22:33 15/12/2020

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu thông tin "bê tông hóa" các điểm du lịch

Tuệ Linh

Cách làm du lịch kiểu tư duy "nhiệm kỳ", tầm nhìn ngắn hạn của ngành du lịch nói chung hiện nay không mang lại nhiều ích lợi cho cả xã hội cũng như kinh tế

Thực tế, bê tông hóa các điểm du lịch dường như đang trở thành "hội chứng" mà các điểm du lịch nổi tiếng như Sapa, Hội An, Phú Quốc, Nha Trang... đang phải đối mặt.
Thực tế, bê tông hóa các điểm du lịch dường như đang trở thành "hội chứng" mà các điểm du lịch nổi tiếng như Sapa, Hội An, Phú Quốc, Nha Trang... đang phải đối mặt.

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh: Lào Cai, Quảng Nam, Kiên Giang, Khánh Hòa và các cơ quan liên quan nghiên cứu thông tin báo chí nêu về việc bê tông hóa các điểm du lịch đang trở thành "hội chứng".

Theo Văn phòng Chính phủ, báo chí vừa qua có bài viết "Bê tông hóa khu du lịch, Rất khó để sửa sai", trong đó thông tin: Bê tông hóa các điểm du lịch đang trở thành "hội chứng" ở Sapa, Hội An, Phú Quốc, Nha Trang. Muốn phát triển du lịch bền vững, cần phải có tư duy, tầm nhìn chiến lược trong quản lý quy hoạch, lấy ý kiến từ nhiều bên. Xây dựng tràn lan thì dễ, nhưng để "sửa sai", "dọn dẹp" tình trạng bê tông hóa là rất khó và tốn kém.

Thực tế, bê tông hóa các điểm du lịch dường như đang trở thành "hội chứng" mà các điểm du lịch nổi tiếng như Sapa, Hội An, Phú Quốc, Nha Trang... đang phải đối mặt. Các khách sạn, nhà hàng, resort như đang muốn tư hữu hóa các di sản. 

Cụ thể, tại Tam Đảo, vốn là một dãy núi đá ở vùng Đông Bắc Việt Nam hấp dẫn khách du lịch với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và đặc biệt nổi tiếng với thị trấn được xây dựng từ thời Pháp thuộc làm khu nghỉ mát thế nhưng nơi đây cũng đã được "cào bằng", xẻ núi xây khách sạn, bê tông hóa cảnh quan. 

Hay tại Đà Lạt, ngoài các khu du lịch như hồ Than Thở, thác Cam Ly, thung lũng Tình Yêu, các danh thắng như ga xe lửa Đà Lạt, hồ Tuyền Lâm, dinh Bảo Đại cũng đang bị xâm hại. Thậm chí, hai biểu tượng của Đà Lạt là rạp hát Hòa Bình và tòa Dinh Tỉnh trưởng, nơi thì tiến tới đập bỏ, nơi thì "di dời" để nhường khuôn viên cho cao ốc thương mại.

Cho đến vùng biển, trường hợp dễ thấy nhất có thể kể đến đó là Nha Trang, với các đồ án quy hoạch chung cho phép xây dựng cao ốc 50 - 60 tầng dọc bờ biển, biến nơi đây thành một "bức tường cao ốc" ngăn thành phố với biển. 

Trên thực tế, việc xẻ núi làm khách sạn hay xây cao ốc "chắn" biển đã để lại nhiều hệ lụy. Tại Phú Quốc đó là việc Phú Quốc hứng chịu mưa lũ bởi các hệ thống nước tự nhiên bị chắn lại, hiện tượng "tư nhân hóa" bãi biển bởi bức tường bê tông ở Nha Trang, Sapa với các dự án cao tầng chèn kín các khoảng trống giữa các cụm nhà, chỉ còn lại những không gian chật hẹp, tối tăm và rất ẩm thấp, hay một bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) ngổn ngang với với những công trình nham nhở, bỏ hoang.

Theo chuyên gia, việc phát triển du lịch không thể chạy theo làm kinh doanh dịch vụ, để bê tông lấn át núi đồi. Việc để nhà đầu tư "dẫn dắt cho hoạt động xẻ núi, san nền, bê tông hóa" là những biến tướng rất nguy hiểm. Không ai dám đảm bảo khi có những biến đổi địa tầng, sẽ không xảy ra một thảm họa như ở tỉnh Quảng Nam vừa qua.  

Chuyên gia cho rằng, cách làm du lịch kiểu tư duy "nhiệm kỳ", tầm nhìn ngắn hạn như ở Tam Đảo nói riêng cũng như của ngành du lịch nói chung hiện nay không mang lại nhiều ích lợi cho cả xã hội cũng như kinh tế. 

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh: Lào Cai, Quảng Nam, Kiên Giang và Khánh Hòa và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, xử lý.