Thương mại gạo nở rộ ở đáy thị trường
Hệ thống thương mại lúa gạo nước ta đã phát triển nhanh, đáng đoạt giải “ngoại hạng”
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới với lượng gạo xuất khẩu hiện chiếm 20% thương mại lúa gạo toàn cầu. Hệ thống thương mại lúa gạo nước ta đã phát triển nhanh, đáng đoạt giải “ngoại hạng”. Thế nhưng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp nhất thế giới, điều này cho thấy mặc dù thương mại gạo sôi động, nhưng lại diễn ra ở đáy thị trường.
Ngày 28/6/2012, Viện Chính sách chiến lược nông nghiệp nông thôn (Ipsard) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo “An ninh lương thực tại Việt Nam: thực trạng, chính sách và triển vọng”. Mặc dù Chính phủ đã đưa ra rất nhiều giải pháp để giúp nông dân tiêu thụ lúa gạo, thế nhưng giá lúa trong nước và gạo xuất khẩu vẫn liên tục giảm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Giá xuất khẩu bình quân chung 6 tháng đầu năm 2012 đã giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 3,7 triệu tấn, với giá trị 1,7 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước giảm 8,8% về lượng và 13,5% về giá trị.
Theo TS. Steven Jaffee, Điều phối viên Chương trình hợp phần Phát triển nông thôn của WB, có thể nói Việt Nam đã đoạt “giải ngoại hạng” về phát triển mậu dịch lúa gạo. Thế nhưng, chuỗi giá trị lúa gạo ở ĐBSCL được phát triển mà không có sự định hướng về chất lượng sản phẩm. Chỉ vì không có sản phẩm nào bị từ chối thu mua, và dù loại gạo chất lượng cao hơn cũng vẫn bị thu mua với giá thấp, cho nên chuỗi giá trị lúa gạo ĐBSCL vẫn còn tương đối kém phát triển cả về khía cạnh vật chất và thể chế. Rất ít các thương hiệu lúa gạo của Việt Nam được nhận ra trên thị trường quốc tế và sản phẩm không được phân biệt bởi xuất xứ địa lý.
Chuỗi thương mại lúa gạo ĐBSCL được nhận định là quá dài so với các chuỗi sản phẩm khác và so với chuỗi giá trị lúa gạo ở những quốc gia sản xuất gạo hàng đầu khác. Chiều dài lê thê của chuỗi sản xuất thể hiện ở chỗ, có tối thiểu 5- 6 đối tượng tham gia từ cánh đồng cho tới cảng xuất hàng. Có khoảng 1,46 triệu người trồng lúa ở ĐBSCL gần như cùng bán lúa ra thị trường vào thời điểm thu hoạch. Hầu như không có cơ sở xay sát nào thu mua lúa trực tiếp từ nông dân, mà thay vào đó là thu mua từ một loạt các thương lái – hiện có vài ngàn thương lái thu mua hoạt động ở ĐBSCL. Nghiên cứu cho thấy, chuỗi giá trị lúa gạo ĐBSCL thất thoát khoảng 600 triệu USD mỗi năm về giá trị dưới hình thức thất thoát về vật chất và chất lượng - đây không phải là khoản tiền nhỏ.
Ông Steven Jaffee nhấn mạnh những nghịch lý: từ một quốc gia thiếu lương thực, ngày nay xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm 20% thương mại gạo trên thị trường thế giới. Thế nhưng, thu nhập của người trồng lúa vẫn bấp bênh. Nông dân không những không được hưởng lợi từ những đợt giá xuất khẩu tăng cao mà còn gánh chịu thiệt hại từ những đợt giá xuất khẩu sụt giảm.
Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Ipsard cho biết, hệ thống chính sách của nhà nước trong điều hành xuất khẩu gạo nói riêng, chuỗi giá trị lúa gạo nói chung chủ yếu tác động vào nguồn cung.
Một là, chính sách bảo vệ quỹ đất lúa ổn định ở 3,8 triệu ha, cho sản lượng ổn định ở mức hơn 40 triệu tấn, tương đương với 20 triệu tấn gạo đủ cho tiêu dùng trong nước 12-13 triệu tấn gạo và xuất khẩu 5-6 triệu tấn.
Hai là, quy định giá sàn thu mua lúa phải đảm bảo cho nông dân lãi ít nhất 30%. Tuy nhiên thực tế chính sách này ít đạt hiệu quả vì khó tính giá thành lúa và 30% lợi nhuận này đã bị thương lái lấy đi một phần nên nông dân không được hưởng lợi như kỳ vọng.
Nhằm đảm bảo cho nông dân có lãi, Nhà nước cũng cho thu mua tạm trữ nhằm tăng cầu để tăng giá. Tuy nhiên giải pháp này dường như chỉ có lợi cho các doanh nghiệp mà ít có lợi cho nông dân, vì khi giá lúa thấp thì doanh nghiệp tập trung vào thu mua, khi giá lúa lên cao thì doanh nghiệp ngừng thu mua.
Ba là, xây dựng, cải tạo các kho dự trữ lúa gạo tại ĐBSCL, nhằm dự trữ đủ 4 triệu tấn lúa.
Bốn là, siết điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo với các tiêu chí bắt buộc phải có ít nhất kho chuyên dùng 5.000 tấn, sở hữu cơ sở xay sát công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, có dự trữ tối thiểu 10% lượng gạo xuất khẩu từ 6 tháng trước... Tuy nhiên, chính sách này đang thể hiện bất cập ở chỗ tạo điều kiện độc quyền cho các doanh nghiệp lớn, trong khi lại chưa thể hiện điều kiện ràng buộc với nông dân.
GS.TS C.Peter Timmer, Trung tâm phát triển toàn cầu, Đại học Stanford Hoa Kỳ nhận định: Có thể một cuộc khủng hoảng trong thương mại lúa gạo đang ló dạng trên thế giới. Tiêu thụ gạo giảm trong khi thu nhập đầu người tăng và gạo ngày càng trở thành lương thực cho người nghèo. Viễn cảnh nhu cầu về gạo đang giảm sút, trong khi áp lực từ nhiều quốc gia sản xuất lúa vẫn đang tiếp tục phải tăng năng suất lúa, tăng nguồn cung để đẩy mạnh xuất khẩu thu ngoại tệ. Tuy vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu của thế giới trong 20 năm nữa. Vì vậy, Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược phát triển chuỗi sản xuất – thương mại lúa gạo bền vững hơn, giải quyết các nghịch lý để thực sự đem lại lợi nhuận cao cho nông dân trồng lúa.
Nhằm giải quyết những bất cập về chính sách điều tiết chuỗi lúa gạo, Ipsard đề xuất phải tập trung xây dựng cánh đồng mẫu lớn để có vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp, giảm hệ thống thương lái thu gom. Đồng thời, cần cải tiến hoạt động của Hiệp hội Lương thực, cần có sự tham gia của nông dân, doanh nghiệp nhỏ ở tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, kinh doanh. Nhà nước cũng cần áp dụng các chính sách điều tiết thị trường như kho tàng, thuế xuất nhập khẩu, cần nghiên cứu lại chính sách hỗ trợ thu mua tạm trữ lúa gạo.
Ngày 28/6/2012, Viện Chính sách chiến lược nông nghiệp nông thôn (Ipsard) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo “An ninh lương thực tại Việt Nam: thực trạng, chính sách và triển vọng”. Mặc dù Chính phủ đã đưa ra rất nhiều giải pháp để giúp nông dân tiêu thụ lúa gạo, thế nhưng giá lúa trong nước và gạo xuất khẩu vẫn liên tục giảm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Giá xuất khẩu bình quân chung 6 tháng đầu năm 2012 đã giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 3,7 triệu tấn, với giá trị 1,7 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước giảm 8,8% về lượng và 13,5% về giá trị.
Theo TS. Steven Jaffee, Điều phối viên Chương trình hợp phần Phát triển nông thôn của WB, có thể nói Việt Nam đã đoạt “giải ngoại hạng” về phát triển mậu dịch lúa gạo. Thế nhưng, chuỗi giá trị lúa gạo ở ĐBSCL được phát triển mà không có sự định hướng về chất lượng sản phẩm. Chỉ vì không có sản phẩm nào bị từ chối thu mua, và dù loại gạo chất lượng cao hơn cũng vẫn bị thu mua với giá thấp, cho nên chuỗi giá trị lúa gạo ĐBSCL vẫn còn tương đối kém phát triển cả về khía cạnh vật chất và thể chế. Rất ít các thương hiệu lúa gạo của Việt Nam được nhận ra trên thị trường quốc tế và sản phẩm không được phân biệt bởi xuất xứ địa lý.
Chuỗi thương mại lúa gạo ĐBSCL được nhận định là quá dài so với các chuỗi sản phẩm khác và so với chuỗi giá trị lúa gạo ở những quốc gia sản xuất gạo hàng đầu khác. Chiều dài lê thê của chuỗi sản xuất thể hiện ở chỗ, có tối thiểu 5- 6 đối tượng tham gia từ cánh đồng cho tới cảng xuất hàng. Có khoảng 1,46 triệu người trồng lúa ở ĐBSCL gần như cùng bán lúa ra thị trường vào thời điểm thu hoạch. Hầu như không có cơ sở xay sát nào thu mua lúa trực tiếp từ nông dân, mà thay vào đó là thu mua từ một loạt các thương lái – hiện có vài ngàn thương lái thu mua hoạt động ở ĐBSCL. Nghiên cứu cho thấy, chuỗi giá trị lúa gạo ĐBSCL thất thoát khoảng 600 triệu USD mỗi năm về giá trị dưới hình thức thất thoát về vật chất và chất lượng - đây không phải là khoản tiền nhỏ.
Ông Steven Jaffee nhấn mạnh những nghịch lý: từ một quốc gia thiếu lương thực, ngày nay xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm 20% thương mại gạo trên thị trường thế giới. Thế nhưng, thu nhập của người trồng lúa vẫn bấp bênh. Nông dân không những không được hưởng lợi từ những đợt giá xuất khẩu tăng cao mà còn gánh chịu thiệt hại từ những đợt giá xuất khẩu sụt giảm.
Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Ipsard cho biết, hệ thống chính sách của nhà nước trong điều hành xuất khẩu gạo nói riêng, chuỗi giá trị lúa gạo nói chung chủ yếu tác động vào nguồn cung.
Một là, chính sách bảo vệ quỹ đất lúa ổn định ở 3,8 triệu ha, cho sản lượng ổn định ở mức hơn 40 triệu tấn, tương đương với 20 triệu tấn gạo đủ cho tiêu dùng trong nước 12-13 triệu tấn gạo và xuất khẩu 5-6 triệu tấn.
Hai là, quy định giá sàn thu mua lúa phải đảm bảo cho nông dân lãi ít nhất 30%. Tuy nhiên thực tế chính sách này ít đạt hiệu quả vì khó tính giá thành lúa và 30% lợi nhuận này đã bị thương lái lấy đi một phần nên nông dân không được hưởng lợi như kỳ vọng.
Nhằm đảm bảo cho nông dân có lãi, Nhà nước cũng cho thu mua tạm trữ nhằm tăng cầu để tăng giá. Tuy nhiên giải pháp này dường như chỉ có lợi cho các doanh nghiệp mà ít có lợi cho nông dân, vì khi giá lúa thấp thì doanh nghiệp tập trung vào thu mua, khi giá lúa lên cao thì doanh nghiệp ngừng thu mua.
Ba là, xây dựng, cải tạo các kho dự trữ lúa gạo tại ĐBSCL, nhằm dự trữ đủ 4 triệu tấn lúa.
Bốn là, siết điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo với các tiêu chí bắt buộc phải có ít nhất kho chuyên dùng 5.000 tấn, sở hữu cơ sở xay sát công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, có dự trữ tối thiểu 10% lượng gạo xuất khẩu từ 6 tháng trước... Tuy nhiên, chính sách này đang thể hiện bất cập ở chỗ tạo điều kiện độc quyền cho các doanh nghiệp lớn, trong khi lại chưa thể hiện điều kiện ràng buộc với nông dân.
GS.TS C.Peter Timmer, Trung tâm phát triển toàn cầu, Đại học Stanford Hoa Kỳ nhận định: Có thể một cuộc khủng hoảng trong thương mại lúa gạo đang ló dạng trên thế giới. Tiêu thụ gạo giảm trong khi thu nhập đầu người tăng và gạo ngày càng trở thành lương thực cho người nghèo. Viễn cảnh nhu cầu về gạo đang giảm sút, trong khi áp lực từ nhiều quốc gia sản xuất lúa vẫn đang tiếp tục phải tăng năng suất lúa, tăng nguồn cung để đẩy mạnh xuất khẩu thu ngoại tệ. Tuy vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu của thế giới trong 20 năm nữa. Vì vậy, Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược phát triển chuỗi sản xuất – thương mại lúa gạo bền vững hơn, giải quyết các nghịch lý để thực sự đem lại lợi nhuận cao cho nông dân trồng lúa.
Nhằm giải quyết những bất cập về chính sách điều tiết chuỗi lúa gạo, Ipsard đề xuất phải tập trung xây dựng cánh đồng mẫu lớn để có vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp, giảm hệ thống thương lái thu gom. Đồng thời, cần cải tiến hoạt động của Hiệp hội Lương thực, cần có sự tham gia của nông dân, doanh nghiệp nhỏ ở tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, kinh doanh. Nhà nước cũng cần áp dụng các chính sách điều tiết thị trường như kho tàng, thuế xuất nhập khẩu, cần nghiên cứu lại chính sách hỗ trợ thu mua tạm trữ lúa gạo.