Tiếp tục “chất vấn” về huy động, quản lý ODA
Nhiều vấn đề được nêu tại phiên giải trình về tình hình huy động, phân bổ, sử dụng và quản lý vốn vay ODA
Vay vốn ODA là cần thiết, nhưng bên cạnh lợi thế cũng có mặt trái, việc giám sát phải làm rõ được trách nhiệm về những hạn chế trong huy động, quản lý, sử dụng nguồn vốn này.
Đó là yêu cầu được Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu tại phiên giải trình về tình hình huy động, phân bổ, sử dụng và quản lý vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2016-2020, do Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức ngày 30/1.
Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cũng là cơ quan được giao chủ trì, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016 .
Tại kỳ họp cuối năm 2017 của Quốc hội, trong các phiên thảo luận và chất vấn được truyền hình trực tiếp, không chỉ tham gia thảo luận mà một số vị đại biểu còn sử dụng quyền tranh luận để thể hiện sự lo lắng đặc biệt về quản lý, sử dụng ODA.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Hoàng Quang Hàm khẳng định "tổng mức ODA đã ngoài tầm kiểm soát".
Ông Hàm cũng cho biết Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đã hai lần có công văn đề nghị báo cáo về vấn đề này nhưng chưa có hồi âm.
Vậy cần bao nhiêu thời gian để tổng hợp số liệu về ODA, có đảm bảo thực hiện đúng 300 nghìn tỷ như Quốc hội quyết định và có giữ được trần nợ công không? Đàm phán ký kết vốn nước ngoài vượt 300 nghìn tỷ Quốc hội cho phép thì trách nhiệm thuộc về ai?... là những chất vấn được ông Hàm và một số vị khác nêu khi đó.
Từ vị trí điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc đàm phán ký kết vượt so với 300 nghìn tỷ mà Quốc hội đã thông qua.
Trở lại phiên giải trình, cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính đều đã có báo cáo tình hình huy động, phân bổ, sử dụng và quản lý vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020.
Nhưng, các đại biểu tham dự vẫn tiếp tục "chất vấn" về ODA, cả sự không thống nhất của những con số, cả những vấn đề đã được nêu tại nghị trường và những câu hỏi mới, "truy" trách nhiệm cả tập thể và cá nhân về sự "khó kiểm soát" của ODA, như đại biểu Hàm đã nhận xét.
Và phần giải trình của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho thấy, nỗi lo của các vị đại biểu đều rất có cơ sở.
Bộ trưởng Dũng cho biết sau kỳ họp Quốc hội thứ tư đã chỉ đạo rà soát, chụp ảnh lại toàn bộ thực trạng hiện nay và đặt lên bàn hết các vấn đề, để báo cáo trung thực với Chính phủ và Quốc hội để tháo gỡ.
Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải nói, trong bối cảnh Việt Nam tốt nghiệp IDA thì Việt Nam sẽ phải đi vay với lãi suất cao sẽ tạo ra áp lực trả nợ lớn hơn. Do vậy, cần có kế hoạch phù hợp hơn trong cân đối trả nợ vốn vay xem xét hiệu quả giữa vay trong nước và vay ngoài nước, cũng cần đặt ra những nguyên tắc chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo một nền tài chính an toàn, bền vững.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, vay ODA là cần thiết trong điều kiện Việt Nam rất cần vốn đề đầu tư phát triển. So với các khoản vay khác từ thị trường tài chính như trái phiếu... thì vay ODA là rất có lợi như lãi suất thấp, thời hạn cho vay tương đối dài, thời gian ân hạn khá , vay và cho vay đều có mục tiêu nên việc kiểm soát đánh giá hiệu quả có thể khá hơn...
Song, theo Phó chủ tịch thì vay ODA cũng có những mặt trái như điều kiện cho vay của các nhà tài trợ đều rất khắt khe, thậm chí họ đưa ra lợi thế cho nhà đầu tư của họ, tính đi tính lại có nhiều dự án bất lợi cho Việt Nam, cũng không loại trừ nguy cơ làm nợ nước ngoài tăng cao.
Yêu cầu của Phó chủ tịch Quốc hội là Ủy ban Tài chính- Ngân sách cần phải đánh giá sâu sắc cả mặt tích cực và hạn chế của ODA, tránh phiến diện một chiều trong báo cáo giám sát.
Đánh giá ba cơ quan là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan đến ODA, song Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc phân bổ, sử dụng, quản lý chưa thực sự đổi mới, quyết liệt, chưa khắc phục được việc chi vượt dự toán.
Phó chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu kiên quyết xử lý các sai phạm một cách triệt để và đổi mới quản lý đầu tư công, quản lý nợ công nói chung và vốn ODA nói riêng, không chạy theo mục tiêu giải ngân mà lấy hiệu quả làm chính.