Thủ tướng: Quyết liệt hơn nữa trong truy vết, khoanh vùng dịch Covid-19
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong truy vết, khoanh vùng" khi xuất hiện ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại Tp.HCM
Sáng 2/12, phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong truy vết, khoanh vùng" khi xuất hiện ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại Tp.HCM.
Tại phiên họp, Thủ tướng đề cập đến trường hợp lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng ở Tp.HCM và cho biết, hôm qua, Thường trực Chính phủ đã họp về vấn đề này. Thủ tướng đã có chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc những cá nhân, tổ chức liên quan không thực hiện đúng quy trình cách ly làm lây nhiễm bệnh; giao Bộ Giao thông Vận tải xử lý trực tiếp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
"Tinh thần là quyết liệt hơn nữa, thực hiện nghiêm túc các biện pháp", Thủ tướng nêu rõ. Không để dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng đến các hoạt động, sự kiện lớn của đất nước. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo thêm về vấn đề này.
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, "tinh thần là chúng ta tiếp tục tháo gỡ hơn nữa cho sản xuất kinh doanh, kể cả vấn đề đầu tư công và các mặt khác" để tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong tháng 12, một tháng có rất nhiều ý nghĩa.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết 01, một nghị quyết quan trọng của năm 2021.
"Đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo khả năng sẽ vượt thu ngân sách và từ đó theo thống kê mà đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo sau đây, chúng ta sẽ đạt mức tăng trưởng từ 2,5 - 3%", Thủ tướng nói. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam, có thể phục hồi tăng trưởng 7% hoặc trên 7% trong năm 2021. Trong khối ASEAN, Việt Nam giữ được đà tăng trưởng có thể nói là cao nhất.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế Việt Nam trong tháng 11 tiếp tục duy trì đà phục hồi trong điều kiện bình thường mới. Sản xuất kinh doanh, thương mại và tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng. Lạm phát được kiểm soát, xuất siêu kỷ lục, dự trữ ngoại hối cao. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam đang rất khả quan.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 lên mức 2,4%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Điều này một lần nữa thể hiện sự ghi nhận của các chuyên gia, tổ chức quốc tế vào thành tựu phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Trong thời gian tới, bối cảnh trong nước và quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia lớn, là đối tác quan trọng của Việt Nam và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến thương mại, du lịch và đầu tư. Trong nước, sản xuất công nghiệp tăng, nhưng chậm lại so với tháng trước; dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành phục hồi chậm.
Mặc dù còn khó khăn, thách thức, nhiều cơ hội vẫn đang rộng mở để Việt Nam có thể nắm bắt, vươn lên. Các cân đối vĩ mô quan trọng được giữ vững tạo điều kiện tốt để tiếp tục thực hiện các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế. Các hiệp định EVFTA và RCEP là thời cơ tốt để thúc đẩy thương mại. Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án nối lại hoạt động thương mại, đầu tư.