Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Từ khởi đầu hứa hẹn đến tương lai khó đoán
Không ai có thể dám chắc cuộc gặp liệu có diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6 như dự kiến
Sau một sự khởi đầu đầy hứa hẹn, kế hoạch cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bỗng trở nên bấp bênh, khó đoán. Sau những lời cảnh báo từ phía hai bên mấy ngày qua, không ai có thể dám chắc cuộc gặp liệu có diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6 như dự kiến.
Sau một năm 2017 đầy sóng gió, với những vụ thử tên lửa và hạt nhân liên tiếp của Triều Tiên, cũng như những lời đe dọa chiến tranh hạt nhân mà Washington và Bình Nhưỡng nhằm vào nhau, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã có sự cải thiện rõ rệt ngay từ đầu năm 2018.
"Phép thử" lẫn nhau?
Những diễn biến tích cực liên tiếp được ghi nhận: từ việc Triều Tiên cử đoàn dự Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc, cho tới cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên sau hơn một thập kỷ, hai chuyến thăm Trung Quốc liên tiếp của ông Kim Jong Un, và kế hoạch cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Những "lời có cánh" đã được đưa ra về tương lai của Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, sau hai lần liên tiếp thăm Triều Tiên và gặp ông Kim Jong Un, tuyên bố Mỹ sẽ nhất trí dỡ lệnh trừng phạt cho Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng chấp nhận phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
"Chúng tôi có thể tạo điều kiện cho thịnh vượng kinh tế thực sự cho người dân Triều Tiên, sự thịnh vượng có thể cạnh tranh với Hàn Quốc", ông Pompeo nói hôm 12/5, sau khi trở về Washington từ Bình Nhưỡng, đưa theo 3 công dân Mỹ được Triều Tiên trả tự do.
Tuy nhiên, sự khởi sắc này đột ngột vấp phải trở ngại khi Triều Tiên vào hôm 16/5 bất ngờ thay đổi thái độ, dọa hủy cuộc gặp giữa ông Kim Jong Un với ông Trump.
Lý do mà Triều Tiên đưa ra cho lời cảnh báo này là một cuộc tập trận chung trên không giữa Mỹ và Hàn Quốc - hoạt động mà Bình Nhưỡng luôn cáo buộc là sự chuẩn bị cho chiến tranh xâm lược - và việc ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, gợi ý áp dụng "mô hình Libya" trong vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
"Mô hình Libya" vấp phải sự phản đối của Bình Nhưỡng, bởi nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã bị hạ bệ và bị giết chết bởi lực lượng nổi dậy sau khi ông Gaddafi từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt theo một thỏa thuận với phương Tây vào năm 2003. Quan chức Mỹ tiết lộ với truyền thông nước này rằng họ đã bất ngờ và sốc trước sự thay đổi thái độ này của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng Triều Tiên đang làm một phép thử để xem ông Trump sẵn sàng nhượng bộ đến đâu trong cuộc gặp với ông Kim Jong Un, đặc biệt trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Dù đã hứa sẽ dừng thử vũ khí và dỡ bỏ khu thử hạt nhân Punggye-ri, Triều Tiên vẫn chưa có động thái nào cho thấy họ sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân - điều mà ông Trump đến nay vẫn nhất mực yêu cầu đối với Bình Nhưỡng.
Triều Tiên đã mời một đoàn nhà báo nước ngoài, gồm nhà báo từ các hãng tin AP, CNN, CBC, Russia Today, truyền thông Hàn Quốc và truyền thông nhà nước Trung Quốc đến để chứng kiến việc nước này dỡ bỏ khu thử hạt nhân Punggye-ri, nhưng không mời các chuyên gia kỹ thuật. Ngoài ra, chưa có gì đảm bảo rằng việc Punggye-ri bị dỡ bỏ - dự kiến vào một thời điểm nào đó từ ngày 23-25/5 tùy điều kiện thời tiết - đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Sau gần một tuần thể hiện thái độ thận trọng, đến ngày 22/5, đến lượt ông Trump cảnh báo có thể hoãn, thậm chí là hủy cuộc gặp với ông Kim Jong Un.
Ảnh hưởng của Trung Quốc?
Phát biểu tại Nhà Trắng sau một cuộc bàn bạc với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Trump nói: "Có một khả năng rất lớn… là cuộc gặp sẽ không diễn ra. Và như thế cũng không sao. Điều đó không có nghĩa là cuộc gặp sẽ không diễn ra sau đó. Có thể cuộc gặp sẽ không diễn ra vào ngày 12/6, nhưng chúng tôi vẫn có cơ hội có một cuộc gặp".
Giới phân tích cho rằng người đứng đầu Nhà Trắng đang đáp lại "phép thử" của Bình Nhưỡng bằng một "phép thử" của chính ông, để xác định về mức độ thiện chí của Triều Tiên. "Ông Trump không muốn bị nhìn nhận là ông ấy cần cuộc gặp này hơn ông Kim Jong Un", nhà phân tích Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington nhận định.
Trong diễn biến mới nhất, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui ngày 24/5 nói rằng tương lai của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều "phụ thuộc hoàn toàn" vào Mỹ. "Chúng tôi sẽ không cầu xin Mỹ đối thoại và cũng không tự chuốc lấy rắc rối bằng cách thuyết phục họ nếu như họ không muốn ngồi xuống cùng chúng tôi", bà Choe nói trong một bản tin được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đăng tải.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Đại Liên hôm 7-8/5 - Ảnh: Tân Hoa Xã/CNBC.
Theo một số chuyên gia, Trung Quốc có ảnh hưởng lớn và cũng có nhiều lợi ích liên quan đến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Thậm chí, có những ý kiến cho rằng cuộc gặp này có diễn ra hay không và đạt kết quả ra sao tùy thuộc vào Trung Quốc - đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên. Hai cuộc gặp của ông Kim Jong Un với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một thời gian ngắn rõ ràng là một sự "nhắc nhở" về vai trò của Bắc Kinh.
Ông Fred Kempe, Chủ tịch tổ chức nghiên cứu quan hệ quốc tế Atlantic Council, cho rằng đối với Bắc Kinh, điều tốt nhất là "một thỏa thuận hòa bình làm suy yếu liên minh Mỹ-Hàn, giảm nguy cơ xung đột trên bán đảo Triều Tiên và dòng người tị nạn ở biên giới Trung-Triều, và cuối cùng dẫn tới việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc" - một trong những điều kiện tiên quyết mà Triều Tiên đưa ra đối với Mỹ để Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Chấm dứt sự hiện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc sẽ giúp Trung Quốc đạt mục tiêu là giảm thiểu ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á.