Thủ tướng muốn doanh nghiệp Mỹ trải lòng khi đầu tư vào Việt Nam
Thủ tướng hỏi doanh nghiệp Hoa Kỳ: Điều gì làm các bạn băn khoăn nhất về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam?
Tối 27/9 (giờ Việt Nam), thành phố tại New York, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc tọa đàm với 40 tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như IBM, AIG, AES, GE, AT&T, Walmart…
"Ai sẵn lòng vào Việt Nam?"
Tại cuộc tọa đàm, Thủ tướng khẳng định sẵn sàng lắng nghe những nguyện vọng, phản ánh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cũng như sẵn sàng trả lời các câu hỏi, thắc mắc của các nhà đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án, chương trình hợp tác kinh doanh tại Việt Nam.
Nhấn mạnh đến tiềm năng rất lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam - một trong những thị trường tăng trưởng cao nhất thế giới, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Hoa Kỳ trao đổi kỹ những vấn đề còn bất cập, cần có sự hỗ trợ, ủng hộ và tạo điều kiện từ phía Chính phủ, nhất là về cơ chế, chính sách.
"Việt Nam sẵn sàng ủng hộ các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, nhất là việc tận dụng những tiềm năng lợi thế về công nghệ, lực lượng lao động sẵn có của một thị trường Việt Nam rộng lớn cùng những điều kiện thuận lợi khác về thể chế", Thủ tướng nói.
Tiếp đó, Thủ tướng đặt câu hỏi: "Điều gì làm các bạn băn khoăn nhất về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Chính phủ cần điều chỉnh điều gì để các nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam? Cho tôi biết ai sẵn lòng vào Việt Nam để biến ý tưởng thành hiện thực".
Trước cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, Thủ tướng cũng thông tin thêm, theo dự báo năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng có thể đạt 7%. Cùng với đó là kinh tế vĩ mô rất ổn định, lạm phát thấp. Hiện đã có 24.000 dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với hơn 350 tỷ USD đã được đầu tư.
Kêu gọi các các doanh nghiệp Hoa Kỳ hãy đầu tư vào Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ muốn các nhà đầu tư chia sẻ ngắn gọn quan điểm về phương thức và những gì Chính phủ Việt Nam có thể làm để cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự đem lại lợi ích và khả năng tạo ra bước phát triển đột phá cho Việt Nam hơn là bị đe dọa về việc làm và nguy cơ bị tụt lại phía sau… "Tất cả điều đó chúng tôi muốn nghe ý kiến các bạn", Thủ tướng bày tỏ.
Tin tưởng vào Chính phủ
Tại buổi tọa đàm, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đều bày tỏ lạc quan về cơ hội và triển vọng đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, trong đó có nhiều nhà đầu tư đã có mặt ở Việt Nam hàng thập kỷ.
Đặc biệt, các nhà đầu tư tin tưởng vào sự quyết liệt trong điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ Việt Nam, trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, nền kinh tế số... ở Việt Nam.
Ông Bernerd De Santos, Phó chủ tịch, Giám đốc điều hành Tập đoàn AES, một trong 200 doanh nghiệp năng lượng có doanh thu lớn nhất toàn cầu, cho biết, Tập đoàn mong muốn tham gia vào quá trình phát triển kinh tế Việt Nam.
"AES đã đầu tư ở Việt Nam 10 năm trước trong lĩnh vực phát điện với tổng vốn đầu tư là 2 tỷ USD. Tập đoàn nhận thấy có nhiều cơ hội cho các công ty Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam liên quan đến lĩnh vực năng lượng tái tạo, khí và khí hóa lỏng. Chúng tôi nhận thấy rất rõ thông điệp của Thủ tướng là đảm bảo duy trì kinh tế vĩ mô ở Việt Nam", ông Bernerd De Santos nói.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn GE Global bày tỏ mong muốn Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng Việt Nam đẩy nhanh việc ra các quyết sách hơn nữa, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Đại diện Tập đoàn Medlife cho biết đã liên doanh với BIDV của Việt Nam từ năm 2014 khá hiệu quả và nhận thấy lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Tập đoàn mong muốn Chính phủ tiếp tục cải cách các doanh nghiệp Nhà nước, nhất là lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tạo thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư.
Đại diện Hãng Motorola mong muốn đầu tư vào lĩnh vực xây dựng thành phố thông minh và đề nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ, tạo thuận lợi trong hoạt động này... Một số tập đoàn khác thì bày tỏ quan tâm đến lĩnh vực Chính phủ điện tử, cải thiện việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tại cuộc tọa đàm, Thủ tướng và một số Bộ trưởng đã trực tiếp giải đáp, làm rõ các vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm.
Kết thúc tọa đàm, cảm ơn các nhà đầu tư đã tham gia và nêu ra nhiều ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hy vọng hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ là hợp tác toàn diện mà trước hết là hợp tác kinh tế, thương mại và trong đó, ưu tiên lĩnh vực công nghệ.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn mở cửa đón chào các nhà đầu tư và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thành công.