09:20 04/05/2007

Thế giới vẫn chưa có đủ lương thực

Nguyễn Thế Nghiệp

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) vừa công bố báo cáo “Triển vọng mùa màng và tình hình lương thực”

Nhiều nước châu Phi vẫn đang ở trong tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.
Nhiều nước châu Phi vẫn đang ở trong tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) vừa công bố báo cáo “Triển vọng mùa màng và tình hình lương thực”.

Theo báo cáo này, năm 2007 sản lượng lương thực toàn cầu dự báo tăng 4,3%, đạt mức kỷ lục 2,82 tỷ tấn. Sản lượng lúa mỳ tăng đáng kể do có sự phục hồi sản xuất của một số nước xuất khẩu lúa mỳ chủ yếu, tăng 4,8% đạt 626 triệu tấn.

Sản lượng thóc gạo có thể đạt 423 triệu tấn, tăng 3 triệu tấn so với năm 2006. Sản lượng các loại ngũ cốc phụ (trừ lúa mỳ và thóc gạo) tăng 5,6%, đạt 1,033 tỷ tấn . Sản lượng ngô tăng mạnh nhất trong năm nay do mùa ngô bội thu ở các nước Nam Mỹ. Tại khu vực Viễn Đông, Cận Đông và Cộng đồng các quốc gia độc lập, dự báo sản lượng lúa mỳ và lúa gạo là khả quan. Tại miền đông châu Phi, sản lượng lúa mỳ tăng, tình hình cung cấp lương thực có được cải thiện. Tuy nhiên tại khu vực này, hàng triệu người vẫn phải sống phụ thuộc vào viện trợ lương thực, do thời tiết không thuận lợi và tình hình xung đột làm cho nhiều khu vực trồng trọt bị bỏ hoang. Mexico và một số nước ở Trung Mỹ và vùng Caribê cũng bội thu mùa lúa mỳ. Việc cung cấp lương thực được cải thiện tại nhiều nước, nhưng hiện nay vẫn còn 33 nước thiếu lương thực, thực phẩm trầm trọng, trong đó có Iraq, Zimbabue và Bolivia.

Chính phủ Trung Quốc đã đề ra nhiệm vụ hàng đầu là sản xuất đủ lương thực cung cấp cho hơn 1,3 tỷ người. Báo China Daily cho biết sản lượng lương thực Trung Quốc tăng 2,8% trong năm qua, nhưng quốc gia đông dân nhất thế giới này vẫn luôn phải đối phó với tình trạng thiếu lương thực. Một nghiên cứu mới đây của Chính phủ Trung Quốc cho biết nước này sẽ thiếu 4,8 triệu tấn lương thực năm 2010, tương đương 9% nhu cầu tiêu thụ lương thực trong nước. Những năm tới, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn lương thực mới có thể đáp ứng nhu cầu trong nước.

Ấn Độ, nước đông dân thứ 2, có thể trở thành nước nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới. Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ Sharad Pawar cho biết khả năng tự cung cấp lương thực của nước này hơn 211,3 triệu tấn. Ông nói với dân số hơn một tỷ người, đến năm 2011, Ấn Độ cần tới 254,9 triệu tấn lương thực, thiếu hụt khoảng 20 triệu tấn so với khả năng sản xuất trong nước. Ông kêu gọi tăng giá lương thực, đảm bảo quyền lợi của người nông dân, kích thích sản xuất, mới có thể giảm gánh nặng trợ cấp lương thực của Chính phủ, hiện lên tới 5,6 tỷ USD/năm.

Ông nêu rõ thách thức lớn nhất hiện nay trong sản xuất nông nghiệp ở nước này là tăng năng suất cây trồng, năng suất lao động của nông dân còn rất thấp. Trước mắt cần cải tiến hệ thống thủy nông, xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp và có chính sách cân đối lợi ích giữa người tiêu dùng lương thực và người nông dân.

Hiện tượng khí hậu trái đất ấm lên, hạn hán kéo dài, nguồn nước ngọt khan hiếm dẫn tới sản xuất lương thực, thực phẩm trở nên khó khăn hơn. Báo cáo của các nhà khoa học thuộc Trung tâm khí tượng quốc gia Asheville (Mỹ) cho biết mùa đông ấm nhất trong lịch sử hơn 100 năm nay được ghi nhận ở Bắc bán cầu, làm giảm sản lượng lương thực hàng triệu tấn, gây thiệt hại khoảng 5 tỷ USD.

Riêng tại Mỹ, số liệu từ tháng 12/2006 đến tháng 2 năm nay cho thấy lượng mưa ở miền Trung cao hơn mức trung bình hàng năm, trong khi các khu vực rộng lớn ở miền Đông, Đông Nam và miền Tây thời tiết khô hanh hơn bình thường, nhiệt độ ghi nhận trong thời gian này là 0,9 độ C, trong khi nhiệt độ bình quân trong thế kỷ 20 ở nước này là 0,6 độ C. Tính đến tháng 2/2007, có 25% diện tích lục địa Mỹ trong tình trạng khô hạn, ảnh hưởng lớn tới sản xuất lương thực.

Tình trạng khan hiếm lương thực và giá lương thực tăng cao còn do sự bùng nổ sản xuất ethanol tại Brazil , Mỹ và một số nước trên thế giới. Brazil là nước sản xuất và xuất khẩu ethanol hàng đầu thế giới; mỗi năm sản xuất 18 tỷ lít (4 tỷ gallon) ethanol; xuất khẩu khoảng 3,5 tỷ lít, trong đó 2,5 tỷ lít xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Công trình nghiên cứu của hai nhà kinh tế Ford Runge và Benjamin Senauer thuộc Trường Đại học Minesota cho rằng nhiên liệu sinh học được sản xuất từ ngô, đậu tương và việc gia tăng sử dụng loại nhiên liệu này đã làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu lương thực trên thế giới.

Nghiên cứu của các nhà kinh tế tại Ngân hàng Thế giới (WB) nói lượng tiêu thụ calo của người nghèo trên thế giới đã giảm 0,5% khi giá trung bình của các loại lương thực chính tăng 1%. Sẽ có 1,2 tỷ người thường xuyên thiếu ăn trong những năm tới, tăng hơn 600 triệu người so với dự báo trước đây.

Giá lương thực tăng cùng với các khoản trợ giá nông sản của một số nước đã khiến nông dân chuyển khối lượng lớn ngô, hạt có dầu và các loại lương thực khác để sản xuất ethanol, có thể đẩy giá ngô tăng 20% vào năm 2010 và tăng 41% vào năm 2020. Điều này ảnh hưởng đến giá gạo và lúa mỳ, do nông dân chuyển diện tích sang trồng ngô hay các loại cây có thể sản xuất ethanol sinh lợi nhiều hơn.