Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran
Từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran là một trong những quyết định phản ánh rõ nét nhất chính sách “nước Mỹ trên hết”
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/5 rút Mỹ khỏi thỏa thuận quốc tế về hạt nhân với Iran, làm gia tăng rủi ro xung đột ở Trung Đông, gây bất bình đối với các đồng minh của Washington ở châu Âu, và đặt nguồn cung dầu lửa toàn cầu trước nguy cơ bị thắt chặt.
Trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp từ Nhà Trắng, ông Trump nói sẽ tái áp lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran để làm suy yếu "một thỏa thuận phiến diện tồi tệ không đáng có" - hãng tin Reuters cho biết.
Châu Âu "nuối tiếc và lo ngại"
Thỏa thuận trên được ký vào năm 2015 giữa Mỹ và 5 cường quốc khác với Iran, theo đó dỡ lệnh trừng phạt cho nước này để đối lấy việc Tehran giới hạn chương trình hạt nhân. Thỏa thuận này nhằm mục đích ngăn không cho Iran sở hữu bom hạt nhân và được xem là một thành tựu chính sách đối ngoại chủ chốt của Tổng thống Barack Obama, một người thuộc Đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, ông Trump, một nhà lãnh đạo đến từ Đảng Cộng hòa, phàn nàn rằng thỏa thuận không giải quyết vấn đề chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, các hoạt động hạt nhân của nước này sau năm 2025, hay vai trò của Tehran trong các cuộc nội chiến ở Yemen và Syria.
Quyết định của ông Trump cũng làm căng thẳng thêm mối quan hệ liên minh giữa hai bờ Đại Tây Dương, nhất là sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu đã có những chuyến công du Washington và liên tục kêu gọi ông Trump giữ thỏa thuận.
Chính quyền Trump để ngỏ cánh cửa đàm phán một thỏa thuận khác, nhưng không rõ các nước châu Âu có ủng hộ và liệu họ có thể thuyết phục Iran chấp nhận.
Trong một tuyên bố chung, lãnh đạo Anh, Đức và Pháp - ba nước cùng ký thỏa thuận hạt nhân Iran với Trung Quốc, Nga, và Mỹ - nói rằng quyết định của ông Trump dẫn tới sự "nuối tiếc và lo ngại".
Trong một động thái cho thấy căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, quân đội Israel được đặt ở mức độ sẵn sàng chiến đấu cao vào ngày thứ Ba vì khả năng bùng nổ xung đột với Syria - quốc gia đồng minh với Iran.
Từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran là một trong những quyết định phản ánh rõ nét nhất chính sách "nước Mỹ trên hết" của ông Trump. Trước đó, ông đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris, rời Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và đẩy căng thẳng thương mại với Trung Quốc gia tăng.
Theo Reuters, động thái này cũng cho thấy ảnh hưởng ngày càng lớn của phái "diều hâu" trong vấn đề Iran trong chính quyền Trump, như tân Ngoại trưởng Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Hai nhân vật này đều là những người phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran từ trước. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis vốn ủng hộ duy trì thỏa thuận, nhưng sau đó đã hạ thấp lập trường này.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 8/5 nói Iran sẽ duy trì thỏa thuận dù không có Washington. Tuy nhiên, quyết định của ông Trump có thể đẩy cân bằng quyền lực theo hướng có lợi cho những người theo trường phái cứng rắn ở Iran, những người muốn hạn chế khả năng của ông Rouhani trong việc mở cửa với phương Tây.
Nguồn cung dầu có thể gián đoạn
Iran luôn phủ nhận cáo buộc cho rằng nước này tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân, khẳng định rằng chương trình hạt nhân của Tehran chỉ nhằm các mục đích hòa bình. Các thanh sát viên của Liên hiệp quốc nói Iran không hề vi phạm thỏa thuận, giới chức Mỹ cũng nhiều lần nói Iran tuân thủ thỏa thuận về mặt kỹ thuật.
Trong khi đó, ông Trump nói thỏa thuận hạt nhân không hề ngăn Iran khỏi việc lừa dối và theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân.
"Tôi thấy rõ ràng là chúng ta không thể ngăn được một trái bom hạt nhân Iran bằng cấu trúc mục ruỗng của thỏa thuận hiện tại", ông nói. "Thỏa thuận hạt nhân Iran bị hỏng từ gốc".
Việc bị Mỹ trừng phạt trở lại sẽ khiến Iran khó xuất khẩu dầu hay sử dụng hệ thống ngân hàng quốc tế.
Iran là thành viên lớn thứ ba trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Hiện nước này khai thác khoảng 3,8 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương gần 4% tổng nguồn cung dầu toàn cầu. Trong số 2,5 triệu thùng dầu mà Iran xuất khẩu mỗi ngày, đa số được bán cho Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Giá dầu giảm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba, sau khi ông Trump công bố quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng thu hẹp mức giảm so với đầu phiên. Theo giới phân tích, những lo ngại về việc Mỹ rời thỏa thuận đã được phản ánh nhiều vào giá dầu trong thời gian gần đây.
Giá dầu Brent tại London giảm 1,7%, còn 74,85 USD/thùng. Giá dầu WTI tại New York giảm 2,4%, còn 69,06 USD/thùng.
Quyết định của ông Trump được xem là sự phớt lờ các đồng minh châu Âu của Washington trong thỏa thuận này. Các nước châu Âu giờ đây phải tự ra quyết định của họ về vấn đề Iran.
Ảnh hưởng quân sự và chính trị gia tăng của Iran ở Yemen, Syria, Lebanon và Iraq đã và đang gây lo ngại cho Mỹ, Israel và các đồng minh của Mỹ trong thế giới Arab như Saudi Arabia. Lãnh đạo Israel và Saudi Arabia đều lên tiếng hoan nghênh quyết định của ông Trump.