09:41 20/06/2007

Tìm nguyên nhân dầu tràn trên biển

Phan Anh

Phần lớn các ý kiến đều cho rằng nguồn gốc ô nhiễm dầu không nằm trong lãnh hải Việt Nam

Tổng lượng dầu thu gom (chưa đầy đủ) tại các địa phương đã lên đến 2.071,3 tấn, trong đó đã xử lý được 1.904,8 tấn.
Tổng lượng dầu thu gom (chưa đầy đủ) tại các địa phương đã lên đến 2.071,3 tấn, trong đó đã xử lý được 1.904,8 tấn.
Theo thống kê của Cục Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay ô nhiễm dầu tràn trên biển đã xuất hiện ở 20 tỉnh thành phố ven biển trên cả nước.

Tổng lượng dầu thu gom (chưa đầy đủ) tại các địa phương đã lên đến 2.071,3 tấn, trong đó đã xử lý được 1.904,8 tấn. Lượng dầu tràn trôi dạt vào bờ biển các tỉnh là rất lớn và để lại hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên đến nay, việc truy tìm nguồn gốc dầu tràn ở Việt Nam vẫn đang là một dấu chấm hỏi.

Trước hiện tượng dầu tràn gây ô nhiễm ở Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng các đơn vị và các nhà khoa học tìm biện pháp công nghệ khắc phục, xử lý và xác định nguồn gốc, nguyên nhân phát sinh. Đã có nhiều giải pháp công nghệ được các nhà khoa học đưa ra, trong đó tập trung vào 3 nhóm chính: sử dụng công nghệ ảnh viễn thám, xây dựng mô hình và phân tích các mẫu dầu.

Vẫn chưa tìm được nguyên nhân cụ thể

Trong cuộc hội thảo khoa học xác định nguyên nhân ô nhiễm dầu tại các tỉnh ven biển Việt Nam, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã đưa ra 5 giải pháp công nghệ như: phân tích tỷ số đồng vị C-13/C-12; sử dụng công cụ toán học, giải bài toán ngược; ảnh viễn thám...

Mỗi giải pháp đã có những cách tiếp cận riêng và thu được những nhận định ban đầu, nhưng phần lớn các ý kiến đều cho rằng nguồn gốc ô nhiễm dầu không nằm trong lãnh hải Việt Nam. Vấn đề xác định nguyên nhân cụ thể ô nhiễm dầu trên biển vẫn chưa tìm được kết luận chính thức.

GS. Trần Thục-Viện Khí tượng thủy văn và Môi trường đã đưa ra phương pháp tính ngược (PSQIS) để có thể xác định nhanh nguồn gốc ô nhiễm khi đã biết được vị trí tiếp nhận. Nhìn chung, hầu hết các giải pháp đều đã dựa trên cơ sở sử dụng ảnh viễn thám để xây dựng mô hình mô phỏng sự cố.

Bằng phần mềm ven bờ OilSAS, ông Nguyễn Hữu Nhân- Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia đã tính toán các thông số nhằm xác định các nguồn gây ô nhiễm dầu biển ven bờ trong thời gian vừa qua và đã có những kết quả nhất định. Không loại trừ trường hợp ô nhiễm dầu do các tàu biển đổ thải, một số ý kiến cũng cho rằng phải lấy được các mẫu dầu của các tàu và so sánh với các mẫu dầu thu thập được sẽ tìm ra chính xác tác nhân gây ô nhiễm dầu trên biển Việt Nam.

Với những kinh nghiệm trong quá trình tìm nguyên nhân ô nhiễm dầu tràn, GS. Warner Alpers-TT nghiên cứu biển và khí hậu Viện hải dương học (Hamburg-Đức) đã đưa ra giải pháp xác định nguyên nhân bằng công nghệ viễn thám và ra đa. Theo đó, tất cả những vệt dầu trên mặt biển đều có thể xác định được nguyên nhân.

Tuy nhiên, cũng cần phải phân tích, xác định chính xác vì chúng ta có thể thấy nhiều vệt xám trên biển giống vệt dầu nhưng không phải tất cả đều là dầu. Ô nhiễm dầu các tỉnh ven biển biển Việt Nam có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng theo GS. Warner, để xác định nguồn gốc ô nhiễm dầu cần phải phân tích hoá học mẫu dầu đã thu được ở bờ biển Việt Nam để so sánh với các thành phần dầu thương mại vận chuyển bằng tàu trên biển các nơi trên thế giới.

Tại Hamburg đã lấy được khoảng 1.200 mẫu dầu trên thế giới để phân tích về mặt hoá học cất trữ làm ngân hàng dữ liệu. Khi phân tích các mẫu dầu ô nhiễm ở các bờ biển và so sánh sẽ xác định được nguồn gốc dầu với độ chính xác, tin cậy cao.

Cần xây dựng một quy trình chủ động xử lý, cảnh báo

Tất cả các phương pháp tổng hợp hỗ trợ xác định nguyên nhân đều có tính liên kết và lan truyền. Vấn đề đặt ra là: giả sử các giải pháp đúng thì sẽ được sử dụng như thế nào và quan trọng hơn là phải xây dựng được hệ thống cảnh báo, dự báo. Các nhà khoa học đều cho rằng không nên nóng vội tìm ra ai là thủ phạm. Lợi ích lớn nhất mà chúng ta đang cần làm là có hệ thống giám sát để cảnh báo với người gây ô nhiễm.

Ô nhiễm dầu trên biển sẽ có thể xảy ra dưới các hình thức khác nhau. Vấn đề quan trọng là xây dựng được quy trình, quy phạm để có biện pháp xử lý, ứng phó. Từ sự việc này, mục tiêu đặt ra chính là việc tăng cường năng lực xử lý các cơ sở dữ liệu khoa học vững chắc, ứng phó về kỹ thuật... để xác định những vấn đề nhạy cảm dự báo còn phát sinh mãnh liệt hơn, còn tiềm ẩn và luôn đe dọa ngoài biển Đông.

Việc tìm nguyên nhân ô nhiễm dầu không chỉ huy động nguồn lực khoa học công nghệ trong nước mà cần có sự tham gia của quốc tế . Tìm nguyên nhân ô nhiễm dầu là bài toán hôm nay nhưng chính là lộ trình chuẩn bị chủ động cho sự cố ngày mai.