17:20 12/09/2017

Đầu mối quản nợ công: “Tôi không đồng ý với giải trình của Chính phủ”

Nguyễn Lê

“Phải có một ông bộ trưởng chịu trách nhiệm thì mới giám sát và chất vấn được ông ấy”, theo Chủ tịch Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng sửa luật thì quy định phải tiến bộ hơn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng sửa luật thì quy định phải tiến bộ hơn.
“Tôi không đồng ý với giải trình của Chính phủ”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tỏ rõ quan điểm về quy định đầu mối quản lý nợ công, tại phiên họp chiều 12/9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Vẫn tranh luận “ba” hay “một”

Quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong quản lý nợ công là vấn đề đã được tranh luận rất nhiều, song chưa thể đi đến thống nhất tại nhiều phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Trình sửa Luật Quản lý nợ công, Chính phủ Chính phủ vẫn muốn giữ nguyên quy định như hiện hành tại Luật Quản lý nợ công 2009, nhằm ổn định bộ máy, không gây xáo trộn tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của ba cơ quan.

Theo đó, Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nợ công, chủ trì đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận vay cụ thể (trừ các thỏa thuận vay với các tổ chức tài chính quốc tế do Ngân hàng Nhà nước chủ trì).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thống nhất quản lý vốn vay ODA, trong đó chủ trì vận động, điều phối, đàm phán ký kết các hiệp định khung về ODA và vay ưu đãi.

Ngân hàng Nhà nước thực hiện vai trò chủ trì đàm phán ký kết các hiệp định vay ODA với các tổ chức tài chính quốc tế (Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á).

Trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị quy về một đầu mối, chứ không để ba như hiện hành. Nhưng đến phiên họp tháng 8/2017 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ vẫn kiên trì giữ nguyên quan điểm.

Tuy nhiên, khi đó Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Nếu Quốc hội thấy có phương án hiệu quả hơn thì Chính phủ không thể từ chối được”.

Cuối cùng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ làm rõ “lợi - hại” của phương án hiện hành và phương án một đầu mối.

Tới chiều 12/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lại tiếp tục có mặt nghe Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về đầu mối quản nợ công.

“Chẳng tiếp thu gì cả”

Tại đây, báo cáo quan điểm về vấn đề này của cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết Chính phủ đã giải trình và đề nghị quy định theo hướng: Chính phủ thống nhất quản lý về nợ công, các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nợ công theo phân công của Chính phủ.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban thẩm tra đề nghị luật cần quy định rõ: Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công, giao một cơ quan làm đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công theo hướng giao Bộ Tài chính làm cơ quan đầu mối và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của bộ trong quản lý nợ công. Chính phủ phân công nhiệm vụ đối với các bộ, ngành có liên quan trong việc phối hợp với Bộ Tài chính trong quản lý nợ công.

Tuy nhiên, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban cho rằng, cần quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong quản lý nợ công. Việc chỉ quy định chung chung, không xác định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong nội dung dự thảo luật sẽ dẫn đến nhiều nội dung phải giao Chính phủ quy định, chưa bảo đảm tính cụ thể, chưa hạn chế tình trạng “luật khung, luật ống”, sẽ phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Nhấn mạnh là không đồng ý với giải trình của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội nêu, “Bộ Tài chính chẳng tiếp thu gì cả”, vì nếu như vậy thì còn thụt lùi so với luật hiện hành.

“Tùm lum thì đâu có giám sát được”

Cho rằng ý kiến bên nào cũng chưa thuyết phục, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt băn khoăn là nếu để một đầu mối thì tổ chức mới này hoạt động thế nào, liệu có hơn ba đầu mối như cũ không?

“Tôi chỉ sợ khi thành lập một đầu mối mà không hiệu quả thì lại bảo tại Thường vụ”, ông Việt nói.

Khẳng định là không thành lập tổ chức mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Anh Việt nói chưa đúng”.

Bà nhấn mạnh, không thể sửa luật mà lại có bước lùi, sửa thì quy định phải tiến bộ hơn. Theo bà thì “không thể nói giao hết cho Chính phủ, phải có một ông bộ trưởng chịu trách nhiệm thì mới giám sát và chất vấn được ông ấy, chứ cứ tùm lum thì đâu có giám sát được”.

Vừa qua do quản lý cắt khúc nên đến hạn trả nợ thì không trả nợ được mà lại đi vay để đáo hạn, giờ nợ công gần chạm trần và cứ đến hạn là phải vay tiếp để đáo hạn, người đứng đầu Quốc hội sốt ruột.

Đồng tình với Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng tình quy định Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nợ công.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng phân tích của thiểu số tại cơ quan thẩm tra có lý hơn. Tức là cần quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong quản lý nợ công.

“Chúng ta đang cải cách hành chính, một việc giao cho ba cơ quan thì làm sao nói là cải cách được”, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhìn nhận.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển gút lại quy định theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý nợ công, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản  lý nợ công  và phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề nợ công.

Trước đó, cả Chủ tịch Quốc hội và nhiều ý kiến khác đều đồng tình sẽ xin ý kiến của Bộ Chính trị về vấn đề này.