Thủ đô sẽ có thêm 25 hồ mới để chống ngập
Sau khi đại biểu Quốc hội đề cập tình trạng cứ mưa là ngập của hai thành phố lớn nhất nước, Chủ tịch Hà Nội và Tp.HCM đều đã trả lời về các phương án chống ngập
Sáng 16/8, trong phiên chất
vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, sau khi đại biểu Quốc hội đề cập về sự nhếch
nhác, gồm cả việc cứ mưa là ngập của hai thành phố lớn nhất nước, Chủ
tịch UBND Tp.Hà Nội và Tp.HCM đều đã trả lời về các phương án chống
ngập.
Chủ tịch UBND thành phố
Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói rằng, nhiều năm qua ngập lụt sau mỗi cơn mưa
to luôn gây ra bức xúc cho người dân và khách đến với Thủ đô. Ngập lụt
cũng đưa đến hệ quả khác là ùn tắc giao thông, nên đây là vấn đề được cử
tri Hà Nội cũng như các đại biểu Quốc hội quan tâm.
“Từ
năm 2002, Hà Nội đã được Nhà nước quan tâm, cho triển khai 2 dự án
thoát nước giai đoạn 1 và giai đoạn 2 với nguồn vốn ODA Nhật Bản, trong
đó giai đoạn 1 đã hoàn thành và giai đoạn 2 cũng cơ bản hoàn thành. Tuy
nhiên, dù có hoàn thành cả hai dự án thì đối với các quân nội thành cũ,
một phần quận Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Tây Hồ cũng chỉ chịu được
mưa 120 mm, mưa trên lượng đó vẫn tạo ra úng ngập cục bộ”, ông Chung
trình bày.
Người đứng đầu chính quyền Hà Nội
cũng cho biết, khu vực phía Tây Hà Nội, bao gồm quận Cầu Giấy, Hà Đông
đang có dự án cống liên mạch, nạo vét sông Nhuệ... sẽ giải quyết được
ngập lụt khu vực này.
Liên quan đến sự tồn tại
của các hồ ở Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông tin: giai đoạn
2016 - 2020, Hà Nội sẽ đào và bổ sung 25 hồ ở nội thành, trong đó có
những hồ dung tích lớn như hồ CV1 ở Cầu Giấy với diện tích 32 ha (trong
đó có 19 ha mặt hồ) cũng sẽ giúp giảm áp lực ngập lụt khi mưa lớn. Ngoài
ra, Hà Nội cũng đang tập trung xây dựng hệ thống liên quan đến thu gom
xử lý nước thải sông Tô Lịch và dự án trạm bơm Liên Xá với công suất khá
lớn. Hà Nội cũng đang tiến hành nạo vét 128 hồ, trong đó có Hồ Tây và
hồ Hoàn Kiếm, nếu xong vào tháng 2/2018 cũng tăng thêm dung tích hơn 1
triệu m3 để tiêu bớt úng.
“Mặc dù vấn đề nan giải, nhưng chúng tôi đang tiếp tục đưa ra giải pháp”, ông Chung hồi âm sự quan tâm của đại biểu và cử tri.
Đăng
đàn sau đó, phần nói về chống ngập, Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành
Phong lập luận: muốn trị được bệnh phải chẩn đoán đúng nguyên nhân. Ông
Phong cho biết hiện đã xác định được nhiều nguồn, triều cường do biến
đổi khí hậu, do lũ trên nguồn (hồ Dầu tiếng đổ xuống), do mưa (cuối
2016, dầu 1017 tăng mạnh) và ngập do lún. Do quản lý yếu kém, do ý thức
của một bộ phận người dân.
Nhấn mạnh sự cần
thiết phải có giải pháp tổng hợp, ông Phong cho biết thêm vừa qua đã
triển khai các giải pháp mang tính chất công trình, như dự án chống
triều cường.
"Chúng tôi sẽ sớm báo cáo để Chính
phủ trình Quốc hội. Nhưng cái đó cũng chỉ giải quyết được một phần
thôi. Những giải pháp khác phi công trình như quản lý, nâng cao ý thức
người dân, không xả rác, không tác động đến dòng chảy của kênh mương và
các dự án hồ điều tiết.... cũng rất cần thiết"- ông Phong nói.
Vị
đứng đầu chính quyền đô thị đặc biệt phía Nam cho biết thêm, Thường
trực UBND thành phố và ông đã đi kiểm tra từng điểm ngập.
Chúng
ta đã có nhiều nỗ lực, nhưng có chuyện người dân xả rác, thải cát làm
nghẽn đường thoát nước. Chúng tôi đang tập trung vận động người dân,
phát huy trách nhiệm của chính quyền địa phương phối hợp với giải pháp
công trình để giảm ngập. Tuy nhiên, cả ùn tắc giao thông hay chống ngập
cũng phải có thời gian, không làm ngay được, ông Phong nói.