Thị trường bất động sản năm 2007 sẽ giảm giá
Năm 2007 được dự báo là một năm có nhiều khởi sắc đối với thị trường bất động sản sau hơn 2 năm trầm lắng
Năm 2007 được dự báo là một năm có nhiều khởi sắc đối với thị trường bất động sản sau hơn 2 năm trầm lắng.
Đó là dự báo của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ. Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi cuối năm, ông Võ cũng lưu ý về những việc cần phải làm để tận dụng được các lợi ích từ thị trường này.
Thứ trưởng đánh giá thế nào về những diễn biến trên thị trường bất động sản năm 2007, thưa Thứ trưởng?
Thứ nhất là những sự kiện như WTO, PNTR, CG (Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Hoa Kỳ thông qua Quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn dành cho Việt Nam, Hội nghị các nhà tài trợ Việt Nam - PV) cho thấy khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam năm 2007 là rất lớn và sự đầu tư vào thị trường bất động sản theo đó chắc chắn cũng sẽ tăng nhanh.
Thứ hai, đối với các nhà đầu tư trong nước, hiện nay thị trường chứng khoán thị trường chứng khoán vẫn còn hấp dẫn nhưng theo dự báo của tôi, sẽ có những bước thăng trầm nhất định và sẽ xuất hiện "băng giá" chậm nhất vào khoảng quý II/2007, các nhà đầu tư ở thị trường chứng khoán sẽ quay trở lại thị trường bất động sản nhiều hơn.
Hai lý do đó khiến có thể dự đoán thị trường bất động sản năm 2007 sẽ rất sôi động. Tất nhiên, mức độ sôi động nhiều hay ít còn phụ thuộc vào việc các chính sách của Nhà nước để điều chỉnh mối quan hệ cung - cầu.
Có người dự đoán, việc xuất hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong thị trường bất động sản sẽ càng làm cho giá nhà, đất tăng, quan điểm của ông như thế nào?
Tôi không đồng quan điểm này mà theo tôi, việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều vào thị trường này sẽ là cơ may tốt cho việc giảm giá đối với bất động sản là nhà ở.
Tại sao lại như vậy? Giá nhà đất ở Việt Nam cao trong khi đa số dân có thu nhập trung bình không có khả năng mua là lý do khiến cung và cầu khó gặp nhau, cung thừa mà cầu cũng thừa. Muốn giải quyết được mâu thuẫn này, về mặt vĩ mô là chúng ta phải đẩy mạnh đầu tư cho khu vực nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo; các nhà đầu tư trong nước lâu nay không mặn mà với việc này.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài với khả năng về vốn lớn, trình độ quản lý cao không sợ đầu tư dài hạn, không ngại đầu tư ban đầu lớn sẵn sàng lựa chọn đầu tư vào khu vực này. Nếu chỉ cần có một vài nhà đầu tư lớn dám đầu tư khu chung cư, khu nhà ở cho người lao động bình thường, thu nhập trung bình đến thấp thì chắc chắn việc kéo giá nhà ở xuống mức phù hợp với người có thu nhập trung bình ở Việt Nam sẽ được giải quyết, có nghĩa là làm cho cung và cầu gặp nhau.
Vấn đề là chúng ta phải có chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư dài hơi ở khu vực này.
Cụ thể ở đây là những chính sách gì, thưa ông?
Cần có mặt bằng pháp luật ổn định, đặc biệt tài chính bất động sản phải rất minh bạch và ổn định, trong đó cần tháo gỡ quyền và nghĩa vụ cho nhà đầu tư nước ngoài sao cho bình đẳng với nhà đầu tư trong nước.
Mới đây, chúng tôi đã trình Chính phủ dự định cho phép nhà đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng dự án bất động sản từ nhà đầu tư trong nước. Nhưng kể cả nếu được chấp nhận thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn tới 2 hạn chế rất lớn.
Thứ nhất, theo quy định hiện hành thì nhà đầu tư nước ngoài chỉ được thuê đất không được giao đất, không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và cũng chỉ được thuê đất của doanh nghiệp không được thuê trực tiếp của hộ gia đình cá nhân. Như vậy về quyền là kém xa nhà đầu tư trong nước.
Thứ hai, việc thế chấp quyền sử dụng đất cũng chỉ được thực hiện ở tổ chức tín dụng có pháp nhân trong nước, không được thế chấp tại các tổ chức tín dụng có pháp nhân nước ngoài. Trong khi với WTO thì việc mở cửa thị trường dịch vụ tài chính là rất lớn, nếu như không kịp thời tháo gỡ điểm này sẽ rất thiệt thòi cho thị trường bất động sản.
Để tăng tính hấp dẫn và làm cho bộ mặt thị trường bất động sản Việt Nam phong phú hơn, Nhà nước cần khuyến khích hơn nữa các dự án BOT trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Không có nước nào để ngân sách nhà nước phải chịu tải đầu tư hạ tầng lớn như ở ta trong khi chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng đầu tư trực tiếp FDI dưới hình thức dự án BOT. Nhà nước có thể đầu tư bằng ngân sách Nhà nước sau đó bán quyền khai thác cho các tổ chức, cá nhân. Đó cũng là cách cung cấp hàng hóa đa dạng hơn và hiệu quả hơn cho thị trường bất động sản.
Thưa ông, để đón làn sóng đầu tư nước ngoài, rất nhiều nhà đầu tư trong nước đang có xu hướng xây dựng và phân phối những chung cư rất cao cấp trong thị trường nhà ở, ông đánh giá thế nào về xu hướng này?
Tôi cho rằng đó là một phần của thị trường và những căn hộ chung cư có giá từ 1.300 - 2.000 USD/m2 cũng có sức hấp dẫn nhất định dành cho người có nhiều tiền, nhu cầu cao. Vấn đề nhà đầu tư cần làm là phải tính toán cung - cầu cho hợp lý thì sẽ có lãi cao, nếu không sẽ rơi vào tình trạng ngược lại.
Một điều tra mới đây của một tổ chức tài chính nước ngoài cho thấy khoảng 60% dân Hà Nội và Tp.HCM là tầng lớp trung lưu, tiêu khoảng 7 triệu đồng/tháng. Như vậy thì những căn hộ giá trung bình khoảng từ 1 - 1,5 tỉ đồng/căn là có thể phù hợp với mức thu nhập này.
Những khu chung cư như vậy, cộng với hạ tầng tốt, dịch vụ bảo đảm tôi tin chắc sẽ rất hấp dẫn. Ở các tỉnh, thành phố khác mức đầu tư có thể thấp hơn.