12:33 30/05/2013

Đề nghị tăng trần bội chi ngân sách: “Tình thế phải lựa chọn!”

Nguyễn Lê

“Quốc hội cần có một nghị quyết tạo điều kiện cho Chính phủ xây dựng một chương trình trung hạn phục hồi tăng trưởng kinh tế”

Theo đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, đầu tư công chính là giải pháp có tác động nhanh nhất để kích thích sự tăng tổng cầu của nền kinh tế, khi mà chính sách tiền tệ đang có tác dụng hạn chế. <br>
Theo đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, đầu tư công chính là giải pháp có tác động nhanh nhất để kích thích sự tăng tổng cầu của nền kinh tế, khi mà chính sách tiền tệ đang có tác dụng hạn chế. <br>
Đã có hơn một vị đại biểu đề nghị nới bội chi, một đề nghị “xưa nay hiếm” tại các phiên thảo luận về kinh tế, xã hội của Quốc hội.

Sáng 30/5, khá nhiều vị đại biểu quen thuộc đã đăng đàn, với nhiều lo ngại về tình hình mọi mặt của đất nước, dù cũng đồng tình với một số đánh giá tại báo cáo của Chính phủ.

“Quyết định khó khăn”

Như mọi kỳ, đại biểu Trần Du Lịch vẫn nhấn nút đăng ký phát biểu sớm.

Ông kiến nghị, ngay trong kỳ họp này, “Quốc hội cần có một nghị quyết tạo điều kiện cho Chính phủ xây dựng một chương trình trung hạn phục hồi tăng trưởng kinh tế”, với những chính sách rõ ràng, minh bạch.

Chính sách chủ đạo của chương trình trung hạn này là thực hiện chính sách “lạm phát mục tiêu”, với mức tăng CPI 6,5-7% mỗi năm trong ba năm 2013- 2015 và dưới 5% trong các năm tiếp theo.

Theo đó thì chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải phục vụ cho mục tiêu huy động tổng đầu tư xã hội từ 30- 32% GDP trong ba năm sắp đến.

Đề nghị tăng trần bội chi ngân sách: “Tình thế phải lựa chọn!” 1Tôi biết đây là một quyết định rất khó khăn của Quốc hội, nhưng là tình thế phải lựa chọn. Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch

Cụ thể hơn, đại biểu Lịch kiến nghị trước mắt trong hai năm 2013 và 2014 cần tăng trần bội chi ngân sách so với mức 4,8% GDP hiện nay, phát hành trái phiếu Chính phủ ngoài định mức 45 nghìn đồng/năm như Quốc hội đã cho phép, nhằm thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và các công trình xây dựng dang dở.

Đồng tình với nhiều vị đại biểu về ý thức phải bảo đảm an toàn của nợ công, nhưng trong tình thế hiện nay, theo ông Lịch, đầu tư công chính là giải pháp có tác động nhanh nhất để kích thích sự tăng tổng cầu của nền kinh tế, khi mà chính sách tiền tệ đang có tác dụng hạn chế.

“Tôi biết đây là một quyết định rất khó khăn của Quốc hội, nhưng là tình thế phải lựa chọn!”, ông nhấn mạnh.

Ngay sau đó, một số vị đại biểu cũng đồng tình với quan điểm cần nới bội chi, tăng tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế của đại biểu Trần Du Lịch.

“Tồn kho trách nhiệm”


Đăng đàn thứ hai tại phiên thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhấn mạnh quan điểm cần vực dậy, củng cố niềm tin của thị trường và người dân trong bối cảnh hết sức khó khăn hiện nay.

Nhiều yêu cầu của Quốc hội không được thực hiện kịp thời, theo đại biểu Đồng, chính là lời giải thích cho sự suy giảm niềm tin.

Ví dụ rất cụ thể là tại kỳ họp trước, Quốc hội đưa ra yêu cầu khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng,bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế, nhưng sau các phiên đấu thầu ồ ạt của Ngân hàng Nhà nước gần đây, thì giá trong nước và quốc tế có lúc chênh nhau  đến 6 triệu đồng/lượng.

Và Thống đốc giải thích, trong các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như Nghị định 24 mới nhất về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đã nêu rõ mục tiêu là ổn định thị trường, chứ chưa phải là mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. Dù nghị quyết của Quốc hội với yêu cầu đưa giá vàng trong nước sát với giá quốc tế được thông qua có sự tán thành của nhiều thành viên Chính phủ.

Đi kèm với đánh giá về sự trì trệ của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, vị đại biểu này cũng lấy một ví dụ liên quan đến ngân hàng.

Đó là, vào tháng 11/2012, khi báo cáo Quốc hội về việc thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế, Chính phủ nêu một trong bốn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, khu vực ngân hàng nói riêng là vì quyền lợi cá nhân, một số cổ đông lớn của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém thiếu sự hợp tác hoặc chống đối với chính sách, biện pháp cơ cấu lại của Ngân hàng Nhà nước.

Đến nay, thay vì báo cáo kết quả giải quyết vướng mắc này, thì Ngân hàng Nhà nước vẫn báo cáo rằng đây là một trong các nguyên nhân khiến cho quá trình tái cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém diễn ra chậm hơn so với dự kiến, mà không nêu được hướng xử lý và khả năng xử lý.

Đề nghị tăng trần bội chi ngân sách: “Tình thế phải lựa chọn!” 2Hàng chục năm nay chưa thấy cán bộ nào bị thôi việc hay giáng chức, bồi thường do ban hành văn bản bất hợp lý. Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga

Chừng nào những vấn đề “tồn kho” đã được đề cập rất nhiều từ kỳ họp này sang kỳ họp khác của Quốc hội vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng về cả trách nhiệm và biện pháp khắc phục thì việc khôi phục và duy trì tính ổn định của kinh tế vĩ mô vẫn xa vời, đại biểu Đồng nhìn nhận.

Bởi thế, mong muốn được ông bày tỏ là qua các phiên thảo luận tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nhận diện rõ và có giải pháp cho những “tồn kho” nghiêm trọng hơn cả sự tồn kho tiền và hàng - vốn được coi là vấn đề nan giải của nền kinh tế hiện nay.

“Đó là tồn kho thể chế, tồn kho kiến nghị và đặc biệt là tồn kho trách nhiệm”, đai biểu Đồng kết thúc 7 phút phát biểu.

Cũng liên quan đến trách nhiệm, sau khi đề cập nhiều chính sách "trên trời" gây bức xúc dư luận suốt thời gian qua, đại biểu Lê Thị Nga nói, “hàng chục năm nay chưa thấy cán bộ nào bị thôi việc hay giáng chức, bồi thường do ban hành văn bản bất hợp lý”,

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế, xã hội. Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị nhiều thành viên Chính phủ chuẩn bị giải trình các vấn đề được các đại biểu đề cập tại phiên buổi sáng, trong đó có việc quản lý thị trường vàng, dù Chính phủ đã có báo cáo riêng.