11:16 18/11/2020

Rươi và vỏ quýt: trong món ăn có vị thuốc

PV

Theo thời gian, rươi ngày càng được nhiều người yêu thích và tìm mua khiến chúng càng thêm quý hiếm.

Đặc sản rươi của miền Bắc là một loại thực phẩm cực kì thơm ngon và bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng biết đến. Một phần cũng bởi loại hải trùng này chỉ có vào mùa thu, khoảng từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch ở một số tỉnh.
Trước đây, chỉ những người sành ăn, thường săn lùng của ngon vật lạ mới biết đến rươi. Theo thời gian, rươi ngày càng được nhiều người yêu thích và tìm mua khiến chúng càng thêm quý hiếm.
Rươi có thể chế biến thành rất nhiều món khác nhau như chả rươi, rươi kho, mắm rươi, rươi rang muối, rươi cuốn lá lốt… Bạn hoàn toàn có thể mua rươi tươi sống hoặc rươi đông lạnh về để tự chế biến tại nhà. Nếu để ý ta sẽ thấy các món chế biến từ rươi hầu hết đều có một thứ gia vị đó là vỏ quýt.
Thành phần hóa học: trong 100g rươi có 81,9g nước, 12,4g protit, 4,4 lipit, 1,3g tro, cung cấp cho cơ thể 92 calo. Như vậy, so với thịt bê nạc, giá trị dinh dưỡng của rươi đâu có kém (trong 100g thịt bê nạc có 78,2g nước, 20g protit, 0,5g lipit, 1,3g tro cung cấp được 87calo). Ngoài ra, trong rươi còn có nhiều loại muối khoáng, như canxi (66mg%), photpho (57mg%), sắt (1,8mg%)…
Có giá trị dinh dưỡng cao là thế, nhưng khi tiêu thụ các món ăn từ rươi đều phải ghi nhớ kỹ, rươi dù sao cũng là một loài thuộc họ giun, sống trong môi trường bùn cát, đáy nước nên khó có thể kiểm soát được những mầm mống gây hại có trong rươi trước khi mang đi chế biến.
Rươi và vỏ quýt: trong món ăn có vị thuốc - Ảnh 1.

Ảnh: Phương Ruby Cherry (Yêu Bếp)

Rươi dễ nhiễm chất độc từ môi trường sống và hoàn toàn có thể là vật trung gian truyền nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Salmonella, E.coli, gây ra các bệnh đường ruột nguy hiểm nếu không sơ chế cẩn thận và chế biến đúng cách.
Nhưng hay ở chỗ, việc kết hợp rươi và vỏ quýt để làm ra món chả "cực phẩm" mùa thu, không chỉ khiến món rươi càng thêm thơm ngon về hương vị mà còn có thể phòng chống được những hệ lụy không may khi cơ thể tiêu thụ rươi.
Theo Đông y, trong vỏ quýt có chứa 3.8% tinh dầu, 9% hectozan, ngoài ra còn có các chất khác như carotene, vitamin B1, B2, rất tốt trong việc phòng và chữa những bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.
Theo Đông y, vỏ quýt (hay còn gọi là trần bì) vốn là phần thường bị bỏ đi sau khi sử dụng phần thịt quả thực chất lại có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Loại dược liệu này rất phổ biến trong y học cổ truyền, trong đó tác dụng nổi bật là phòng và chữa những bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và hô hấp. Khi đi vào cơ thể, vỏ quýt hỗ trợ làm dạ dày ấm lên cho cảm giác dễ chịu, chúng còn có tác dụng hóa đờm tiêu ích. Vỏ quýt tạo cảm giác ngon miệng khi ăn, giảm căng thẳng mệt mỏi, giúp thư giãn tinh thần.
Lượng đạm cao, không giống như đạm có trong các thực phẩm thông thường như thịt bò, thịt lợn khiến món rươi có thể gây ra những phản ứng tiêu hóa cho người sử dụng. Từ 2 - 3 vỏ quýt băm nhỏ, thái sợi hay nghiền thành bột sẽ giúp món rươi thơm ngon hơn nhưng quan trọng nhất là để hỗ trợ quá trình tiêu hóa rươi. Chỉ có vỏ quýt hôi hăng hăng cho vào mới đủ làm ấm và thơm món rươi ăn ngày se lạnh, mới cân bằng được cái tanh, tính hàn và nhiều đạm của loài nhuyễn thể ấy.
Rươi và vỏ quýt: trong món ăn có vị thuốc - Ảnh 2.
Ngoài ra, các cụ ta xưa cũng lưu ý rằng những ai có tiền sử bị dị ứng với hải sản được khuyên là không nên ăn rươi để tránh những tác hại không đáng có. Riêng bà bầu và trẻ em cũng không nên ăn rươi nhiều. Với bà bầu, rươi dễ gây khó tiêu, đầy bụng ảnh hưởng không tốt đến em bé. Còn với trẻ em, hệ tiêu hóa đang trong quá trình hoàn thiện, việc ăn rươi nhiều cùng một lúc cũng có thể gây ra những tác hại không đáng có.
Đặc biệt, nếu chẳng may cơ thể không thể tiếp thu đạm rươi, thậm chí nặng hơn là gây ra ngộ độc, sốc phản vệ, người ăn phải lập tức đến bệnh viện hay các cơ sở y tế để theo dõi và khám chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không được phỏng đoán và tự chữa theo kinh nghiệm tại nhà.