08:45 19/07/2007

Thế giới sẽ đạt mục tiêu giảm đói nghèo

Quốc Trung

Số người nghèo ở các nước đang phát triển giảm từ 1,25 tỷ năm 1990 xuống còn 980 triệu năm 2004

Tỷ lệ nhập học ở cấp tiểu học tại các nước đang phát triển tăng từ 80% năm 1991 lên 88% năm 2005.
Tỷ lệ nhập học ở cấp tiểu học tại các nước đang phát triển tăng từ 80% năm 1991 lên 88% năm 2005.
Số người nghèo ở các nước đang phát triển giảm từ 1,25 tỷ năm 1990 xuống còn 980 triệu năm 2004.

Liên hiệp quốc tin tưởng, nếu duy trì được những tiến bộ hiện nay, mục tiêu giảm một nửa tỷ lệ người đói nghèo trên thế giới so với năm 1990 sẽ thành hiện thực.

Nhân tiến trình đi được nửa chặng đường thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) đề ra năm 2000, Liên hiệp quốc vừa công bố báo cáo MDGs năm 2007 đánh giá những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện MDGs tính đến thời điểm năm 2015.

Đông Nam Á dẫn đầu

Liên hiệp quốc đã đề ra khung thời gian thực hiện MDGs là 15 năm, trong đó bao gồm các mục tiêu: giảm một nửa tỷ lệ đói nghèo, tăng cường chăm sóc y tế, nâng cao giáo dục và thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ tại các quốc gia đang phát triển.

Theo báo cáo, số người nghèo với mức sống dưới 1USD/ngày đã giảm từ gần 1/3 dân số toàn cầu xuống còn 19% trong giai đoạn 1990-2004.

Mặc dù có tiến bộ nhưng xét về số lượng thì những người sống trong tình trạng đói nghèo cùng cực ở châu Á lớn hơn cả châu Phi với 700 triệu người và khu vực này có nhiều chỉ số xã hội đáng lo ngại.

Châu Á hiện chiếm tới 56% người bị suy dinh dưỡng, 54% sống trong các khu ổ chuột, 43% số trẻ em tử vong ở độ tuổi dưới 5 của thế giới. Về giáo dục, mặc dù tỷ lệ mù chữ thấp nhưng có tới 22 triệu trẻ em ở châu Á, trong đó 10 triệu ở Đông Nam Á không được đến trường.

Hơn 500 nghìn trẻ em tử vong dưới 5 tuổi ở khu vực này và hơn 250 nghìn bà mẹ tử vong trong thời kỳ mang thai, sinh nở. Vấn đề môi trường, HIV/AIDS không giảm mà còn gia tăng.

Liên hiệp quốc tin tưởng và kỳ vọng châu Á có thể đạt MDGs đúng thời hạn vào năm 2015.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc cho biết, có nhiều dấu hiệu tiến bộ trong việc ngày càng nhiều trẻ em ở các nước đang phát triển được đi học.

Tỷ lệ nhập học ở cấp tiểu học tại các nước đang phát triển tăng từ 80% năm 1991 lên 88% năm 2005. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi nhẹ cân đã giảm khoảng 20% trên phạm vi toàn cầu trong giai đoạn 1990-2005.

Cuộc đấu tranh đòi bình quyền của phụ nữ đạt nhiều tiến bộ với việc ngày càng nhiều nữ giới tham gia hoạt động chính trị và nắm giữ cương vị cao trong Chính phủ, song nhìn chung, tốc độ cải thiện còn chậm.

Đến tháng 1/2007, phụ nữ đã chiếm 17% số ghế trong hạ viện hoặc quốc hội một viện, so với mức 13% năm 1990. Tuy nhiên, chỉ có 19 nước có tỷ lệ phụ nữ trong quốc hội cao hơn 30%. Điều đáng chú ý là lần đầu tiên, phụ nữ đã được đi bỏ phiếu ở một số quốc gia Ảrập.

Nhiều mục tiêu chưa được cải thiện

Dù có một số tiến bộ đáng kể trong việc xoá đói giảm nghèo, song tiến trình này tại khu vực Nam Sahara, vùng trũng nghèo đói của châu Phi, vẫn còn rất gian nan. Tỷ lệ nghèo đói ở khu vực này ở mức 41,1%, giảm 6% so với năm 2000, song người nghèo ở đây vẫn chỉ được hưởng những thành tựu kinh tế yếu kém.

Một nửa dân số ở các nước đang phát triển chưa được tiếp cận với các phương tiện vệ sinh môi trường cơ bản. Nam Á và Tiểu sa mạc Sahara là những khu vực có tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng cao nhất. Liên hiệp quốc cho rằng nếu xu hướng hiện nay tiếp tục, thì mục tiêu cắt giảm một nửa số trẻ em suy dinh dưỡng mà MDG đặt ra, sẽ không thực hiện được.

Ngoài ra, ở một số nước, các cuộc xung đột vũ trang và đại dịch HIV/AIDS lan tràn đang phá hủy các nỗ lực thực hiện MDGs. Cuối 2006, khoảng 39,5 triệu người trên toàn thế giới vẫn đang phải sống chung với HIV, tăng so với mức 32,9 triệu người năm 2001, trong đó chủ yếu là ở Tiểu sa mạc Sahara.

Năm 2006, khoảng 4,4 triệu người mới bị nhiễm HIV trên toàn cầu. Số người bị chết vì AIDS cũng tăng từ 2,2 triệu người năm 2001 lên 2,9 triệu người năm 2006, trong khi đó hơn 15 triệu trẻ em bị mồ côi cha, mẹ hoặc cả hai vì căn bệnh này.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng phối hợp hành động để có thể đạt được MDGs đúng hạn. Năm 2005 các nước công nghiệp hàng đầu đã cam kết tăng gấp đôi mức viện trợ cho châu Phi vào năm 2010, song thực tế tổng mức viện trợ chính thức đã giảm 5,1% về giá trị thực trong giai đoạn 2005-2006.

Hiện chỉ có 5 nước tài trợ đã đạt hoặc vượt chỉ tiêu dành 0,7% tổng thu nhập quốc gia cho viện trợ mà Liên hiệp quốc đề ra.