10:47 13/11/2018

Tội phạm được kiềm chế nhưng số người chết lại tăng

Hà Vũ

Đó là "nghịch lý" được Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội chỉ ra khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra.

Đó là "nghịch lý" được Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội chỉ ra khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Quản lý cán bộ còn sơ hở

Báo cáo Quốc hội sáng 13/11, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, qua giám sát, uỷ ban nhấn mạnh, mặc dù tội phạm được kiềm chế trên nhiều lĩnh vực nhưng lại gia tăng về số người chết do hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc lĩnh vực xâm phạm trật tự xã hội (1.451 người chết, tăng 3,9%). 

Một số loại tội phạm tăng như: cướp tài sản tăng 5,1%, giết người tăng 3,9%, trong đó có một số vụ án giết nhiều người với thủ đoạn dã man, tàn bạo gây bức xúc, lo lắng trong xã hội.

Cơ quan thẩm tra cũng nhận định, công tác quản lý cán bộ trong lực lượng phòng, chống tội phạm vẫn còn sơ hở nên đã để xảy ra một số vụ án có sự tham gia của một số sỹ quan cấp cao trong lực lượng công an.

Một số cá nhân, doanh nghiệp đã móc ngoặc với cán bộ có chức vụ, quyền hạn tại một số địa phương để tạo các "nhóm lợi ích" hoặc lợi dụng công tác nghiệp vụ, các "tổ chức bình phong" nhằm dùng ảnh hưởng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước. Đáng chú ý, có những vụ việc liên quan đến một số sỹ quan công an, quân đội, lãnh đạo một số địa phương đã kéo dài trong nhiều năm, nhưng đến nay mới được phát hiện, xử lý. Điển hình như vụ Phan Văn Anh Vũ, vụ Đinh Ngọc Hệ…

Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, tình trạng mua bán người đã xảy ra ở cả 63 tỉnh, thành phố, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em ở các vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số bị mua bán ra nước ngoài; hiện nay vẫn còn 519 nạn nhân chưa được giải cứu.

Việc ngăn chặn, đấu tranh với các đối tượng phản động lợi dụng sự thiếu thông tin của một bộ phận người dân đối với chủ trương Quốc hội xem xét thông qua Luật An ninh mạng, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để lôi kéo, kích động người dân tụ tập, gây rối an ninh trật tự tại một số địa phương còn lúng túng, bị động, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nêu rõ.

Vẫn có biểu hiện hành chính hoá quan hệ  hình sự

Theo Uỷ ban Tư pháp, năm 2018, công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt chỉ tiêu của Nghị quyết số 63 của Quốc hội. Như, số vụ án tham nhũng và các tội phạm khác về chức vụ được phát hiện tăng 32,23% số vụ, 13,23% số bị can. Đã tập trung lực lượng điều tra khám phá nhiều vụ án xâm hại trẻ em, đặc biệt là án hiếp dâm trẻ em (457 vụ, tăng 2,47%).

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, nhóm tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (51,79%), nhưng tỷ lệ phát hiện chưa nhiều. Tội phạm về chức vụ, tham nhũng bị xử lý mặc dù tăng nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Hoạt động "bảo kê cho vi phạm" diễn ra khá công khai tại các bến xe, chợ đầu mối nhưng không được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, có vụ chỉ được xử lý khi dư luận và báo chí phản ánh.

Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, nhất là hiếp dâm trẻ em mặc dù đã được các cơ quan quan tâm chỉ đạo điều tra, xử lý nhưng vẫn tiếp tục xảy ra một số vụ án nghiêm trọng.

 Việc thống kê về xử lý vi phạm hành chính trên toàn quốc còn chưa đảm bảo tính tổng thể, chưa có sự theo dõi hệ thống. Dư luận và cử tri cho rằng vẫn còn một số trường hợp có biểu hiện "hành chính hóa" quan hệ hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Uỷ ban Tư pháp đã kiến nghị nhiều năm nhưng đến nay tình trạng này chưa được khắc phục, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Còn 24 bị can bị oan

Trong điều tra, xử lý tội phạm, Uỷ ban Tư pháp nhận xét, tỷ lệ giải quyết tố giác về tội phạm mới đạt 87,2%, chưa đạt yêu cầu của nghị quyết số 37 của Quốc hội .

Theo cơ quan thẩm tra, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm. Số người bị tạm giữ hình sự sau đó phải trả tự do do hành vi không cấu thành tội phạm tuy giảm nhưng vẫn còn nhiều (1.482 người, trong đó có 146 người bị bắt khẩn cấp được trả tự do). Trong một số vụ án, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn còn chưa đúng pháp luật, đáng lưu ý có 4 trường hợp tạm giam trái pháp luật.

Hạn chế tiếp theo là tỷ lệ điều tra khám phá các vụ trọng án đạt 88,5%, chưa đạt 90% như chỉ tiêu của Quốc hội giao. Số lượng các vụ án, bị can được tạm đình chỉ điều tra vẫn chiếm số lượng rất lớn và gia tăng (12.623 vụ/2.411 bị can, tăng 4% số vụ, 6,7% số bị can), trong đó một số vụ án sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm. 

 Đáng lưu ý, còn để xảy ra 24 bị can bị oan trong giai đoạn điều tra. Còn để xảy ra 1 vụ án "dùng nhục hình" trong giai đoạn điều tra gây chết người ; vẫn còn 11.714 đối tượng truy nã đang ở ngoài xã hội, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật, Chủ nhiệm Lê Thị Nga báo cáo Quốc hội.