16:07 23/12/2008

Thế giới thiếu tiền cứu đói

Thái Kim

Liên hiệp quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngân sách do các chính phủ đều cắt giảm đóng góp

Nạn đói sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu thiếu sự cứu trợ từ Liên hiệp quốc.
Nạn đói sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu thiếu sự cứu trợ từ Liên hiệp quốc.
Liên hiệp quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngân sách do các chính phủ đều cắt giảm đóng góp.

Vào ngày 16/12/2008, Tổ chức Lương thực Thế giới (WFP) - một tổ chức cứu trợ nhân đạo của Liên hiệp quốc - đã công bố mới nhận được cam kết đóng góp gần 500 triệu USD trong năm 2009 từ các nhà tài trợ quốc tế.

So với số ngân sách 5,2 tỷ USD mà WFP dự toán cho việc cứu trợ khẩn cấp trong năm tới, số cam kết này là quá nhỏ.

Tổ chức này cho biết trong số 500 triệu USD đã cam kết, đã có riêng 450 triệu USD là dành cho cứu trợ nạn nhân trong cuộc khủng hoảng ở Darfur. Vì vậy, phần còn lại sẽ rất ít. Một số kho dự trữ lương thực dành cho các hoạt động thiết yếu của tổ chức này ở sẽ có thể cạn sạch sớm.

Không biết WFP sẽ phải vật lộn như thế nào để thực hiện được cam kết cung cấp lương thực cho 49 triệu người ở 12 quốc gia đang chịu nạn đói hiện nay?  Hàng triệu người ở Haiti, Congo, Kenya và Ethiopia và một số điểm nóng khác về nạn đói sẽ hết lương thực cứu trợ vào cuối tháng 3 khi mà các kho lương thực cạn sạch.

Bà Josette Sheeran, Giám đốc điều hành WFP nói: “Trên quy mô toàn cầu, nạn đói đang đến. Bản thân cuộc khủng hoảng lương thực đã ảnh hưởng đến thế giới mạnh hơn là tôi có thể dự tính. Chúng tôi cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính sẽ tạo thêm áp lực lên những nhóm người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”.

Theo những quan chức của tổ chức này, nếu những cam kết đóng góp trên được thực hiện ngay lập tức, WFP cũng cần ít nhất 3 tháng để biến chúng thành hàng lương thực cứu trợ đến tay người bị nạn. Do vậy, tổ chức này sẽ ở trong tình trạng thiếu ngân sách trầm trọng trong vòng ít nhất là 3 tháng nữa.

Nếu không nhận được thêm đóng góp ngân sách ngay, các hoạt động cứu trợ lương thực của WFP ở Bangladesh, Chad, Haiti, Kenya, Uganda, Cộng hòa dân chủ Congo sẽ có thể bị đe dọa.

Và nếu đến giữa năm tới mà không có thêm ngân sách thì các hoạt động cứu trợ ở Afghanistan, Sudan và Somalia cũng sẽ bị ảnh hưởng. WFP đã bắt đầu cắt giảm các khẩu phần cứu trợ ở Zimbabwe và Ethiopia.

Tổ chức này cũng phải giới hạn mức cứu trợ cho 1 gia đình xuống chỉ đủ cho 6 người. Nếu gia đình nào có nhiều hơn 6 người, họ sẽ phải san sẻ lương thực cho nhau.

“Đó là cách duy nhất để chúng tôi có thể dàn mỏng các nguồn lực ra”, một quan chức WFP cho biết. Cao ủy Liên hiệp quốc về Người tị nạn (UNHCR), tổ chức đang cứu trợ cho 33 triệu người, cũng đã thừa nhận rằng họ nhận thấy sự sụt giảm mạnh trong các đóng góp cho các hoạt động cứu trợ của họ.

Tại một cuộc hội thảo tại Geneve vào tuần trước, cam kết đóng góp từ các chính phủ cho UNHCR đã giảm 6%.

“Chúng ta cần gửi một tín hiệu hy vọng rõ ràng cho thế giới bằng một kế hoạch cứu trợ,” bà Sheeran nói tại chuyến thăm đầu tiên của bà tới Ấn Độ. “Thế giới đang sẵn sàng chi hàng nghìn tỉ cho các gói cứu trợ tài chính. Vậy họ sẽ làm gì cho việc cứu trợ con người?”.

Cuộc khủng hoảng tài chính ở các nước giày đang lan sang các nước nghèo. Thu nhập của các nước nghèo bị ảnh hưởng vì thương mại, luồng vốn và kiều hối đều giảm xuống. Trong tháng này, Chính phủ Kyrgykistan đã phải xin WFP hỗ trợ cứu đói cho 600.000 người do thu nhập của gia đình họ giảm mạnh vì nguồn kiều hối gửi về giảm. Kiều hối hiện chiếm đến 20% GDP của nước này.