12:01 17/07/2021

TP.HCM đang nỗ lực tìm nguồn hàng hóa, nhu yếu phẩm

Xuân Nghi

Sau hơn một tuần thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16, đến chiều 16/7/2021, TP.HCM đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn hàng hóa, nhu phẩm thiết yếu, nhiều nhất là các loại rau, củ, quả và trứng gia cầm; trong khi nguồn trứng được biết đang được tập trung rất nhiều ở các tỉnh lân cận…

Người dân miền Tây Nam bộ vốn không có thói quen dự trữ trứng gia cầm, nhưng từ khi nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội họ lại tích trữ rất nhiều khiến hụt nguồn cung cho TP.HCM.
Người dân miền Tây Nam bộ vốn không có thói quen dự trữ trứng gia cầm, nhưng từ khi nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội họ lại tích trữ rất nhiều khiến hụt nguồn cung cho TP.HCM.

Tại cuộc họp báo diễn ra chiều tối 16/7 về tình hình TP.HCM sau một tuần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Sở Công Thương TP.HCM đã phải thừa nhận về tình trạng thiếu hụt hàng hóa của TP.HCM, bởi nhiều tỉnh/thành ở miền Tây Nam Bộ cũng áp dụng Chỉ thị 16, hoặc Chỉ thị 15.

“THỦ PHỦ” CỦA TRỨNG CŨNG TÍCH TRỮ NGUỒN TRỨNG!

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, bà con các tỉnh miền Tây Nam bộ từ trước tới giờ ít có thói quen dự trữ trứng gia cầm (gà, vịt, cút). Lượng trứng tiêu thụ ở các địa phương này rất thấp.

Tuy nhiên, kể từ khi nhiều tỉnh/thành phía Nam áp dụng Chỉ thị 16, có nơi áp dụng Chỉ thị 15 và một phần Chỉ thị 16 thì người dân lại dự trữ rất nhiều nên nguồn trứng dự trữ cũng hết. “Thành phố rất khó để thu mua dù trước đó đã ký các hợp đồng bao tiêu. Có tình trạng nhà cung cấp không bảo đảm về giá cho đối tác theo hợp đồng vì vừa thiếu hụt nguồn hàng, giá vùng nguyên liệu lại vừa cao. Nếu nhà cung cấp thực hiện đúng theo hợp đồng thì giá giao có thể thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Dẫn đến tình trạng hai giá trứng: giá trong siêu thị và giá ngoài thị trường tự do; vì thế khó tránh được tình trạng trứng bày bán trong siêu thị theo giá bình ổn bị thu gom ra ngoài bán theo giá thị trường”, ông Phương nhận định.

Trước các diễn biến phức tạp như vậy, nhiều siêu thị đã áp dụng biện pháp, mỗi khách hàng vào siêu thị chỉ được mua tối đa hai vỉ trứng (10 trứng/vỉ). Cũng theo thông tin trước đó của lãnh đạo Sở Công Thương, thời điểm trước giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, toàn Thành phố có 110 chợ (truyền thống) hoạt động, kèm theo 106 siêu thị, 2.469 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi với 28.700 điểm bán. Sau khi áp dụng giãn cách vài ngày, Thành phố vẫn còn 68 chợ hoạt động; song đến thời điểm hiện tại (tối 16/7) chỉ còn 46 chợ hoạt động, số chợ hoạt động có thể sẽ còn thu hẹp dần do liên tục phát hiện các ca F0.

Lãnh đạo Sở Công Thương cho hay, nguồn hàng hóa thiết hụt chủ yếu là các nhu yếu phẩm và thực phẩm thiết yếu như rau, củ, quả và trứng gia cầm các loại. Sở đã liên hệ với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, các tỉnh Tây Nguyên, kể cả nhiều địa phương phía Bắc để rà soát lại, tìm nguồn nguyên liệu hàng hoá, để cung ứng cho TP.HCM. Trước mắt, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, đại diện Sở Công Thương đề xuất Chính phủ cần có chỉ đạo để các địa phương cùng thống nhất thực hiện, tránh tình trạng mỗi nơi làm mỗi kiểu. Cụ thể hiện nay, cần ưu tiên cho hoạt động sản xuất, thu hoạch, thu mua, sơ chế, chế biến, để đáp ứng đủ lượng hàng hoá thiết yếu.

THÀNH PHỐ SẼ MỞ LẠI KÊNH CHỢ TRUYỀN THỐNG

Theo số liệu sơ bộ của Sở Công Thương TP.HCM, bình thường mỗi ngày người dân TP.HCM cần 7.000 tấn thực phẩm gồm rau, củ, trái cây, thịt gia súc, gia cầm. Song, khi ba chợ đầu mối dừng hoạt động (chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức), việc cung ứng gặp khó khăn, sản lượng thông qua các chợ đầu mối chỉ đạt 2.700 tấn, giảm gần 60%.

Mặc dù đã huy động các siêu thị nâng quy mô, năng lực cung ứng từ 1.130 tấn lên 2.465 tấn, song theo Sở Công Thương TP.HCM, so với nhu cầu thực tế của người dân thì vẫn thiếu hụt khoảng 1.000 tấn rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống... Hiện tại, mỗi ngày TP.HCM thiếu khoảng 1.000 tấn lương thực thực phẩm; nhưng nguyên nhân không phải thiếu nguồn cung mà thiếu hệ thống phân phối vì cả ba chợ đầu mối đều tạm ngưng hoạt động, các thương lái hầu hết ngừng kinh doanh do không có đầu ra.

Thực tế, đã có nhiều điểm bán hàng lưu động, các điểm này đang được tăng cường để giảm tải cho hệ thống siêu thị. Riêng với các chợ đã tạm ngưng hoạt động, Sở Công Thương đã cho thí điểm mở lại để bán rau củ quả. Câu lạc bộ thể dục thể thảo Phú Thọ (quận 11) là “chợ lưu động” thí điểm đầu tiên được triển khai kể từ ngày 16/7 với số lượng tiểu thương hạn chế ban đầu. Mô hình thí điểm này sẽ được kiểm tra rút kinh nghiệm và mở rộng cuốn chiếu.

Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng đã nhận được đề xuất của Sở Công Thương về phương án kiểm tra và cho mở lại một số chợ truyền thống và chỉ bán mặt hàng thực phẩm theo nguyên tắc chợ an toàn. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương nói rằng, nếu các chợ được hoạt động trở lại, tin rằng thương lái sẽ quay lại giao dịch, đưa hàng hóa về. Nguồn hàng hóa sẽ dần ổn định.

Riêng với 3 chợ đầu mối, Sở đã làm việc với chính quyền TP. Thủ Đức, huyện Hóc Môn để khai thác các khu vực gần chợ đầu mối thực hiện trung chuyển hàng hóa. Hiện đã đưa vào hoạt động điểm trung chuyển chợ Thủ Đức được ba ngày, tiếp nhận 100 tấn rau củ quả một ngày từ các nơi khác chuyển tới.

Hy vọng, với những biện pháp tích cực của chính quyền TP.HCM cùng sự nỗ lực, chung tay của các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng, nguồn hàng hóa thiết yếu cho TP.HCM đáp ứng như cầu của người dân sẽ dần được ổn định, không còn tình trạng ít người bán, nhiều người mua, đẩy giá hàng hóa lên quá cao dẫn đến hút hàng, hụt nguồn hàng, đẩy Thành phố vào chỗ bị động càng bị động về nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yêu cho người dân. Và điều quan trọng trên hết, đó là để bảo đảm cho người dân yên tâm và an toàn sản xuất, chế biến, thu mua, vận chuyển, cần ưu tiên tiêm vaccine cho những đối tượng này ở các địa phương.