11:24 20/01/2008

Thềm lục địa và chiến lược kinh tế biển

Võ Anh Tuấn

Phần đáy biển trung gian giữa đất liền và bình nguyên sâu thẳm, đó chính là thềm lục địa

Khoa học xác định được rằng bên ngoài lãnh thổ của quốc gia ven biển cũng có một dải đất bằng phẳng, với kích thước khác nhau dưới đáy biển, có độ dốc rất thoải (chỉ khoảng 10 phút), dần dần đi xuống thấp cho đến một vùng rất sâu, gọi là “bình nguyên sâu thẳm”.
Khoa học xác định được rằng bên ngoài lãnh thổ của quốc gia ven biển cũng có một dải đất bằng phẳng, với kích thước khác nhau dưới đáy biển, có độ dốc rất thoải (chỉ khoảng 10 phút), dần dần đi xuống thấp cho đến một vùng rất sâu, gọi là “bình nguyên sâu thẳm”.
Thềm lục địa hình thành từ khi “tạo thiên lập địa”. Loài người phát hiện ra nó từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Có quy chế pháp lý quốc tế được tất cả các nước công nhận từ khi ký Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. 

Cuối thế kỷ 19, những cuộc khảo sát biển của nước Anh phát hiện dưới đáy biển, bên ngoài lãnh hải, có một phần đất rộng lớn tiếp giáp đất liền, có nước biển phủ lên trên, nhưng chưa xác định cụ thể nó là gì? Giá trị của nó đối với đời sống của người ra sao?

Thềm lục địa là gì?

Năm 1916, nước Nga thông báo với thế giới rằng: một số đảo mới phát hiện ở phía Bắc Sibêri là “phần kéo dài về phía Bắc thềm lục địa Sibêri”. Đây là lần đầu tiên thuật ngữ “thềm lục địa” và cả khái niệm “phần kéo dài của thềm lục địa” được sử dụng.

Ngày nay, khoa học xác định được rằng bên ngoài lãnh thổ của quốc gia ven biển cũng có một dải đất bằng phẳng, với kích thước khác nhau dưới đáy biển, có độ dốc rất thoải (chỉ khoảng 10 phút), dần dần đi xuống thấp cho đến một vùng rất sâu, gọi là “bình nguyên sâu thẳm”. Phần đáy biển trung gian giữa đất liền và bình nguyên sâu thẳm, đó chính là thềm lục địa.

Tổng diện tích thềm lục địa bao quanh các châu lục lên đến khoảng 27.500.000 km2, bằng 8% diện tích đáy biển. Phân bổ rất không đồng đều giữa các nước ven biển do cấu trúc địa chất của các nước không giống nhau. Có nước hầu như không có (Colombia), hoặc có thềm lục địa hẹp các nước Ảrập, châu Phi). Có nước có thềm lục địa rộng bao la (Mỹ, Nga, Canada, Ireland, Argentina, Australia, Srilanka...).

Hai nguyên tắc cơ bản về luật biển, hình thành từ thế kỷ 18, không còn phù hợp (lãnh hải rộng 3 hải lý và tự do biển cả). Xuất hiện xu hướng mở rộng tối đa quyền tài phán quốc gia ra các vùng biển nhằm mục đích xác định chủ quyền đối với tài nguyên sinh vật và không sinh vật, tăng cường vị thế nước ven biển trong khu vực và trên thế giới.

Mỹ là nước đầu tiên nêu yêu sách về thềm lục địa. Tháng 9/1945, Tổng thống Mỹ Truman tuyên bố: Chính phủ Hoa Kỳ coi các tài nguyên của lòng đất dưới đáy biển thuộc thềm lục địa là thuộc về Hoa Kỳ và đặt dưới quyền tài phán và kiểm soát của mình. Một số nước Mỹ Latinh cũng đơn phương tuyên bố mở rộng các vùng biển quốc gia đến 200 hải lý. Trong khi đó Anh vẫn bám giữ lập trường đã lỗi thời về chiều rộng lãnh hải bằng 3 hải lý...

Hai hội nghị lần thứ nhất (1958) và thứ hai (1960) của Liên hợp quốc về Luật biển đã thất bại trong việc xây dựng một công ước quốc tế toàn diện, quy định chế độ pháp lý quốc tế mới đối với các vùng biển quốc gia và đại dương, đáp ứng lợi ích chính đáng của các nước.

Tình hình đó làm gia tăng mâu thuẫn quyền lợi chiến lược kinh tế - quốc phòng giữa các nước ven biển và không có biển, các nước có công nghệ cao về khai thác độ sâu đáy biển và đại dương, các nước có bờ biển tiếp giáp hoặc đối diện nhau trong việc phân định thềm lục địa.

Thềm lục địa trong Công ước Luật Biển năm 1982

Sau 5 năm trù bị (1967-1972) và 9 năm thương lượng (1973 - 1982), Hội nghị Liên hợp quốc về Luật biển lần thứ ba đã thông qua một Công ước quốc tế về Luật biển ngày 30/04/1982, gồm 17 phần với 320 Điều, một số Phụ lục và Nghị quyết kèm theo.

Đây là một văn kiện pháp lý quốc tế có tính chất tổng hợp toàn diện, bao quát tất cả các vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý của biển và đại dương, đáp ứng lợi ích quốc gia dân tộc của tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc. Công ước Luật Biển năm 1982 được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, chỉ sau Hiến chương Liên hợp quốc.

Công ước năm 1982 đưa ra một định nghĩa về thềm lục địa hoàn toàn khác trước và rất cụ thể. Theo đó, thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phận kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn (Điều 76.1).

Cụ thể là, trường hợp một quốc gia có thềm lục địa hẹp thì tính chiều rộng 200 hải lý (bằng chiều rộng vùng kinh tế đặc quyền). Trường hợp một quốc gia có thềm lục địa quá rộng, nước đó có thể quy định ranh giới phía ngoài của thềm lục địa không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở, hoặc quy định ranh giới ngoài của thềm lục địa của mình không quá 100 hải lý so với đường ngấn sâu 2.500 mét (Điều 76,4).

Về quyền của quốc gia ven biển, Điều 77 của Công ước quy định: “Quốc gia ven biển thực hiện đặc quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy nếu không có sự thỏa thuận của quốc gia đó”.

Khi khai thác phần thềm lục địa nằm ngoài 200 hải lý, nước ven biển phải đóng góp một khoản tiền hoặc hiện vật tối đa là 7% của giá trị hay khối lượng sản phẩm khai thác được ở vùng này cho Cơ quan quyền lực quốc tế để phân chia cho các quốc gia thành viên khác theo một tiêu chuẩn nhất định.

Trong việc phân định thềm lục địa (hay vùng đặc quyền về kinh tế) giữa các quốc gia có bờ biển tiếp giáp hay đối diện với nhau, Công ước năm 1982 đưa ra nguyên tắc giải quyết theo sự thỏa thuận giữa các bên có liên quan, phù hợp luật pháp quốc tế được nên trong Quy chế Tòa án quốc tế sao cho đi đến một giải pháp công bằng (Điều 83.1). (Không phải là giải pháp theo đường trung tuyến, tức “chia đôi”).

Công ước Luật Biển năm 1982 và Việt Nam

Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Luật Biển từ khóa họp lần thứ 6 (tháng 3-7/1977), tức là trước khi được kết nạp vào Liên hợp quốc. Nước ta đã tích cực góp phần vào việc thương lượng để hoàn chỉnh dự thảo Công ước, là một trong những nước đầu tiên ký và phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982.

Công ước đồng thời là một thắng lợi có ý nghĩa to lớn đối với nước ta, là quốc gia có bờ biển dài 3.200km, tiếp giáp hoặc đối diện với nhiều nước láng giềng có biển và không có biển trong khu vực xung quanh Biển Đông.

Công ước đã xác nhận và khẳng định chủ quyền của nước ta đối với các vùng biển và thềm lục địa phù hợp các tuyên bố ngày 12/5/1977 và 12/11/1982 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về các vùng biển Việt Nam, phù hợp chính sách nhất quán của Nhà nước ta nhằm giải quyết những tranh chấp về các vùng biển và thềm lục địa với các nước láng giềng thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc. Trong khi chờ đợi đàm phán đi đến một giải pháp cơ bản và lâu dài, các bên hữu quan cần tự kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Trên tinh thần đó, nước ta đã đàm phán giải quyết tốt đẹp việc phân định ranh giới vùng biển và thềm lục địa cũng như các vùng chồng lấn với hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á.