06:02 10/06/2013

Tiền tệ và tài khóa: “Đường ai nấy đi”

Nguyễn Hoài

"Đầu năm, cần tiền ra nhưng tín dụng đóng băng, còn tài khóa thì im lặng. Đến cuối năm, cả hai kênh này cùng đổ ào tiền ra"

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chính sách tiền tệ đã bị lạm dụng quá mức, bất cập từ việc điều hành chính 
sách tiền tệ lấy đích ngắm là sản xuất kinh doanh thay vì lạm phát mục 
tiêu như hiện nay, và đặc biệt là chính sách tài khóa gần như ngoài 
cuộc, thiếu sự phối hợp nhịp nhàng.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chính sách tiền tệ đã bị lạm dụng quá mức, bất cập từ việc điều hành chính sách tiền tệ lấy đích ngắm là sản xuất kinh doanh thay vì lạm phát mục tiêu như hiện nay, và đặc biệt là chính sách tài khóa gần như ngoài cuộc, thiếu sự phối hợp nhịp nhàng.
Nếu tiền tệ và tài khóa cùng thống nhất đưa tổng cung tiền ra nền kinh tế ngang bằng nhau, câu chuyện “mưa tiền cuối năm” để làm mồi cho lạm phát đầu năm sau sẽ dần chấm dứt…

Một số ý kiến trong giới phân tích đã nhìn nhận như vậy khi nói về sự lạm dụng chính sách tiền tệ thái quá, trong khi bỏ lửng chính sách tài khóa.

Bên vắt kiệt, bên nhàn nhã


Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, tính đến cuối tháng 5/2013, tín dụng vẫn chỉ tăng ở mức… “khích lệ” với 2,98% so với cuối 2012; trong đó, VND tăng 5,48%; tín dụng ngoại tệ giảm 8,41%.

Tại sao mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm từ 2 - 4%/năm so với đầu năm, lãi suất các khoản vay mới đã giảm mạnh về mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006 và thấp hơn lãi suất năm 2007, nhưng tín dụng vẫn tăng thấp như vậy? Và dù các ngân hàng thương mại đang ra sức cung cấp các gói tín dụng giá rẻ nhưng doanh nghiệp vẫn im lặng, không mặn mà vay đầu tư?

Trước thực tế này, Thống đốc thừa nhận: mức chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra chưa tính đến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng hiện là 3,03%; nếu trừ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng thì chênh lệch chỉ còn 1,93%, giảm so với mức 2,33%/năm tại thời điểm cuối năm 2012.

“Đây là một nguyên nhân khiến lợi nhuận của các tổ chức tín dụng sụt giảm mạnh trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013”, Thống đốc nói.

Tưởng như câu chuyện mất niềm tin đầu tư không liên quan gì đến quan hệ giữa hai chính sách tài chính trọng yếu của Chính phủ là tiền tệ và tài khóa, nhưng các chuyên gia đã chỉ ra rằng, chúng là một phần trong câu chuyện chính sách tiền tệ bị lạm dụng thái quá, trong khi chính sách tài khóa lại quá nhàn nhã, theo kiểu “đường ai nấy đi”.

Tiền tệ và tài khóa: “Đường ai nấy đi” 1Gần như toàn bộ thị trường lao vào chộp giật ngắn hạn, còn khái niệm “đầu tư dài hạn” xa vắng dần trong nền kinh tế trong suốt mấy năm nay

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) cho biết, trước đây, ông và các cộng sự tiến hành khảo sát kết quả kinh doanh của hàng loạt doanh nghiệp thì thấy rằng, năm 2009, khi Chính phủ áp dụng gói hỗ trợ lãi suất, đưa lãi suất tiền vay xuống 6,5%/năm, nhiều doanh nghiệp đã tin Chính phủ sẽ ổn định mức lãi suất này trong dài hạn nên yên tâm vay vốn mở rộng đầu tư.

Nhưng cũng theo kết quả khảo sát này, nhiều doanh nghiệp vừa giải ngân được vài đợt vốn thì lãi vay vọt lên 20%/năm. Mọi kế hoạch đầu tư gần như phá sản, nhà xưởng mới cũ tan hoang, máy móc thiết bị rỉ sét vì không thể nào chịu được mức lãi suất đó. Mất niềm tin và thất vọng với chính sách lãi suất, họ đã tự nhủ “chẳng dại gì đầu tư dài hạn”. Vì vậy, gần như toàn bộ thị trường lao vào chộp giật ngắn hạn, còn khái niệm “đầu tư dài hạn” xa vắng dần trong nền kinh tế trong suốt mấy năm nay. Và hậu quả là góp phần khiến nợ xấu tăng lên, hệ thống tổ chức tín dụng có nguy cơ đổ vỡ vào cuối 2011.

“Một chính sách tiền tệ nếu chỉ tăng tiền để lãi suất giảm là chuyện quá bình thường, bởi điều quan trọng hơn cả và là đích đến phải là một chính sách tiền tệ ổn định. Lạm phát, tỷ giá, lãi suất ổn định thì doanh nghiệp mới tính toán trước được kế hoạch tài chính để yên tâm đầu tư. Ở bất cứ quốc gia nào theo đuổi mục tiêu kinh tế vĩ mô ổn định đều hành xử như vậy, bởi không ai có thể làm ăn khi mà năm nay lạm phát xuống 5 - 6%, nhưng năm sau lại vọt lên 15 - 20% cả”, ông Nghĩa nói.

Theo ông, kết cục trên chính là hệ quả từ việc chính sách tiền tệ đã bị lạm dụng quá mức, bất cập từ việc điều hành chính sách tiền tệ lấy đích ngắm là sản xuất kinh doanh thay vì lạm phát mục tiêu như hiện nay, và đặc biệt là chính sách tài khóa gần như ngoài cuộc, thiếu sự phối hợp nhịp nhàng.

“Giao ban” giữa hai chính sách

Đồng quan điểm này, chuyên gia tài chính độc lập Nguyễn Trí Hiếu nhận xét: trong bối cảnh hiện nay, "dư địa của chính sách tiền tệ đã hết thì chính sách tài khóa phải gia tăng hoạt động".

Theo ông, phải rà soát lại tất cả những chính sách và quy định về nguồn thu thuế. Điều này không đồng nghĩa với việc cứ phải giảm thuế, nhất là khi ngân sách đang bội chi nhưng khi rà soát lại, Chính phủ sẽ biết chỗ nào cần giảm, chỗ nào cần tăng, chỗ nào cần tận thu, tránh thất thoát để đỡ được gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân.

Tiếp theo, có lẽ Chính phủ cần đi đến một lựa chọn là tăng chi, tăng đầu tư công thông qua nâng trần nợ công trong thời hạn từ 3 - 5 năm nhưng sau đó phải có lộ trình giảm chi, giảm nợ công. Đây là liều thuốc đặc trị để giúp nền kinh tế phục hồi nhưng sau đó, phải quay lại liều thuốc chống tham nhũng và thắt chặt chi tiêu.

“Bây giờ không phải lúc chần chừ bởi ngoài kia, dân chúng đang lao đao, doanh nghiệp đang chết dần, chết mòn”, ông Hiếu nói.

Còn theo ông Lê Xuân Nghĩa, Quốc hội vừa đưa ra mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách, cố gắng kéo tỷ lệ nợ công/GDP từ nay đến 2020 xuống. Điều này là hoàn toàn đúng đắn để bảo vệ an toàn tài chính quốc gia, nhưng hiện nay, khi chính sách tiền tệ đã bị “nhờn thuốc”, nếu chính sách tài khóa cũng thắt chặt, sẽ làm cho cầu toàn bộ nền kinh tế suy giảm, dẫn đến mọi nguồn lực tài chính trong nền kinh tế bị thui chột.

Tiền tệ và tài khóa: “Đường ai nấy đi” 2Đầu năm, cần tiền ra nhưng tín dụng đóng băng, còn tài khóa thì im lặng. Đến cuối năm, cả hai kênh này cùng đổ ào tiền ra và kết quả là năm nào cũng vậy, cứ cuối năm cung tiền tệ toàn thị trường tăng thì đầu năm sau, giá cả nhảy múa, lạm phát tăng vọt TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI)

Thực tế ở nhiều nước chỉ ra rằng, khi cộng đồng tư nhân thu hẹp đầu tư thì tài khóa phải nới lỏng, tất nhiên là phải đi kèm với mục tiêu thật rõ ràng. Cùng đó, việc tạo nguồn tài chính cho đầu tư công cũng phải cân nhắc kỹ càng. Nếu vay tiền từ “phát hành thêm” sẽ để lại hậu quả lạm phát tồi tệ. Còn vay nước ngoài, mối lo phá giá đồng tiền, rủi ro tỷ giá, bị nước ngoài đánh giá thấp tín nhiệm do lo ngại nợ công là điều khó tránh, vị chuyên gia này bình luận.

Thế nên, chỉ còn cách Chính phủ vay nội địa để tăng chi tiêu nhưng với điều kiện đầu tư  phải hiệu quả và chỉ tập trung vào khu vực cơ sở hạ tầng, y tế; thậm chí, cho doanh nghiệp vay làm vốn đối ứng trong quá trình giải ngân vốn ODA. Hiện nay, tỷ lệ giải ngân ODA rất thấp vì doanh nghiệp thiếu vốn đối ứng. Với tỷ lệ vốn đối ứng 20%, nếu cho doanh nghiệp vay 2 đồng, họ sẽ được giải ngân 8 đồng vốn ODA. Tuy nhiên, sự cứng rắn của Quốc hội trong việc mỗi năm, chỉ cho phép Chính phủ phát hành 45 nghìn tỷ đồng trái phiếu đã làm hạn chế tính linh hoạt chính sách tài khóa.

Mặt khác, theo ông Nghĩa, nền kinh tế còn đang gặp thêm bất cập nữa, đó là việc: "Đầu năm, cần tiền ra nhưng tín dụng đóng băng, còn tài khóa thì im lặng. Đến cuối năm, cả hai kênh này cùng đổ ào tiền ra và kết quả là năm nào cũng vậy, cứ cuối năm cung tiền tệ toàn thị trường tăng thì đầu năm sau, giá cả nhảy múa, lạm phát tăng vọt".

Để tránh tình trạng này, ông Nghĩa cho rằng, chính sách tiền tệ và tài khóa cần “giao ban” với nhau từng tháng, quý; thống nhất và phối hợp nhịp nhàng trong việc đưa tổng cung tiền ra nền kinh tế. Chẳng hạn, trong một năm, giải ngân ngân sách thấp thì tăng tín dụng lên và ngược lại. Như thế, giữa các tháng và quý, tổng hai kênh trên đều có có một lượng tiền ngang nhau đẩy ra thị trường. Điều này cũng không tạo ra kỳ vọng tăng lạm phát trên thị trường ở cuối năm và hoặc đầu năm sau như từng xảy ra.