây là bước giảm lớn nhất (50bps) trong 5 năm trở lại đây và là lần giảm thứ 2 trong năm nay. 

Tính chung lại, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng tới 62,2 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở, lượng tín phiếu lưu hành ở mức 0 trong khi lượng OMO lưu hành là 49,2 nghìn tỷ, đánh dấu bước chuyển từ hút ròng 8 tháng liên tục sang bơm ròng của Ngân hàng Nhà nước.

SSI đánh giá động thái mạnh tay này của Ngân hàng Nhà nước đã giải tỏa bớt căng thẳng thanh khoản của các ngân hàng, lãi suất trên liên ngân hàng được giữ ở mức 3,93%/năm với kỳ hạn qua đêm và 3,99% với kỳ hạn 1 tuần. Thông thường lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng sẽ dao động trong vùng từ lãi suất tín phiếu đến lãi suất OMO, hiện tại là 2,25% đến 4,0%/năm. 

Trong tháng cao điểm cuối năm, nhiều khả năng lãi suất liên ngân hàng sẽ dao động ở ngưỡng cao, tức là quanh 4%/năm.

Trên thị trường 1, sau bước giảm mạnh ở các kỳ hạn dưới 6 tháng từ mức trần lãi suất huy động cũ là 5,5% xuống mức trần mới là 5,0%/năm vào tuần trước, các ngân hàng thương mại đã có bước điểu chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài hơn, trong đó giảm nhiều nhất là ở nhóm các ngân hàng thương mại có thị phần nhỏ (giảm 20-30bps), thu hẹp mức chênh lệch lãi suất với nhóm các ngân hàng thương mại lớn. Lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng dao động trong khoảng 4,1-5,0%/năm, từ 6 đến dưới 12 tháng trong khoảng 5,5-7,5%/năm và từ 12-13 tháng là 6,4-7,9%/năm.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết 9 tháng 2019, mặc dù tăng trưởng tín dụng 9,4% thấp hơn so với cùng kỳ 2018 (10,33%) nhưng tổng phương tiện thanh toán (cung tiền M2) đã đạt 10,08 triệu tỷ đồng, tăng 9,47% so với đầu năm, cao hơn khá nhiều mức tăng 9,04% của cùng kỳ 2018. 

"Với định hướng giảm lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước và cung tiền vẫn dồi dào từ việc mua dự trữ ngoại hối, lãi suất trên thị trường 1 dù khó có thể giảm vào thời điểm cuối năm 2019 nhưng việc giảm trong năm 2020 với cả lãi suất huy động lẫn cho vay là khả thi", SSI nhận định.